02/04/2018 16:15 GMT+7

Dựng lại người thầy

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Ngay từ xa xưa, cha ông ta đã rất trọng thầy, có thời đặt thầy trên cha mẹ, dưới vua theo thứ bậc "quân, sư, phụ".

Dựng lại người thầy - Ảnh 1.

Cũng không phải đã xa quá, nhiều người còn nhớ ở đất Nam Bộ gặp thầy ai cũng khoanh tay cúi đầu chào, không chỉ trẻ em mà cả cha mẹ, ông bà cao niên cũng chào thầy nhỏ hơn mình. Họ không chỉ gọi là ông thầy mà gọi vợ thầy cũng là "bà thầy". 

Ở miền Bắc, miền Trung một thời cũng thế, cho dù chiến tranh loạn lạc, nhưng người thầy vẫn có vị trí cao quý trong cộng đồng và xã hội.

Những năm gần đây, chuyện thầy cô giáo bị sỉ nhục, bạo hành như bắt cô giáo quỳ, bóp cổ cô giáo, đánh cô giáo đang mang thai... xuất hiện nhiều hơn, thái độ coi thường, miệt thị nghề giáo trở nên khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn. 

Những hành vi đó cần được lên án và nhận sự trừng phạt không chỉ bằng pháp luật mà bằng cả dư luận xã hội.

Nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cùng với sự lên án những hành vi mất đạo đức đó thì cả xã hội cũng cần nghiêm túc nhìn nhận tại sao hình ảnh người thầy lại có sự giảm sút như thế?

Đó là cả một quá trình dài, có lẽ bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhiều trường phải tuyển sinh vào sư phạm ở khung điểm thấp nhất, trong khi không ít thầy cô giáo phải tự trôi theo dòng chảy của kinh tế thị trường mạnh được yếu thua, tự bươn chải với cơm áo gạo tiền hằng ngày đến chóng mặt. 

Tất nhiên cũng có một bộ phận cán bộ quản lý cấp tiểu học, trung học tìm cách đục khoét tiền ngân sách, tận thu tiền của phụ huynh học sinh qua các loại quỹ "tự nguyện", có một phần không nhỏ các thầy cô giáo lợi dụng ưu thế môn học để ép học sinh học thêm, tỏ thái độ ưu ái với con nhà giàu, khinh thường con nhà nghèo, nhiều thầy cô ở bậc đại học tự thu phí sinh viên theo môn dạy, giáo viên hướng dẫn luận văn, luận án gợi ý quà cáp, ngay đến việc phong giáo sư cũng phải "bôi trơn" để chạy phiếu... 

Tất cả những chuyện khuất tất đó, cộng dồn theo năm tháng đã làm cho hình ảnh người thầy từ chỗ là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" đã trở nên mai một, suy giảm. 

Bản thân các thầy cô vừa là nạn nhân của hệ giá trị đạo đức bị đảo lộn, mà chính họ cũng là người tạo ra trạng thái đó.

Cho dù là đã muộn màng, nhưng đến lúc Nhà nước, Chính phủ cần nghiêm túc xem lại quan điểm phát triển giáo dục và ngay lập tức xây dựng một chiến lược "dựng lại người thầy", hướng đến điều mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói cách nay gần 50 năm: muốn chấn hưng giáo dục thì trước tiên và quan trọng nhất là làm sao "thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học; trường ra trường, lớp ra lớp".

Tư tưởng xây dựng nhà nước kiến tạo và ước muốn Việt Nam sớm vươn mình trở thành con hổ mới của Chính phủ chỉ thành công trên nền tảng của giáo dục và đạo đức. 

Chỉ khi nào những con người Việt Nam được nhận một nền giáo dục đàng hoàng để trở thành những công dân tử tế thì khi đó mới có thể hi vọng về một "non sông muôn thuở vững âu vàng". 

Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... khá lên được đều bắt đầu từ giáo dục, mà trước hết là từ những người thầy. Họ không chỉ là người kiến tạo nên nền tảng quốc gia mà còn dẫn dắt xã hội.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên