14/05/2023 09:43 GMT+7

Dùng thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến, theo thống kê mỗi năm Việt Nam có hơn 21.000 ca mắc mới. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư vú ở nữ giới, trong đó sử dụng thuốc tránh thai cũng là một trong những yếu tố nguy cơ.

Các nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai nội tiết làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú - Ảnh minh họa

Các nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai nội tiết làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú - Ảnh minh họa

Theo ông Lê Văn Quảng - giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có 182.563 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca (chiếm tỉ lệ 11,8%).

Nếu như trước đây người mắc ung thư vú thường gặp ở độ tuổi trên 40 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.

Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Theo bác sĩ Nguyễn Kiều Hưng - khoa ngoại gan mật - tiêu hóa và ung bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nữ giới ngoài 40 tuổi tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, phụ nữ không sinh con, tiền sử gia đình mắc ung thư vú… là những người nên được tầm soát ung thư vú sớm.

Bác sĩ Hưng cũng cho biết người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.

Tuy nhiên, nguy cơ ung thư vú liên quan đến chỉ số BMI khác nhau tùy theo tình trạng mãn kinh. Ví dụ, chỉ số BMI cao hơn và/hoặc tăng cân trong thời kỳ tiền mãn kinh thường liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.

Ngoài ra, phụ nữ có mật độ xương cao hơn có nguy cơ ung thư vú cao hơn (đối với những phụ nữ có tiếp xúc lâu dài với estrogen nội sinh và ngoại sinh).

"Nồng độ estrogen nội sinh cũng có liên quan đến ung thư vú. Với phụ nữ có nồng độ estrogen cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn ở cả phụ nữ sau mãn kinh và tiền mãn kinh

Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư vú tạm thời tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp hiện tại hoặc gần đây, nhưng mối liên quan này biến mất trong vòng 2-5 năm sau khi ngừng sử dụng", bác sĩ Hưng nêu.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine ngày 21-3, các nhà khoa học theo dõi tình hình sức khỏe của hàng trăm phụ nữ ở độ tuổi 16-39 dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố trong thời gian 5 năm.

Kết quả cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm từ 16-20 tuổi là 8 trường hợp trên 100.000 người, trong khi ở nhóm từ 35-39 tuổi là 265 trường hợp trên 100.000 người.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hưng thông tin thêm phụ nữ có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú cao hơn. 

Phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với phụ nữ đã sinh con. Và phụ nữ mang thai lần đầu muộn hơn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

Một số nhóm nữ giới khác có nguy cơ mắc ung thư vú và cần sàng lọc sớm như tiền sử cá nhân bị ung thư vú, tiền sử gia đình và đột biến gene, sử dụng rượu và hút thuốc hoặc tiếp xúc với bức xạ ion hóa trị liệu.

Các chuyên gia khuyến cáo những người thuộc đối tượng nguy cơ này cần được tầm soát sớm ung thư vú. Phụ nữ nên được tầm soát ung thư vú 1 - 2 năm một lần tùy theo khuyến cáo của bác sĩ (dựa trên tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ của ung thư vú nếu có).

90% điều trị khỏi nếu phát hiện sớm

Theo ông Quảng, ung thư vú phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

Tầm soát ung thư vú sớm để điều trị tốt nhất - Ảnh minh họa

Tầm soát ung thư vú sớm để điều trị tốt nhất - Ảnh minh họa

"Yếu tố quyết định vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ tuổi 40 trở lên) rất quan trọng.

Bên cạnh đó, song song với phương pháp điều trị truyền thống, người bệnh ung thư vú hiện nay được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị tiến bộ mới và cá nhân hóa, đem lại hiệu quả cao và chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn rất nhiều", ông Quảng cho hay.

Các chuyên gia khuyến cáo những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú có thể nhận biết như:

- Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh hoặc đau ở một bên vú hoặc đau kéo dài.

- Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở nên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

- Chảy dịch, máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định, có thể đau hoặc không.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, chị em nên chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế để sàng lọc và điều trị sớm.

Vì sao Mỹ khuyến nghị phụ nữ tầm soát ung thư vú định kỳ từ 40 tuổi?Vì sao Mỹ khuyến nghị phụ nữ tầm soát ung thư vú định kỳ từ 40 tuổi?

Cơ quan Y tế dự phòng Mỹ vừa công bố khuyến nghị mới về thời điểm cũng như tần suất nên làm tầm soát nguy cơ ung thư vú với phụ nữ, trong đó thời điểm bắt đầu được đề nghị sớm hơn tới 10 năm so với những khuyến nghị trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên