17/08/2022 12:17 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 7: Xóm Xì Trum những trưa hè không ngủ

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Mùa hè của anh em tôi kéo dài 3 tháng, miệt mài "phá làng phá xóm" với đủ kiểu trò chơi tuổi học trò.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 7: Xóm Xì Trum những trưa hè không ngủ - Ảnh 1.

Hình ảnh gia đình những năm 1980 - Ảnh tư liệu

"Ta là Tôn Ngộ Không đây! Đứng lại!", thằng Tí Em cầm "thước bảng" làm từ cây dâm bụt dí theo tôi ngoài bờ rào. Anh Nhỏ chạy kế bên, mặt xụ một đống vì bị vào vai Trư Bát Giới, còn tôi lỡ oẳn tù tì vai... yêu quái nên kiếm chỗ trốn muốn sụm bà chè.

Tí Cô Nương nghịch như quỷ sứ

Đó là một trong những trò tụi tôi chơi hoài không biết chán hồi nhỏ. Mùa hè của anh em tôi kéo dài 3 tháng, miệt mài "phá làng phá xóm" với đủ kiểu trò chơi tuổi học trò.

Ngõ vô nhà tôi dài chừng 300m ngay quốc lộ 20, vùng trung du huyện Định Quán, Đồng Nai. Hướng Sài Gòn về, từ mốc km 0 nơi ngã ba Dầu Giây, lơ xe đò sẽ không hỏi địa chỉ mà hỏi "nhà ở lẻ mấy?". Nhà tôi "lẻ 6" (km 106), còn nơi sông La Ngà chảy qua là lẻ 2, trường tiểu học lẻ 4... 

Hồi học cấp II, chiều tan trường tôi vẫn hay theo bạn bè đạp xe lên triền đồi bên sông hóng gió rồi ngó ra xa, xa lắm. Mùa nước cạn, tụi tôi mua cóc, chùm ruột ngâm rồi nằm lăn ra bãi cỏ giữa sông nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Xóm tôi, qua khỏi ao rau muống là căn nhà vách đất của bà Hai, rồi nhà gỗ Tí Em (nay đã con bồng con bế), bên phải là nhà tranh bà Cúc. Tôi tưởng tượng đó là những ngôi nhà trong truyện Xì Trum, còn tôi là Tí Cô Nương phiên bản lỗi nghịch như quỷ sứ. Tối ngày lẽo đẽo theo các anh nên chẳng có trò quậy gì tôi không rành như bắn bi, trèo cây, tắm suối, kể cả... đánh lộn đánh lạo. Có lần chơi năm mười bị "chụp ếch", trán tôi còn sẹo tới giờ. 

Nhiều buổi trưa, cha tôi phải gác ngang cán chổi lên bụng mấy anh em, tụi tôi mới biết sợ mà nằm im ngủ. Gió thổi qua chái nhà gỗ mát rượi, thức dậy cha đã cất cây chổi từ hồi nào và mẹ để sẵn nguyên ca hột é ngọt lịm.

Cha mẹ tôi từ Sài Gòn lên vùng này sau năm 1975. Những năm 1990 khi tôi học cấp I, tụi tôi đứa nào cũng ghiền những cái tên trong phim, trong truyện như Triển Chiêu, Lâm Xung, Hoàng Phi Hồng, Tứ quái TKKG hoặc khóc cười cùng những cô cậu bé đi tìm mẹ trong phim Tiểu Long Nhân, Luz Clarita... Đứa nào cũng giành đóng vai ngầu nhất, mà lớn lên tôi mới hiểu rằng đó là do ai cũng muốn thành một người tốt.

Khu vườn mùa hạ

Mùa hè, những tưởng sẽ thành Teppi siêu quậy, ai ngờ các anh dần bo xì tôi để chơi với xóm trên vì "con Út hở chút là khóc". Ghét dễ sợ. Nhưng vậy cũng hay, tôi có thời gian thẩn thơ bên khu vườn và cái rẫy mà với tôi nó rộng mút chỉ cà tha. Tôi đặt tên, phân chia khu vực cho từng cái cây, gò mối, ô đất trong vương quốc thần tiên của mình.

Gốc xoài sữa bò với những chiếc rễ lồi lên mặt đất là nơi tôi ngồi đọc truyện, thả hồn theo ngọn gió hạ đùa chơi trên cành lá. "Hồi xưa cột mấy con bò ngoải nên trái thơm mùi sữa", mẹ tôi hay giải thích vậy khi thọt xoài chín cho tụi nhóc hàng xóm. Xa khỏi cây xoài là họ nhà mít ướt - giống mít lạ lùng, khi chín múi ngọt nhão lấy muỗng múc ăn. Tôi từng bị mít rụng trúng khi đứng ngó xác ve sầu lột hồi tối, may mà trái mềm nên đầu óc tôi vẫn bình thường không bị tưng tưng cà tưng. 

Gần đó là đèn cầy đỏ (bụp giấm) mọc nguyên một dề đất, tôi hay bứt một hai trái màu đỏ vừa nhai vừa lè lưỡi vì chua. Gần bên giếng là cây ổi lớn hơn tuổi tôi, trái như những chiếc chuông màu xanh. Một chiều mưa, ông thiên lôi cho một chưởng khiến cây ngã ngang nhưng vẫn sống ngon lành, tôi hay nằm dài trên cái thân láng bóng rồi gặm ổi mẻ cả răng những ngày hè không phải đi học.

Bắt chước những chú chuột, chú cóc trong cuốn Gió qua rặng liễu, tôi có một cái ổ nơi gò cao gần giếng. Cha làm cho tôi mái che, hai bên hông giắt những cành bạch đàn. Tôi ngắt lá mì trang trí, bông dâm bụt làm lồng đèn. Tay tôi đeo đồng hồ hàng hiệu làm từ lá chuối, xâu những bông trứng cá mỏng manh làm vòng tay. Trái rau bồ ngót, rau đay mọc dại là ngọc ngà châu báu để chơi đồ hàng. 

Tôi còn cắt lá mít thành hình chong chóng xoay xoay trong gió lành. Những buổi trưa cha mẹ đi công chuyện, tôi với bé Xíu hàng xóm không ngủ mà rủ nhau xuống nhà chòi. Ham chơi nhưng xế chiều nghe tiếng chuông của ông Năm, tụi tôi chạy bán sống bán chết lên, thủ sẵn 200 đồng mua cà rem.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 7: Xóm Xì Trum những trưa hè không ngủ - Ảnh 2.

Trò chơi chong chóng lá mít được truyền lại cho trẻ ngày nay - Ảnh: Y.TRINH

Giấc mơ bên kia đồi

Có những sáng chúa nhật, tôi đeo balô chị Ba cho, xỏ quần dài, thêm chai nước, bánh sâm-banh (loại bánh dài, xốp thịnh hành thời đó), đi... thám hiểm. Hết rẫy nhà, băng qua rẫy xoài ông Kháng là tới con suối. Tôi cầm nhánh trúc, lúc thì bẻ chùm cơm nguội ngọt ngọt, lúc ngó một chú cá con, lòng hồi hộp lỡ đâu gặp "băng đảng" con nít như trong truyện Suối đá mây của nhà văn Đinh Tiến Luyện. 

Chỉ là chuyến "phượt" mấy tiếng đồng hồ của trẻ con nhưng lúc đó tôi thấy mình ngầu, tối về trùm mền ghi nhật ký như vừa tìm ra vùng đất mới. Tôi nghĩ lớn thêm chút nữa mình sẽ leo qua những ngọn đồi xanh than trong mây xa xa, xem phía bên kia có giấc mơ nào không.

Rồi cha dỡ bỏ căn nhà gỗ và xây nhà, có căn gác làm nơi chúng tôi cất heo đất, quần áo cũ. Thật giống với ca từ "Ở đó có những lũ sên bò quanh, những vết nứt rêu tường xanh. Có giếng nước soi trời trong..." trong bài Căn nhà xưa của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Ngày có trăng, chúng tôi trải nệm nhà ngoài, cửa sổ để mở suốt đêm, nằm ngó trăng rồi ngủ lúc nào không hay. Cảnh sống đó khiến tôi ít nhiều mơ mộng, để rồi chọn học ngành báo chí như một cách nối dài những chuyến phiêu lưu thuở nhỏ.

Tôi thấy mình may mắn khi được lớn lên ở vùng quê êm đềm, nơi có một mùa nắng rọi và một mùa gió lùa lạnh rát da thịt. Với người tứ xứ, nơi đây là vùng kinh tế mới với những nông trường mía, rẫy điều, khoai mì, nhưng với tôi vùng đất này như thiên đường. 

Vùng quê ấy chỉ cho tôi cách yêu thương những thứ nhỏ bé quanh mình. Tôi nhớ lúc ngồi kế gốc ổi, chôn một chú ve sầu lìa đời và thầm thì như tiễn một người bạn. Con rắn nhỏ màu trắng xám mắc vào lưới nơi hồ cá sau nhà, tôi hì hục cắt lưới giải cứu. Những buổi chiều mưa dầm dề, chạng vạng chưa thấy gà Chíp, gà Sọc về chuồng mà anh em tôi lo lắng, nuốt cơm không vô.

Mùa hè cũng là khoảng thời gian tôi mê mẩn với mớ sách truyện. Cái kệ sau nhà làm từ tấm ván với 4 sợi sên xe, là kho tàng đối với tôi. Chớm hè, tôi năn nỉ các anh trèo lên mở những miệng bao lâu năm, lấy xuống nào là truyện tranh, tiểu thuyết cho tới tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Tri Thức Trẻ, báo Ấp Bắc, Đất Mũi... 

Đọc sạch bách, tôi chuyển qua sách giáo khoa văn cấp III của anh tôi. Riết cũng chán, tôi dành tiền đi mướn truyện. Anh em tôi còn có một kho băng đĩa, từ nhạc xưa, hải ngoại cho đến những ca sĩ "Làn sóng xanh" mà băng đứt, chúng tôi lấy mủ lá vú sữa dán lại. Thời đó, cha hay đưa tôi xuống Sài Gòn thăm hai chị lớn đi học, đi làm, hoặc về quê nội ở ngoại thành. Tôi biết ngoài nơi tôi sống còn một thế giới rực rỡ khác đang chờ mình khám phá.

Thời gian trôi nhanh. Kỳ thi năm nhất đại học, gia đình tôi chuyển hẳn về Sài Gòn. Tôi đã mít ướt như nhân vật truyện Thiên thần nhỏ của tôi của tác giả Nguyễn Nhật Ánh - cô bé Hồng Hoa phải rời xa ngôi nhà rồi lén chui lại vô rào thăm những người bạn mang tên cái giếng, cây khế...

Khác với Hồng Hoa, tôi đâu có chui rào trở về nhà cũ được. Nhưng những mùa hè tuổi thơ dường như chưa đi vắng, vẫn vỗ về tâm hồn tôi mãi đến bây giờ và có lẽ sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa...

Căn nhà hiện tại của tôi ở ngoại thành, có một mảnh vườn thu nhỏ của ngôi nhà xưa. Mùa hè, mấy đứa cháu tôi thường ghé chơi. Nếu không bận bịu, tôi cùng tụi nhỏ ra vườn hái lá, bày đồ hàng... Những trò chơi tuổi thơ cứ vậy tiếp nối, đưa tiếng cười của mùa hè năm nào vọng lại rồi vút lên tan vào những đám mây xanh xanh.

Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, nhớ bạn nên viết thư về cho má, cho bạn. Người bạn mà tôi ấn tượng nhứt trong năm đầu cấp III là Nhàn.

Kỳ tới: Hè về cho tôi biết tương tư

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 6: Hè về cho mưa giăng đồng

TTO - Hè về cho mưa giăng đồng với đám "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" là mùa đầy vui thú giang nắng, dầm mưa câu cá lóc, cá rô, bắt ếch nhái kiếm thêm miếng ăn cho gia đình...

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên