16/06/2022 09:00 GMT+7

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Em và Trịnh vừa khiến tôi rung cảm, vừa hụt hẫng; vừa thích, vừa không thích.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 1.

Avin Lu (Trịnh Công Sơn) và Bùi Lan Hương (Khánh Ly) trong phim Em và Trịnh - Ảnh: ĐPCC

Sự trái ngược trong cảm xúc đó có lẽ đến từ một bộ phim tái hiện được ít nhiều dấu ấn về tình yêu và âm nhạc trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng lại quá ôm đồm chất liệu, để có thể chậm rãi hơn chạm vào tâm hồn ông.

Em và Trịnh là một bộ phim thuộc thể loại tiểu sử chân dung vốn khá hiếm hoi trong thị trường điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong đời sống điện ảnh thiên về giải trí trong hơn một thập niên qua.

Những năm đầu thập niên 1990 đã có một Em còn nhớ hay em đã quên lấy cảm hứng từ cuộc đời và âm nhạc của Trịnh hơn là một bộ phim tiểu sử về ông, với Lê Công Tuấn Anh (vai nhạc sĩ Quang Sơn) và Diễm (Trương Ngọc Ánh) nhưng nó vẫn dừng lại ở một bộ phim minh họa về Trịnh.

Trailer "Em và Trịnh"

Một trong những thách thức lớn nhất đối với dòng phim tiểu sử chân dung chính là cái ranh giới mong manh giữa những nhân vật mang tính biểu tượng đã được khán giả biết rõ, với sự tự do sáng tạo của những nhà làm phim, để có thể tạo ra một chân dung được "vẽ" bằng điện ảnh thuyết phục được khán giả.

Ngay cả điện ảnh thế giới cũng rất ít phim tiểu sử chân dung phá vỡ được đường ranh giới mong manh này.

Ngộp thở trước nguồn tư liệu đồ sộ về nhân vật cũng là một thách thức lớn khác, khiến nhiều đạo diễn bị "át vía" và biến những bộ phim tiểu sử của họ thành "cái gì cũng có nhưng không có cái gì tới nơi tới chốn", hay tệ hơn là minh họa và kể lể bằng điện ảnh.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 3.

Trần Lực (Trịnh Công Sơn) và Nakatani Akari (Michiko) trong phim

Khi Em và Trịnh đi giữa lằn ranh mong manh

Em và Trịnh chọn hai cột mốc và hai khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đó là thập niên 1960 và thập niên 1990. Một Trịnh của tuổi trẻ, của những nguồn cảm hứng âm nhạc dạt dào, đa phần đến từ tình yêu và sự mất mát, những biến động thời cuộc.

Và một Trịnh của tuổi trung niên, của bế tắc sáng tạo (như đoạn ông tâm sự với Khánh Ly qua điện thoại: "Anh e là âm nhạc đã rời bỏ anh rồi") và nguồn cảm hứng mới, lại đến từ tình yêu và lại đến từ sự mất mát.

Phải thừa nhận đây là một lựa chọn khôn ngoan của nhóm biên kịch, vì có thể xây dựng được một chân dung Trịnh Công Sơn ở hai giai đoạn quan trọng nhất trong sáng tạo của ông cũng như bối cảnh văn hóa đặc sắc của nó.

Nhưng đồng thời họ cũng đưa mình vào một thế khó vì phải lựa chọn chất liệu và kết nối chúng lại, để xây dựng từng đó nhân vật, từng đó ca khúc, từng đó bối cảnh và kể được một câu chuyện bằng điện ảnh mà mọi thứ không trôi tuột đi và thậm chí tệ hơn - minh họa.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 4.

Tươi mới và tinh khôi, Hoàng Hà (Dao Ánh) đã mang lại vai diễn đẹp

Kết quả khán giả được thưởng thức một Em và Trịnh để lại ít nhiều khoảnh khắc xao xuyến về tuổi trẻ, tình yêu và âm nhạc của Trịnh thời thập niên 1960, cho dù một Trịnh Công Sơn qua diễn xuất của Avin Lu còn hơi vụng, non và chưa lột tả được cái khí chất của ông; nhưng lại khá hụt hẫng và tiếc nuối về một Trịnh Công Sơn thời trung niên với lối diễn minh họa của Trần Lực và nhiều cảnh phim mang tính giao đãi.

Bối cảnh thập niên 1960 hiện lên phim thực sự sống động và gây ngạc nhiên vì vẻ đẹp trữ tình của nó. Tỉ lệ khung hình 4:3 và sắc màu xanh xám nhạt bao phủ lấy bộ phim đẫm màu hoài niệm, dẫn dắt khán giả ngược chuyến tàu về quá khứ, để đến với Huế, B’lao, Đà Lạt, Sài Gòn.

Trên nền bối cảnh trong một giai đoạn khốc liệt ấy, các nhân vật hiện lên với sự tươi mới, tinh khôi lẫn những ưu tư thời cuộc, nhất là Trịnh Công Sơn, Dao Ánh và Khánh Ly. Và cũng ở đó ta được chứng kiến những xao xuyến của cảm xúc đầu đời và tìm ra được tri kỷ âm nhạc quan trọng nhất của cuộc đời Trịnh.

Và vì tươi mới và tinh khôi, Bùi Lan Hương và Hoàng Hà đã mang lại những vai diễn thực sự đẹp và ít nhiều chạm vào người xem.

Khánh Ly của Bùi Lan Hương là một minh chứng cho thấy rằng khi biên kịch xây dựng được một nhân vật có tính cách đặc biệt, dù không cần xuất hiện nhiều cô cũng có thể tạo ra dấu ấn của mình trong phim.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 5.

Phim Trịnh Công Sơn là bản dựng liền mạch thời tuổi trẻ của nhạc sĩ và không có tuyến Trịnh Công Sơn tuổi trung niên như Em và Trịnh - Ảnh: ĐPCC

Đủ đẹp, không đủ sâu

Em và Trịnh đã mang lại những cú "chạm" thực sự ở một số cảnh phim tái hiện thời thập niên 1960 của Trịnh Công Sơn, nhất là những cái ôm giữa Trịnh và Khánh Ly trước ngôi nhà gỗ ở B’lao; Trịnh Công Sơn và Dao Ánh ở biển, khi Trịnh về Huế gặp lại người yêu.

Đó là lúc ta cảm nhận được tâm hồn của Trịnh giữa tình yêu và tình tri kỷ - hai nguồn cảm hứng lớn trong âm nhạc của ông. Giá như biên kịch và đạo diễn "đào" sâu hơn vào hai mối quan hệ này trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, và chỉ cần khai thác "bộ ba" này, khán giả đã có thể có một bộ phim thật hay.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 6.

Sắc màu xanh xám nhạt bao phủ lấy bộ phim đẫm màu hoài niệm

Lối dựng phim song hành ở một số đoạn liên quan đến ba nhân vật chính của phim mang lại được những rung cảm, khi có sự hỗ trợ lớn từ phần âm nhạc của Trần Hữu Tuấn Bách, quay phim của Nguyễn Vinh Phúc.

Thế nhưng rung cảm đã không thể ở lại lâu hơn khi cảnh phim chuyển về bối cảnh hiện tại dường như không có sự kết nối với những gì ta xem trước đó. Thậm chí đôi lúc ta có cảm giác như đang xem hai bộ phim khác nhau.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 7.

Em và Trịnh để lại ít nhiều khoảnh khắc xao xuyến về tuổi trẻ, tình yêu và âm nhạc của Trịnh thời thập niên 60

Diễn xuất hình thể đầy gắng gượng, giọng Huế giả dù diễn viên đã rất nỗ lực, "phản ứng hóa học" giữa Trần Lực và Michiko (Nakatani Akari) cũng đầy gượng gạo và khá nhiều cảnh mang tính "giao đãi" thiếu tự nhiên như cảnh đối thoại giữa Trịnh Công Sơn và mẹ, những nghệ sĩ cùng thời đi vòng vòng trong sân nhà nhạc sĩ hát bài Nối vòng tay lớn... đã phá hết những rung cảm vừa nhen lên từ những gì mà đạo diễn cố gắng thiết lập trước đó.

Ta không thấy được một Trịnh Công Sơn thâm trầm trong những suy tư triết học, cô đơn trong những cảm thức về hư vô, vừa đầy ưu tư vừa nhẹ thênh thang, một Trịnh Công Sơn "nhiều khi đã vui cười nhiều khi đứng riêng ngoài" giữa rất đông bạn bè vây quanh - điều đáng ra là một nốt lặng để giúp khán giả hiểu hơn về tâm hồn nghệ sĩ của ông.

Em và Trịnh vì vậy đi chênh vênh giữa hai lằn ranh mong manh, vừa khiến ta rung cảm đấy, mà cũng nhanh đẩy ta vào sự hụt hẫng đấy.

Hay nói cách khác, bộ phim đủ đẹp để khiến khán giả nhớ sau khi rời khỏi rạp chiếu nhưng chưa đủ sâu để ở lại lâu hơn trong lòng họ.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 8.

Bối cảnh thập niên 60 hiện lên phim thực sự sống động và gây ngạc nhiên vì vẻ đẹp trữ tình

"Khoảng hẹp" trong cuộc đời nhân vật

Nhà biên kịch và cây bút phê bình của tờ Variety - Scott Tobias từng nhận định về dòng phim tiểu sử rằng "một bộ phim tiểu sử thành công nên tập trung vào một khoảng thời gian hẹp của nhân vật, thay vì ôm đồm cả cuộc đời họ, chẳng hạn như việc ghi âm một album mang tính biểu tượng (với nhân vật thuộc âm nhạc) hay một khoảnh khắc cụ thể nào đó trong lịch sử chẳng hạn".

Rất nhiều bộ phim tiểu sử gần đây của điện ảnh thế giới đã tập trung khai thác cái "khoảng thời gian hẹp" đó để tìm ra một góc nhìn sáng tạo khác biệt hoặc đào sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật, như phim Spencer (2021) về công nương Diana, Nowhere Boy (2009) về John Lennon thời niên thiếu...

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có những bộ phim tiểu sử khai thác nhiều dấu mốc, nhiều khoảng thời gian trong cuộc đời của nhân vật. Miễn là nó đáp ứng được điều quan trọng nhất đối với một bộ phim tiểu sử, đó là lột tả được tâm hồn của nhân vật và những giá trị mà họ đã để lại cho cuộc đời bằng điện ảnh.

EM và TRỊNH: Rung cảm và hụt hẫng - Ảnh 10.

Khánh Ly của Bùi Lan Hương là một minh chứng cho thấy rằng, khi biên kịch xây dựng được một nhân vật có tính cách đặc biệt, dù không cần xuất hiện nhiều, cô cũng có thể tạo ra dấu ấn của mình trong phim.

Phát hành 2 bản phim: phương thức sai lầm

Hôm 14-6, nhà sản xuất gửi thông báo dừng chiếu bản phim Trịnh Công Sơn tại tất cả cụm rạp từ ngày 17-6.

Họ chỉ giữ lại Em và Trịnh, bản phim có doanh thu tốt hơn hẳn so với Trịnh Công Sơn (Em và Trịnh đang thu 26 tỉ đồng, Trịnh Công Sơn chỉ thu hơn 1,7 tỉ đồng). Đây là động thái sửa sai khá muộn màng nhưng cần thiết.

Việc chiếu 2 bản phim của cùng 1 đạo diễn và dàn diễn viên được nhà sản xuất quảng bá là "chấn động, lần đầu tiên trong lịch sử phim Việt". Họ cũng giới thiệu 2 phim có chủ đề khác nhau, nhiều cảnh khác nhau.

Nhưng khi phim công chiếu, khán giả ngã ngửa vì 2 phim không quá khác nhau, Trịnh Công Sơn là bản cắt ra từ Em và Trịnh và có thêm thắt một vài cảnh.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà sản xuất nên chọn lọc kỹ hơn khi phát hành và chỉ nên chiếu Em và Trịnh như một phim hoàn chỉnh. Nhiều khán giả bực tức vì cho là bị lừa khi mua vé xem 2 bộ phim khá giống nhau.

Thay vì dành sự trân trọng, quan tâm, mổ xẻ bản phim duy nhất, việc phát hành 2 bản phim khiến khán giả bị cuốn vào cuộc tranh cãi "phim nào hay hơn", "nên xem phim nào trước" và rộ lên làn sóng chỉ trích nhà sản xuất.

MI LY

Rút phim Trịnh Công Sơn dài 95 phút, từ 17-6 chỉ còn Em và Trịnh Rút phim Trịnh Công Sơn dài 95 phút, từ 17-6 chỉ còn Em và Trịnh

TTO - Nhà sản xuất phim 'Em và Trịnh' vừa gửi thông báo tới các cụm rạp về việc dừng chiếu bản phim ‘Trịnh Công Sơn’ dài 95 phút từ ngày 17-6.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên