21/04/2023 09:44 GMT+7

Gen Z chú ý sức khỏe tâm thần, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh truyền nhiễm, kháng thuốc

Collab Lab - dự án do nhóm Đại sứ khoa học trẻ (Youth Science Ambassadors - YSA) mà thành viên điều hành đều thuộc Gen Z (thế hệ Z) - kỳ vọng kết nối, đưa khoa học đến gần người trẻ hơn.

Linh Tú và Phương Thanh (hàng sau, từ trái qua) cùng các thành viên thực hiện dự án Collab Lab đều thuộc thế hệ Z - Ảnh: NVCC

Linh Tú và Phương Thanh (hàng sau, từ trái qua) cùng các thành viên thực hiện dự án Collab Lab đều thuộc thế hệ Z - Ảnh: NVCC

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Đinh Hoàng Phương Thanh và Nguyễn Hà Linh Tú - hai thành viên điều hành dự án - cho biết:

- Với sự dẫn dắt của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU), thông qua Collab Lab, nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình đến giới trẻ một cách trực quan, sinh động và dễ hiểu. Ngược lại, các bạn trẻ không chỉ có cơ hội hiểu hơn về nghiên cứu mà còn cùng thảo luận ý tưởng, tìm hiểu công việc của nhà khoa học.

Chúng mình làm các video ngắn gọn, dễ hiểu và kết nối, hình ảnh sinh động, ngôn từ gần gũi nhất để thu hút người trẻ và luôn kết thúc với câu hỏi mở để khích lệ sự tò mò, phản hồi từ các bạn.

ĐINH HOÀNG PHƯƠNG THANH

Khoa học không còn là "điều xa vời"

* Tại sao lại gọi là Collab Lab, đâu là thông điệp dự án muốn chia sẻ cùng người trẻ?

- Phương Thanh: Collab Lab là viết tắt của collaboration (hợp tác) và laboratory (phòng thí nghiệm). Một cách dễ hiểu thì đây là không gian hợp tác, có sự phối hợp giữa người trẻ và nhà khoa học, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về nghiên cứu khoa học.

Sứ mệnh của dự án là tạo cầu nối để cộng đồng, nhất là các bạn trẻ có thể đến gần hơn với thế giới nghiên cứu khoa học, biết về sự hình thành các kiến thức khoa học cũng như có thể đóng góp vào việc hình thành các tri thức khoa học trong tương lai.

* Khá thú vị khi đứng phía sau dự án đều là những bạn trẻ thuộc thế hệ Z, có gì khác biệt hơn chăng khi điều hành?

- Phương Thanh: Chúng tôi gồm sáu người. Hai thành viên điều hành là Đinh Hoàng Phương Thanh (sinh năm 1997 và hiện là bác sĩ thực hành tại Bệnh viện 115), Nguyễn Hà Linh Tú (sinh năm 2002 và hiện là sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam). Bốn thành viên còn lại đều là các bạn gen Z, sinh từ năm 1998 đến 2001.

Các bạn sẽ thấy ở các video giải thích, chuyển tải thông tin khoa học thường không quá 2 phút. 

Ở đó, Trúc Anh (sinh năm 1999, sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) và Linh Tú đã phác thảo nhân vật I-sà (cách gọi vui từ tên gọi YSA của nhóm) có thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt vui vẻ trong chiếc áo blouse và mang cặp kính bảo vệ mắt đặc trưng của các nhà khoa học. Hình tượng này đại diện cho những người trẻ chập chững làm quen với các thông tin khoa học.

Lắng nghe và tiếp cận người trẻ

* Các video khoa học được Collab Lab chọn chủ đề thế nào để phù hợp với người trẻ?

- Phương Thanh: Tụi mình tham khảo danh sách Các mối đe dọa toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới công bố, sau đó khảo sát nhóm các bạn trẻ 16 - 30 tuổi ở 26 tỉnh, thành cả nước. Qua đó, đã chọn ra năm chủ đề được các bạn hiện quan tâm nhiều nhất, xếp theo thứ tự là sức khỏe tâm thần, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh truyền nhiễm, kháng thuốc.

Các nghiên cứu mà Collab Lab đưa vào video là những nghiên cứu đã hoàn thành, hoặc đang diễn ra nhưng đã có kết quả rõ ràng giúp giải quyết và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu gần đây, hoặc là nghiên cứu mà nhà khoa học muốn nhận được phản hồi của giới trẻ dựa trên kết quả đang có.

* Collab Lab đã chia sẻ cùng khán giả trẻ chủ đề nào trong năm chủ đề nói ở trên?

- Linh Tú: Chúng mình đã sản xuất các video hoạt hình về vấn đề kháng độc tố uốn ván từ ngựa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh sốt xuất huyết Dengue, sự lây truyền của vi khuẩn kháng kháng sinh từ gà sang người, vai trò của các vi sinh vật đại dương trong chu trình carbon và tác động của chúng lên biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu quả giảm stress của phương pháp thiền tỉnh thức trên sinh viên đại học. 

Đây là những nghiên cứu được OUCRU, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Fulbright Việt Nam thực hiện.

* Hãy nói về những kế hoạch dành cho cộng đồng mà dự án tính đến trong năm 2023!

- Phương Thanh: Chúng mình nhận thấy tham gia Collab Lab chủ yếu là sinh viên chuyên ngành khoa học tự nhiên và y sinh. Trong khi với mục tiêu làm cầu nối giữa nhà khoa học và công chúng, dự án muốn tiếp cận với nhiều nhóm bạn trẻ khác nữa, nhất là nhóm chưa có nhiều quan tâm và kiến thức cơ bản về khoa học.

Nhóm sẽ tiếp tục mang những nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm được thực hiện bởi nhà khoa học của OUCRU đến cộng đồng. Đồng thời kết nối với nhà khoa học của các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực khác để khoa học nói chung trở nên gần gũi và thân thuộc hơn với mọi người.

Nuôi dưỡng đam mê khoa học

* Collab Lab có hoạt động kết nối nào ngoài các video trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội?

- Linh Tú: Dự án đã tổ chức sự kiện Meet The Scientists (Gặp gỡ nhà khoa học) với mong muốn tạo không gian kết nối nhà khoa học với các bạn trẻ, tháo gỡ định kiến khoa học là lĩnh vực xa vời, khô khan, người làm khoa học cũng khó gần, khó hiểu...

Chương trình sử dụng một dạng trò chơi nhập vai thực tế rất phổ biến với giới trẻ, trong đó người chơi phải giải các câu đố, thử thách để tìm cách thoát và giành chiến thắng.

Sau khi tham dự Meet The Scientists, các bạn trẻ hiểu rằng khoa học thực ra rất gần gũi với đời sống hằng ngày, còn nhà khoa học là những người rất thân thiện, sẵn sàng chia sẻ chân thành và cởi mở trước nhiều chủ đề, đặc biệt là những nhà khoa học 9X. Từ đó nuôi dưỡng trong các bạn niềm đam mê khoa học nhiều hơn.

Đối thoại với Công dân trẻ tiêu biểu: Để áp lực trở thành động lựcĐối thoại với Công dân trẻ tiêu biểu: Để áp lực trở thành động lực

Hiền lành, giản dị là cảm nhận đầu tiên khi người khác gặp Trần Khánh Tường - sinh viên năm thứ hai ĐH Y Dược TP.HCM - vừa được trao danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" ngay những ngày cuối năm 2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên