20/01/2024 12:17 GMT+7

Giá cá tra từ 5,2 USD còn 2,8 USD/kg, tôm 14,7 USD còn 10 USD/kg

Hàng loạt mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm giảm giá mạnh do sức cầu yếu, gây khó khăn cho ngành thủy sản.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu trong một doanh nghiệp thủy sản miền Trung - Ảnh: TẤN LỰC

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu trong một doanh nghiệp thủy sản miền Trung - Ảnh: TẤN LỰC

Cùng với giá xuất khẩu giảm, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường đều giảm so với năm 2022. Top 5 thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc - Hong Kong, EU và Hàn Quốc đều bị sụt giảm từ 11-28%.

Ngày 20-1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết lạm phát cao cộng với nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá giảm khiến kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm 17% so với năm 2022, chỉ đạt 9 tỉ USD.

Những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-20%. Trong đó, tôm và cá tra sụt giảm nhiều nhất: tôm giảm 20%, cá tra giảm 25%. Theo VASEP, vấn đề lớn nhất hiện nay là giá giảm sâu.

Ví dụ giá xuất khẩu trung bình cá tra và tôm chân trắng sang Mỹ chỉ còn 10 USD/kg so với giá đỉnh 14,7 USD/kg cuối năm 2020. Hay giá cá tra rớt mạnh từ đỉnh 5,26 USD/kg xuống 2,8 USD/kg.

Ngoài vấn đề giá giảm, ngành tôm Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi các nước khác như Ecuador và Ấn Độ đều gia tăng xuất khẩu với giá thấp hơn Việt Nam.

Trong khi đó hoạt động nuôi và chế biến tôm trong nước sụt giảm vì người nuôi bị lỗ do chi phí thức ăn, con giống tăng cao mà giá bán thấp. Nhiều hộ nuôi treo ao vì càng bán càng lỗ và không có vốn để tiếp tục đầu tư.

Xuất khẩu cá tra lao dốc vì các thị trường phải giải quyết lượng tồn kho, dẫn đến lượng nhập khẩu giảm, giá giảm sâu. Đánh giá chung, VASEP cho rằng năm 2023 ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn vì biến động nhu cầu thị trường, thẻ vàng IUU và giá thành sản xuất nguyên liệu.

Hiệp hội dự báo năm 2024 nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản còn yếu, dẫn tới chu kỳ giảm giá có thể kéo dài. Một số mặt hàng chủ lực như tôm sẽ phải cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.

VASEP nhận định thẻ vàng thủy sản - IUU tiếp tục là thách thức, nếu Việt Nam không tháo gỡ được thẻ vàng thủy sản trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ. Việc này khiến những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn rộng ra khu vực, tổ chức này đánh giá xu hướng gia công thủy sản xuất khẩu sẽ tăng lên do các vấn đề sử dụng lao động tại Trung Quốc và việc nước này cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản, khiến ngành thủy sản Nhật Bản tìm đối tác khác gia công, bao gồm Việt Nam.

Đánh giá chung, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu hồi phục mức 9,5 - 10 tỉ USD năm 2024.

Trong đó ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỉ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỉ USD, còn lại các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về 3,6 - 3,8 tỉ USD.

Việt Nam đề nghị Hungary ủng hộ sớm gỡ thẻ vàng thủy sảnViệt Nam đề nghị Hungary ủng hộ sớm gỡ thẻ vàng thủy sản

Gặp Phó chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István tại Budapest ngày 19-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Hungary ủng hộ việc EC sớm dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên