10/05/2015 10:12 GMT+7

​Gia đình vững chắc sẽ hành xử văn minh

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - Daria Mishukova, nhà Việt Nam học - Đông phương học người Nga, tác giả cuốn sách Việt Nam - đất nước con Rồng cháu Tiên đã được in bằng tiếng Nga và tiếng Việt.

Hình ảnh đẹp trên đường phố Sài Gòn

Một cô gái trẻ đang giúp một người già qua đường trong giờ cao điểm buổi sáng. Ở TP.HCM vào giờ cao điểm rất đông xe cộ, nhất là xe máy, hành động của cô gái trẻ này không chỉ giúp người già qua đường an toàn mà còn là một nét đẹp trên đường phố Sài Gòn (ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).

NGUYỄN CÔNG THÀNH

 

Daria Mishukova

Người Việt yêu thích ca hát và lúc nào cũng sẵn sàng hát. Rất nhiều lần tôi đã nghe thấy người Việt vừa đi dạo vừa hát, nhân viên ngồi ở văn phòng vừa làm vừa hát, doanh nhân Việt cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp xong thì cùng nhau nhảy múa, hát hò... 

Tôi tin tưởng rằng mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống đều theo luật hấp dẫn và trong mọi xã hội đều có người tốt, người xấu nên tất nhiên cũng có những người hành xử đàng hoàng, có người hành xử chẳng ra gì. Xã hội là vậy.

Tôi gắn với VN từ năm 2001, gặp rất nhiều người Việt, nhưng may mắn tôi gặp nhiều người tốt hơn những người xấu. Tôi từng chứng kiến một anh lái xe hơi vô tình đụng phải một người lái xe máy, anh ấy đã dừng xe lại hỏi han chăm sóc người kia xem có sao không, có cần đưa vào bệnh viện không... dù rằng chiếc xe máy kia đi vào làn đường dành cho ôtô.

Chính vì vậy tôi cũng rất ngạc nhiên khi nghe rằng nhiều người VN rất hung dữ, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau khi có chuyện căng thẳng hoặc đó là kết quả cuối cùng của một trận cãi nhau ra trò.

Tôi cho rằng đó là những trường hợp không phổ biến trong xã hội.Những nghiên cứu của tôi cho thấy người VN là một trong những dân tộc có tinh thần lạc quan, mến khách, có tính cách vui vẻ, cởi mở và dễ giao tiếp. Không chỉ tôi mà đại đa số người nước ngoài đều nhận xét tốt về nụ cười tươi đẹp của người VN.

Người Việt yêu thích ca hát và lúc nào cũng sẵn sàng hát. Rất nhiều lần tôi đã nghe thấy người Việt vừa đi dạo vừa hát, nhân viên ngồi ở văn phòng vừa làm vừa hát, doanh nhân Việt cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp xong thì cùng nhau nhảy múa, hát hò...

Nói thế để thấy người Việt bản chất không hung hãn, mà có thể chỉ là một nhóm thiểu số nào đó không kiềm chế bản thân, tự đề cao bản thân quá đáng mới có thể có những hành động thượng cẳng chân hạ cẳng tay thay vì các lời nói nhẹ nhàng, chủ động xin lỗi và nhận lỗi.

Ai ai cũng đều biết chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, mạng xã hội được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày nên mỗi hành động, thái độ ứng xử đúng, sai của mọi người đều rất nhanh chóng lan truyền.

Hãy tìm, kết bạn với những người tốt để bạn được tiếp nhận những thông tin, học tập chia sẻ các cách hành xử văn minh, lịch sự, cùng chia sẻ những câu chuyện tốt có tính nhân văn. Khi cái tốt được lan truyền nhiều cũng là lúc cái xấu sẽ ít cơ hội để nhân rộng, phát triển.

Mỗi người cố tạo cho mình hàng rào ngăn cản cái xấu bằng những cách này thì những cách hành xử xấu, chửi bới nhau, thượng cẳng chân hạ cẳng tay sẽ không có cơ hội nhân rộng. Điều mà tôi nghĩ sẽ giữ mọi người bình tĩnh trở lại khi xảy ra các xung đột chính là nền tảng văn hóa trong từng con người mà giáo dục trong gia đình là yếu tố then chốt.

Hiếu thảo với cha mẹ, bày tỏ lòng tôn trọng với người lớn tuổi là một nét đẹp trong văn hóa VN. Tôi kể ra chuyện này có thể là buồn cười với các bạn, nhưng với người Nga như tôi là điều rất đáng học hỏi. Nhiều thành viên trong gia đình thuộc lòng, biết các thành viên trong gia đình có khi đến hàng chục thế hệ.

Trong khi ở Nga sau cách mạng năm 1917, nhiều gia đình Nga mất thông tin về những thế hệ trước và nay, đại đa số họ chỉ biết đến 3 - 5 thế hệ trong gia đình. Điều này chứng minh vai trò và giá trị rất cao của gia đình trong xã hội VN. Tôi hi vọng những người Việt trẻ sẽ kế thừa nét đẹp và vô cùng quý báu này từ thế hệ cha mẹ, ông bà, chuyển sang thế hệ tương lai.

Chính từng thành viên trong gia đình tự nêu gương tốt cho nhau, rèn luyện, nhắc nhở nhau cùng thực hiện những chuẩn mực xã hội thì cũng hạn chế những cách hành xử không văn minh.

Báo chí, truyền thông cũng phải góp phần đả phá thói xấu, những hành động xấu, lối sống thiếu văn minh cũng như khuyến khích, nhân rộng những câu chuyện đẹp, nhân văn để mọi người biết học tập, chia sẻ.

Nhưng trên hết chính từng người phải cố ý thức được đâu là cái đẹp, tính nhân văn, điều hay lẽ phải để thực hiện, nêu gương cũng như nuôi dưỡng và gìn giữ chúng. Có như vậy xã hội mới bớt đi cái xấu, xứng đáng với nét đẹp vốn có của văn hóa truyền thống đã tồn tại từ hàng nghìn năm của VN. 

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên