24/02/2022 11:21 GMT+7

Giá nhiên liệu tàu biển tăng cao làm tăng sức ép lạm phát

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Giá nhiên liệu tàu biển tăng cao kỷ lục đẩy cước vận tải biển tăng vọt và từ đó tác động tới giá hàng hóa, dịch vụ trên toàn cầu.

Giá nhiên liệu tàu biển tăng cao làm tăng sức ép lạm phát - Ảnh 1.

Giá cước vận tải biển tăng do nhiên liệu tăng gây áp lực lên lạm phát. Ảnh: apnews.com

Các nhà máy lọc dầu đang ưu tiên cho sản phẩm xăng, dầu diesel – những mặt hàng năng lượng có nhu cầu mạnh. Giá nhiên liệu tàu biển tăng theo cũng là điều đương nhiên. Nhưng điều này gây ra một mối lo ngại khác, khi giá nhiên liệu tàu biển đẩy giá cước vận tải biển lên cao. Do vận tải hàng hóa quốc tế chủ yếu dựa vào vận tải đường biển, nên giá nhiên liệu tăng làm tăng sức ép lạm phát.

Giá nhiên liệu tàu biển leo lên mức cao kỷ lục vào tháng này, với dầu nhiên liệu lưu huỳnh thấp (VLSFO) – nhiên liệu chủ chốt cho tàu biển, tăng 55% sau 12 tháng, lên mức 731,50 USD/m3 tấn. Giá nhiên liệu sau đó còn tiếp tục leo thang. Theo dữ liệu của hãng Ship & Bunker, mức giá trung bình với VLSFO tại 20 cảng biển lớn nhất thế giới đứng ở mức trung bình 740 USD/m3 tấn.

Một nguyên nhân khiến giá nhiên liệu nói chung tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ, khi các nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường sau giai đoạn đóng cửa, phong tỏa. Ngoài ra, VLSFO tăng cao còn là bởi mặt hàng nhiên liệu này có giá cao hơn so với dầu nhiên liệu lưu huỳnh hàm lượng cao.

Giá dầu thô tăng là một tác nhân làm tăng giá nhiên liệu tàu biển. Nhưng còn một vấn đề khác mang tính kỹ thuật. Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà máy lọc dầu hiện ưu tiên cho sản phẩm xăng và dầu diesel do nhu cầu tăng cao, hơn là cho nhiêu liệu tàu biển. Điều này đồng nghĩa với việc lượng dầu thô dùng để lọc, chiết tách cho VLSOF khan hiếm hơn.

Lạm phát tại Mỹ đã vọt lên mức 7,5% trong tháng 1, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), lạm phát cũng lên mức kỉ lục 5,1%. Và với giá nhiên liệu tàu biển tăng, số liệu về lạm phát tại các nền kinh tế lớn sẽ còn đứng ở mức cao. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị gián đoạn nghiêm trọng sẽ kéo dài, do việc giao hàng bị trì hoãn.

Đó là một trong những lý do khiến giá hàng hóa và lạm phát toàn cầu đứng ở mức cao – chuyên gia phân tích Mark Williams thuộc hãng tư vấn Wood Mackenzie chia sẻ với hãng tin Bloomberg. Giá hàng hóa sẽ còn cao, bởi không có thêm nguồn cung dầu thô trong trung hạn trừ khi Mỹ và Iran đạt đồng thuận về khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đi kèm với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt dầu mỏ chống Tehran. Ngay cả khi có thỏa thuận, giá dầu có thể không giảm sâu, bởi giới đầu tư đã tính cả yếu tố này trong giao dịch trên thị trường dầu mỏ hiện nay.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên