06/03/2024 17:04 GMT+7

Giá USD 'chợ đen' vọt lên, 'người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm'

Khi tỉ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục biến động, có độ chênh lớn với tỉ giá các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, trong khi không ít doanh nghiệp nhập khẩu đối diện với áp lực.

Tỉ giá USD thị trường tự do biến động, một cửa hàng giao dịch ngoại tệ trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cũng nhộn nhịp hơn - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tỉ giá USD thị trường tự do biến động, một cửa hàng giao dịch ngoại tệ trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cũng nhộn nhịp hơn - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 6-3, tìm hiểu thị trường USD chợ đen, giá mỗi USD bán ra là 25.620 đồng. Trong khi tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 24.017 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua, ngày 5-3.

Xuất khẩu "cười nụ", nhập khẩu "khóc thầm"

Khi tỉ giá tăng vọt làm giãn độ "vênh" với giá USD tại các ngân hàng thương mại, kéo theo câu chuyện không ít doanh nghiệp xuất khẩu "cười tươi" và cũng quá nhiều công ty nhập khẩu "khóc thầm" vì áp lực.

Ông P.X.T. (quận 1, TP.HCM) là quản lý một doanh nghiệp chuyên nhập sữa ngoại từ các nước Anh, Mỹ… về bán tại thị trường trong nước. Ông cho biết sữa cũng là mặt hàng thiết yếu, nên nguồn cung phải giữ ổn để không bị đứt và tài chính luôn đảm bảo cho đối tác ở nước ngoài.

"Cuối năm tôi đã ký hợp đồng một đơn hàng lớn, đã đặt cọc, chốt giá. Thời điểm đó gần 23.000 đồng/USD, nhưng hiện nay mua USD ở ngân hàng lên đến hơn 24.000 đồng/USD. Tỉ giá tự do tăng mạnh, biến động quá nên tôi phải bỏ VND nhiều hơn thời điểm ký hợp đồng để mua USD, doanh nghiệp... hết lời", ông T nói.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh An Giang chia sẻ "niềm vui nhân đôi" khi giá gạo xuất khẩu rất tươi sáng, lại cộng thêm tỉ giá USD đang biến động và tăng mạnh.

Vị này nói: "Tỉ giá tăng, tất cả ngành nghề xuất khẩu đều có lợi, giá và hàng hóa có sự cạnh tranh. Gạo Việt đang cạnh tranh với gạo Thái Lan, có thuận lợi vì đang vào chính vụ đông xuân. Nhưng so với quý 4-2023, giá rẻ hơn 10%, rẻ hơn bình quân. Bù lại tỉ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng được bù lợi một phần nhỏ".

Vị này cho rằng để thu hút ngoại tệ từ đầu tư, kiều hối hay xuất khẩu trong khi giá "chợ đen" tỉ giá cao hơn, nên các ngân hàng thường "hỗ trợ" thêm cho doanh nghiệp khi giao dịch.

"Chẳng hạn như từ hơn 24.000 đồng/USD niêm yết, thực tế chúng tôi sẽ có thêm hơn 24.150 đồng/USD hoặc 24.250 đồng/USD", doanh nghiệp này nói thêm.

Không riêng gạo, những mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu đang có lợi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu được "cả tiếng lẫn miếng", lợi nhuận mang về tăng cao từ việc chênh lệch, biến động tỉ giá USD. 

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, linh kiện điện tử, đồ công nghệ… đang đối diện với câu chuyện... huề vốn hoặc bù lỗ.

"Bảo hiểm" biến động tỉ giá

Chuyên gia tài chính Lê Trung Nam, giám đốc Công ty TNHH EPS Investing Việt Nam, cho rằng tỉ giá tăng do Việt Nam giảm lãi suất, trong khi Mỹ vẫn neo lãi suất ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ. Đồng thời, đồng USD tăng mạnh hơn do tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ.

"Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu được lợi vì thu USD về bán ra được nhiều VND hơn. Nghĩa là ngoài lợi nhuận từ kinh doanh thì còn thêm phần lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá.

Doanh nghiệp nhập khẩu thì ngược lại, đã ký hợp đồng, chốt giá với nhà cung cấp, nay mua USD để thanh toán thì phải bỏ VND ra nhiều hơn để mua. Dẫn đến sẽ bị lỗ về tỉ giá", ông Nam nhìn nhận.

Giải pháp ông Nam đưa ra với doanh nghiệp nhập khẩu khi tỉ giá có dấu hiệu tăng là mua quyền chọn mua USD (Call Option) để cố định tỉ giá.

"Nhưng thường ít doanh nghiệp dùng phương pháp này. Các doanh nghiệp nên dùng các công cụ tài chính để doanh nghiệp bảo hiểm dòng vốn của mình trước biến động tỉ giá không thể lượng định trước trên thị trường. Thậm chí có thể đầu tư trên sự biến động này với chi phí hữu hạn, lợi nhuận thì không giới hạn", ông Nam nói thêm.

Trước biến động tỉ giá mỗi ngày, chuyên gia này kiến nghị giảm lãi suất và đi liền với biện pháp ổn định tỉ giá để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Doanh nghiệp nhập khẩu phải biết tự đánh giá kỹ hơn tác động của thị trường

Một giảng viên khoa tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là công ty chuyên nhập khẩu biết tự đánh giá kỹ hơn tác động của thị trường và rủi ro bên ngoài đối với ngành nghề của mình, từ đó đưa ra đối sách, giải pháp.

"Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính tiền tệ, tỉ giá và lãi suất. Chủ động đón nhận cũng như ứng phó trước các thuận lợi cũng như khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài…; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính", vị này nói.

Giá USD lên cao, tỉ giá diễn biến "khá lạ"Giá USD lên cao, tỉ giá diễn biến 'khá lạ'

Tỉ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, theo quan sát từ chuyên gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên