Xe
08/01/2024 06:18 GMT+7

Giải mã hiện tượng xe điện BYD

Doanh số xe điện trong quý 4-2023 của thương hiệu Trung Quốc BYD đạt 526.000 xe, nhỉnh hơn con số 484.000 xe bán được của Tesla. Đây là lần đầu tiên hãng xe đến từ Mỹ mất ngôi đầu thị trường xe điện trong nhiều năm qua.

Xe điện BYD chờ được vận chuyển đến nơi phân phối tại một cảng Trung Quốc - Ảnh: AFP - Nguồn: Bloomberg - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: N.KH.

Xe điện BYD chờ được vận chuyển đến nơi phân phối tại một cảng Trung Quốc - Ảnh: AFP - Nguồn: Bloomberg - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: N.KH.

Theo tờ Financial Times, sự soán ngôi của BYD đánh dấu quá trình phát triển mạnh mẽ từ con số 0 của BYD.

Đi lên từ việc sản xuất pin

Mẫu xe điện Yangwang U8 của BYD không chỉ có sức mạnh khủng, phạm vi hoạt động ấn tượng mà còn sở hữu 2 khả năng ấn tượng: xoay xe một vòng tròn 360 độ và có thể nổi, lội nước trong trường hợp khẩn cấp - Ảnh: China Cars News

Mẫu xe điện Yangwang U8 của BYD không chỉ có sức mạnh khủng, phạm vi hoạt động ấn tượng mà còn sở hữu 2 khả năng ấn tượng: xoay xe một vòng tròn 360 độ và có thể nổi, lội nước trong trường hợp khẩn cấp - Ảnh: China Cars News

Mới chỉ hơn 10 năm trước, tỉ phú Elon Musk - ông chủ của Tesla - đã công khai coi thường ra mặt hãng xe này: "Bạn đã thấy xe của họ chưa? Tôi không nghĩ nó thu hút. Công nghệ trên xe không mới. Tôi nghĩ họ nên tập trung vào việc không chết tại Trung Quốc".

13 năm sau, không chỉ soán ngôi Tesla, BYD còn hướng đến việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024.

Theo báo Wall Street Journal, năm 1995 giáo sư hóa học Vương Truyền Phúc thành lập Công ty BYD tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Những năm đầu, BYD tập trung sản xuất những viên pin nhỏ dùng cho điện thoại di động và các loại phương tiện điện tử khác.

Với sự hiểu biết tường tận về hóa học và công nghệ pin, ông Vương đã chia nhỏ quy trình sản xuất pin thành hàng trăm bước nhỏ, đơn giản đến mức những công nhân không qua đào tạo tay nghề cũng có thể làm mà không cần máy móc đắt tiền.

Cuối những năm 1990 và đầu 2000, công việc kinh doanh của BYD khởi đầu tương đối thuận lợi, thu hút một số khách hàng lớn như Motorola, Nokia - những nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu bấy giờ.

Xe điện của BYD trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 31-12-2023 - Ảnh: REUTERS

Xe điện của BYD trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 31-12-2023 - Ảnh: REUTERS

Năm 2002, ông Vương mua lại mảng sản xuất xe của một hãng ô tô quốc doanh bên bờ vực phá sản. Ngay từ lúc đó, ông đã thấy được tiềm năng của ngành xe điện qua thành công của dòng xe hybrid Toyota Prius.

Mẫu xe F3, phát súng đầu tiên của BYD vào thị trường xe xăng, mang về thành công lớn khi đứng đầu doanh số Trung Quốc trong nhiều năm liền. Bất chấp thành công của xe xăng, ông Vương và BYD vẫn đau đáu ý tưởng sản xuất ô tô chạy bằng pin do chính mình sản xuất. Mong muốn này bước đầu thành hình qua dự án xe hybrid có khả năng cắm sạc trực tiếp được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới.

Ấn tượng với ý tưởng của BYD, tháng 9-2008 Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet bỏ ra 232 triệu USD để mua lại 10% cổ phần công ty này. Chỉ ba tháng sau, hãng xe Trung Quốc trình làng F3DM, mẫu xe tham vọng trên.

Trong hơn 10 năm sau đó, BYD tận dụng khôn khéo những chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc để xây dựng cơ sở sản xuất và từng bước kiện toàn năng lực làm xe điện.

Ngày càng nhiều mẫu xe điện trang bị công nghệ hiện đại, kiểu dáng bắt mắt nhưng có giá tiền thua xa các hãng xe phương Tây và Mỹ như Tesla, Volswagen, Ford... được BYD ra mắt, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ô tô Trung Quốc.

Bí quyết thành công

Mẫu xe điện EA1 Xdream của hãng BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải hồi tháng 4-2023 - Ảnh: AFP

Mẫu xe điện EA1 Xdream của hãng BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải hồi tháng 4-2023 - Ảnh: AFP

Tờ Financial Times khẳng định một trong những lý do quan trọng nhất giúp BYD phát triển thần kỳ là việc tự chủ toàn bộ dây chuyền sản xuất. BYD tự sản xuất khung xe, đèn xe, thậm chí cả chip vận hành xe, đồng thời xem việc thuê các công ty khác gia công linh kiện, phụ tùng cho mình là phương án cuối cùng.

Đặc biệt, BYD tự lực 100% sản xuất pin - linh kiện quan trọng và đắt đỏ nhất trên một chiếc xe điện. Công ty này sở hữu các hầm mỏ, nhà máy cần cho quá trình sản xuất pin và đang là nhà sản xuất pin lớn thế hai thế giới, chỉ sau CATL cũng của Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu Bernstein, pin của BYD có giá thành thấp bậc nhất thế giới, song lại sở hữu mật độ năng lượng cao gần như hàng đầu, mang lại hiệu năng cao hơn cho xe điện. Điều này buộc các hãng đối thủ như Tesla và Toyota cũng phải tìm đến BYD để mua pin về lắp cho xe của mình.

Việc tự chủ sản xuất không chỉ giúp BYD tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm mà còn tăng tính chủ động trong việc cải tiến công nghệ trên xe.

Bên cạnh đó, BYD cũng nhận sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh từ sớm đã nhìn thấy xu hướng tất yếu của xe điện và định hướng các nhà sản xuất nội địa đi theo hướng này.

Trong hơn 10 năm qua, chính quyền trung ương và địa phương đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ, miễn thuế và giảm giá cho cả nhà sản xuất và người mua xe. Nhờ đó, các sản phẩm xe điện của BYD và những hãng Trung Quốc khác đặc biệt được người dân nước này săn đón.

Thách thức vươn ra biển lớn

Dù đứng đầu thế giới về doanh số, phần lớn xe BYD bán ra vẫn đến từ thị trường trong nước. Do thị trường trong nước đã trở nên chật chội so với năng lực sản xuất của BYD, các lãnh đạo công ty đặt việc xuất khẩu làm một trong những mục tiêu chủ chốt của năm 2024.

Dù vậy, tương lai của BYD tại những thị trường hàng đầu vẫn khá bất định. Lo ngại trước làn sóng xe Trung Quốc do BYD dẫn đầu, tháng 10-2023 Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra liệu xe điện nhận chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh có tác động tiêu cực lên các hãng xe thuộc khối này không. Nếu nhận phán quyết không thuận lợi, cơ may của BYD tại EU sẽ giảm đáng kể.

Tình hình tại Mỹ còn kém lạc quan hơn nhiều. Tâm lý bài Trung của người dân khiến BYD khó lòng có chỗ đứng tại xứ sở cờ hoa trong thời gian tới. Lợi thế giá cả của BYD còn bị giảm sâu khi đối diện khoản thuế lên đến 25% khi vào thị trường Mỹ, trong khi xe điện sản xuất ở Mỹ lại được miễn thuế khủng.

"Công việc kinh doanh của họ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bạn sẽ mất hết các ưu thế này một khi bạn đưa dây chuyền ra khỏi Trung Quốc" - ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc và là đối tác chuyên gia tại tập đoàn tư vấn toàn cầu Dentons, chỉ ra.

BYD làm thế nào thành hãng xe điện số 1 thế giới năm 2023?BYD làm thế nào thành hãng xe điện số 1 thế giới năm 2023?

BYD đang là cái tên gây chú ý nhiều nhất làng xe, khi thống trị phân khúc xe điện hóa trong năm 2023 vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên