01/04/2020 12:09 GMT+7

Giảm tải chương trình học: Bỏ nội dung nâng cao, khuyến khích tự học

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết dựa trên chương trình đã giảm tải, bộ sẽ xây dựng và sẽ công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.

Giảm tải chương trình học: Bỏ nội dung nâng cao, khuyến khích tự học - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong giờ học môn văn - Ảnh: ANH KHÔI

Chiều 31-3, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.

Những bài phần lý thuyết mở rộng, vận dụng thực tiễn sẽ tạm lược bỏ, có thể sẽ bổ sung vào nội dung của năm học sau. Các bài thực hành, thí nghiệm không có điều kiện thực hiện trong bối cảnh hiện tại cũng lược bỏ.

Ông Nguyễn Xuân Thành

Tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh

Hướng giảm tải ở bậc tiểu học là ưu tiên thời gian tối đa tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình và có phương án tổ chức dạy các môn tự chọn phù hợp. Theo đó, có thể không dạy bài tự chọn, hoặc dạy bài tự chọn nhưng có rà soát, tinh giản, tổ chức thành bài đọc thêm có hướng dẫn.

Các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, thủ công ở bậc tiểu học, ngoài việc lược bớt và ghép các bài theo chủ đề để giảm số tiết, nhiều nội dung được chuyển sang "học sinh tự học, tự tập, tự thực hành ở nhà" với sự hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của phụ huynh.

Bậc tiểu học cũng có một số môn học khác tinh giản theo hướng chuyển nhiều bài học sang "khuyến khích học sinh tự học có hướng dẫn" và khuyến khích sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Ví dụ như toàn bộ nội dung môn đạo đức. 

Theo các thành viên của tiểu ban tinh giản chương trình tiểu học thì nội dung môn đạo đức đều gắn với tình huống thực tiễn trong cuộc sống, gần gũi với học sinh nên thuận lợi cho cha mẹ hướng dẫn con.

Phần "khuyến khích tự học" có hỗ trợ của phụ huynh còn ở một số bài của môn tự nhiên và xã hội, khoa học có tính chất thực hành, gắn với tình huống cuộc sống. Hoặc hầu hết các bài luyện đọc, luyện nói của môn tiếng Việt đều chuyển sang để học sinh tự đọc ở nhà. Những bài luyện tập, ôn tập chung ở tiểu học đều được lược bỏ không dạy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết nội dung tinh giản ở mỗi môn học, cấp học khác nhau. Nhưng nguyên tắc chung là giảm các nội dung nâng cao, chỉ giữ phần cốt lõi của mỗi môn học, đảm bảo yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng. 

Ngoài ra, các tiểu ban tùy theo đặc thù từng môn học, thiết kế các bài học ghép từ nhiều bài riêng lẻ, tích hợp kiến thức của nhiều bài trong một chủ đề để tiết kiệm thời gian.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc kiểm tra, đánh giá đối với học sinh sẽ không nằm trong nội dung chương trình được tinh giản, cụ thể là sẽ không thi các phần được ghi "không dạy", "không thực hiện", "không làm", phần "khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm ở nhà".

Đề thi THPT quốc gia không có nội dung giảm tải

Theo khẳng định của Bộ GD-ĐT, học sinh cuối cấp có thể yên tâm lướt qua các phần được giảm tải để tập trung vào phần kiến thức được xem là trọng yếu. Ví dụ như ở môn ngữ văn - là một trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia - có nhiều tác phẩm văn học được đưa vào phần "khuyến khích tự đọc". 

Cụ thể như tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Một người Hà Nội, Thuốc, Mùa lá rụng trong vườn, Bắt sấu rừng U Minh Hạ..., một số bài thuộc diện "tự học có hướng dẫn", một số bài không dạy hoàn toàn hoặc một phần.

Ở lớp 9 - đối tượng sẽ phải tham dự kỳ thi chuyển cấp - cũng có nhiều tác phẩm văn học phần "đọc hiểu văn bản" được chuyển sang "khuyến khích tự đọc, tự làm". Một số bài chuyển sang phần "tự đọc", có nghĩa sẽ không có trong đề thi. Các bài luyện tập, tổng kết đều trong diện "tự đọc, tự làm".

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, căn cứ vào chương trình đã giảm tải, bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi và công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.

Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):

Bất ngờ với "Hồn Trương Ba da hàng thịt"

do duc anh 1 2(read-only)

Tôi đánh giá cao nỗ lực tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên vẫn còn chút băn khoăn như sau:

Nhìn vào chương trình ngữ văn lớp 12 được bộ khuyến khích học sinh tự học và cắt giảm, có khá nhiều bài dù bộ không giảm tải thì tự học sinh và một số giáo viên cũng đã tự bảo nhau lược bớt cho nhẹ nhàng.

Ví dụ bài Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình hay một số bài vốn dĩ đã nằm trong phần đọc thêm thì nay chuyển thành khuyến khích học sinh tự đọc. Riêng các tác phẩm văn học nước ngoài, trong vòng nửa thập kỷ qua, gần như giáo viên và học sinh cũng chỉ học để biết chứ không học để thi nên việc đưa Thuốc, Ông già và biển cả vào nội dung giảm tải cũng không gây bất ngờ.

Tuy nhiên cá nhân tôi khá bất ngờ khi vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt cũng nằm trong nội dung giảm tải. Phần tiếng Việt và làm văn giảm tải khá nhiều. Đứng ở góc độ người giảng dạy thì tôi rất băn khoăn.

Trong bối cảnh học sinh hiện nay còn thiếu kỹ năng về việc sử dụng tiếng Việt trong lời nói, chữ viết thì việc cắt bỏ này chỉ dựa trên quan điểm của chính Bộ GD-ĐT hay đã tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trực tiếp đứng lớp nhiều năm? Nó có được đo lường một cách khoa học hay chỉ đơn thuần là tinh giản chương trình một cách cơ học?

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Nhẹ nhàng môn sử

nguyen viet dang du 2(read-only)

Môn sử lớp 12 khi đã được giảm tải khá nhẹ nhàng, mặc dù vẫn giữ được những nội dung cơ bản của chương trình. Học sinh lớp 12 vẫn nắm được tiến trình lịch sử Việt Nam - đây là ưu điểm của quyết định giảm tải môn sử.

Vấn đề còn lại tôi cho rằng các sở GD-ĐT nên có buổi họp với các tổ bộ môn để triển khai những phần kiến thức cơ bản ấy như thế nào. Trên cơ sở đó các giáo viên sẽ lên kế hoạch về lộ trình dạy bài mới và ôn tập phần kiến thức học kỳ 1 cho học sinh mà thôi.

Thầy Trần Văn Toàn (tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, TP.HCM):

Hơi thất vọng

tran van toan 2(read-only)

Thực sự tôi hơi thất vọng khi xem bản chi tiết về giảm tải chương trình môn toán lớp 12 của Bộ GD-ĐT. Một số kỹ thuật tính toán vốn dĩ rườm rà và không thực tế mà giáo viên đứng lớp chúng tôi hi vọng nó sẽ nằm trong phần giảm tải - làm cho phần kiến thức nhẹ đi thì rất tiếc, nó không được giảm tải.

Trong khi đó những nội dung kiến thức không xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới như "Số phức" những tưởng sẽ được giảm tải nhưng bộ vẫn không tinh giản phần này.

Xét về tổng thể môn toán lớp 12 chỉ giảm được một đơn vị kiến thức rất nhỏ về "Tính thể tích khối tròn xoay" mà thôi. Bản giảm tải chương trình môn toán lớp 12 của Bộ GD-ĐT có rất nhiều mục cho học sinh tự học có hướng dẫn.

Tôi rất băn khoăn: đối với học sinh ở thành thị còn đỡ chứ học sinh ở vùng sâu, vùng xa thì giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tự học như thế nào?

Cô Vũ Thị Bắc (giáo viên môn địa Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Môn địa tập trung vào thực hành

vu thi bac 2(read-only)

Môn địa lớp 12 tập trung giảm tải ở phần lý thuyết, chủ yếu giữ lại phần thực hành. Tôi cho rằng như vậy là hợp lý trong bối cảnh hiện nay: phần thực hành với những kỹ năng vẽ biểu đồ, đọc bản đồ... thì học sinh đã được học từ trước, nay chỉ rèn thêm mà thôi.

Các nội dung kiến thức lý thuyết chưa tinh giản cũng được tích hợp thành chủ đề - như vậy giáo viên cũng thuận lợi trong việc hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu và giảng dạy từ xa. Nhìn chung môn địa sau khi đã giảm tải khá vừa sức với học sinh lớp 12.

Làm quen với tự học ở nhà Làm quen với tự học ở nhà

TTO - Những ngày nghỉ học, tôi cho con tập làm quen với hình thức homeschooling (học tập tại nhà) và được con nhiệt tình hưởng ứng.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên