03/12/2023 11:19 GMT+7

Giảm thuế thế này không đã!

Chúng ta lại được giảm 2% thuế giá trị gia tăng thêm sáu tháng của năm 2024. Như vậy từ sau dịch COVID-19 đến nay đã có bốn lần giảm loại thuế này. Được giảm thuế là tin tốt, nhưng nói thật: không thấy đã.

Người dân mua sắm ở siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân mua sắm ở siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giảm hai tháng cuối năm 2021, năm 2022, sáu tháng cuối 2023, năm 2024 cũng chỉ giảm sáu tháng đầu năm. Tâm lý "giảm thuế không đã" là khá phổ biến, sao không giảm luôn cả năm như không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ.

Vì sao nói đã giảm thuế là phải "giảm cho đã" và phải chăng giảm "không đã" là không hiệu quả? Những lý lẽ thế này không sai đâu.

Bởi mục tiêu của giảm thuế giá trị gia tăng là kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại. Chính vì kinh tế khó khăn mà người dân đã thắt lưng buộc bụng.

Nhiều người tự hỏi, không biết tình hình này kéo dài bao lâu, khi nào "trời lại sáng"? Họ nhìn về tương lai cảm thấy có gì chưa ổn nên giữ chặt hầu bao.

Vì thế khi giảm thuế, một giải pháp nhằm phá băng tâm lý "phòng thủ" túi tiền thì cần phải đủ mạnh, đủ sức thuyết phục mọi người rằng "nới tay xài đi, được giảm thuế quá trời mà"!

Chưa hết, chỉ khi "giảm thuế quá trời" mới đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp bung ra kinh doanh với niềm tin rằng người tiêu dùng được giảm thuế, chắc chắn họ sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Doanh nghiệp có đầu tư, mua sắm, nhu cầu tăng lên, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, máy móc cũng được lợi, công nhân có thêm thu nhập.

Không nhìn thấy "giảm thuế quá trời" sao doanh nghiệp dám bung ra làm ăn, sao người lao động có thêm thu nhập, cái vòng luẩn quẩn kềm chân tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta muốn tiêu dùng "sung lên", chỉ có cách là làm cho thu nhập người dân tăng lên hoặc giảm bớt các khoản nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trong tình cảnh hiện nay, ngay cả người dân các nước phát triển cũng thắt lưng buộc bụng thì làm sao doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu được nhiều hàng, có dòng tiền dồi dào để trả lương cho người lao động.

Chỉ còn cách là Nhà nước bớt thu của dân, đó là giảm thuế. Hai loại thuế có thể giảm, tác động ngay đến tâm lý và thúc đẩy người dân mở hầu bao tiêu xài, đó là thuế giá trị gia tăng (thuế gián thu) và thuế thu nhập cá nhân (thuế trực thu).

Thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua có giảm nhưng theo đợt. Còn thuế thu nhập cá nhân, ai cũng nói mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp, nhưng nói thế cũng đâu vội sửa. Và cho đến nay, thuế thu nhập cá nhân vẫn là nguồn thu ngân sách ổn định như Bộ Tài chính thừa nhận.

Trong điều kiện thu nhập chung của người lao động èo uột nhưng họ vẫn đều đặn đóng thuế, đâu có dư dả gì để thoải mái mua sắm, không thể làm cho tiêu dùng "sung" lên được.

Lý do Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng kiểu "cắc cụp" là vì nếu mở rộng đối tượng và thời gian giảm thuế sẽ gây khó khăn cho thu ngân sách.

Nhưng về phía người dân, họ hiểu đơn giản là chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa giảm thuế để kích thích tiêu dùng giúp tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo thu ngân sách. Nhưng kinh tế thường vận hành theo quy luật, được này mất kia, khó mà được đôi đàng.

Vì vậy, khi "giảm thuế cắc cụp, giảm thuế không đã", sẽ khó phá băng tâm lý "cố thủ" túi tiền. Lắm khi giữa năm 2024 chúng ta lại phải bàn, tiếp tục giảm thuế do tiêu dùng vẫn chưa... sung lên. Nếu vậy sẽ hơi tiếc cho chính sách kích cầu tiêu dùng.

Nên giảm 2% thuế VAT trong cả năm 2024Nên giảm 2% thuế VAT trong cả năm 2024

Theo cơ quan thẩm tra, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong 6 tháng khó đạt được mục tiêu, chưa bảo đảm tính chủ động và ổn định nên đề nghị thực hiện trong cả năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên