10/04/2023 08:17 GMT+7

Giao dịch tài khoản game coi chừng phạm luật

Những tài khoản game được rao bán từ hàng trăm đến hàng triệu đồng tràn lan trên mạng xã hội.

Bạn trẻ chơi game online ở quận 5, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Bạn trẻ chơi game online ở quận 5, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Có hội nhóm lên đến 750.000 người.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều hội nhóm sử dụng mạng xã hội để trao đổi, mua bán các tài khoản, "đồ chơi" game với đủ mọi giá.

Trong trường hợp nếu bên bán dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên mua có thể bị lừa mất tiền khó lấy lại được. Do đó, người chơi game hết sức lưu ý.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM)

Đủ mọi giá cả

Nhóm "Mua bán acc game Liên quân mobile Garena" với gần 750.000 người tham gia, có hơn 400 bài viết/ngày. Nội dung bài viết xoay quanh việc mua bán các tài khoản game với đủ giá cả từ 50.000 đồng đến 20 triệu đồng. Thậm chí, các tài khoản giá cao còn được "hỗ trợ" trả góp.

"Cập nhật ít tài khoản đẹp hôm nay. Tài khoản nhỏ từ 50.000 đồng, tài khoản nhiều trang phục từ 10 - 20 triệu đồng. Bên mình nhận hỗ trợ trả góp cho anh em tài chính thấp, tìm tài khoản theo yêu cầu", một quản trị viên nhóm này đăng tải.

"Người bán" và "người mua" thương lượng về trang phục nhân vật, tài nguyên trong trò chơi. Đặc biệt, những bộ trang phục hiếm cho nhân vật game có thể đẩy giá bán trên trời. Chỉ cần đăng tải yêu cầu, "người mua" có thể tìm được tài khoản mong muốn với giá cả được đề xuất trước đó.

"Cần tìm tài khoản Veres Kimono", "Mua tài khoản tầm 5 - 10 triệu đồng", "Cần mua tài khoản 500.000 có Raz Thái", "Cần mua tài khoản có Florentino tinh hệ"... Đa phần là các yêu cầu về trang phục nhân vật trong game.

Liên hệ với L.V.C., thành viên chuyên mua bán tài khoản game, C. cho biết càng có nhiều tiền thì càng dễ kiếm tài khoản "ngon". Giá cả dao động mà C. đưa ra là từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng. 

Với mức giá hơn 2,3 triệu đồng, C. chào bán một tài khoản có hơn 100 nhân vật và 300 trang phục các loại, trong đó có một trang phục thuộc hàng "hiếm". Bên cạnh đó, tài khoản có hơn 100 nhân vật, 200 trang phục nhưng không có trang phục đặc biệt được đề xuất với giá 1,4 triệu đồng.

C. chia sẻ: "Quan trọng là độ hiếm của trang phục nhân vật, với nó đẹp nữa. Tài khoản 2 triệu đồng thì có trang phục hiếm, chỉ ra vào dịp sự kiện mới có, không thì cũng nhiều trang phục khác. Giá ít hơn thì ít trang phục".

Nhóm "Mua bán acc game Liên quân mobile Garena" chỉ là một trong nhiều "sàn giao dịch" tài khoản game hiện có dưới dạng các nhóm kín hoặc công khai trên Facebook. Một số nhóm khác nổi tiếng trong giới như "Mua bán acc game Pubg Mobile" có hơn 520.000 thành viên, nhóm "Mua bán acc Liên minh huyền thoại - Riot Games" hơn 50.000 thành viên, nhóm "Mua bán trao đổi nick Liên quân uy tín (Garena)" hơn 35.000 thành viên...

Bên cạnh những đối tượng chuyên mua bán tài khoản game, một số "người bán" chỉ vì... "chán". Liên hệ với T., một người chơi game Genshin Impact hơn hai năm, T. cho biết đã bán tài khoản game của mình với giá 2 triệu đồng.

"Bán tài khoản vì không còn hứng thú chơi game, không có thời gian với lại gỡ gạc lại phần nào số tiền đã tốn. Bán càng sớm thì càng được giá, để lâu nó rớt giá. Nhưng cũng không bao giờ gỡ gạc lại được hết, nếu đã nạp tiền vào game rồi thì về sau bán lại lúc nào cũng lỗ", T. nói.

Các hội nhóm mua bán tài khoản, “đồ chơi” tràn lan trên mạng - Ảnh chụp qua màn hình

Các hội nhóm mua bán tài khoản, “đồ chơi” tràn lan trên mạng - Ảnh chụp qua màn hình

Có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật nghiêm cấm hành vi quy đổi vật phẩm ảo, điểm thưởng và tài sản giao dịch bên ngoài phạm vi trò chơi điện tử. 

Việc mua bán tài khoản game có thể bị xử phạt theo điểm b khoản 3 điều 106 nghị định 15/2020 về: xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

"Việc quy đổi vật phẩm, đơn vị ảo, điểm thưởng thành tiền hoặc thẻ thanh toán, phiếu thưởng, các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào có thể bị xử phạt hành chính từ 170 - 200 triệu đồng, căn cứ điểm a khoản 6 điều 104 nghị định 15/2020", luật sư Tuấn nói thêm.

Luật sư Tuấn nhấn mạnh các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mua bán tài khoản game thường nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên vì tính cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật. Ngoài ra, một số người đăng tải rao bán vật phẩm, tài khoản game nhưng khi nhận được tiền liền không thực hiện đúng giao dịch ban đầu, chặn liên hệ với người mua. Điều này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Nếu bạn nào lỡ tham gia giao dịch thì cần chấm dứt ngay. Trường hợp có thiệt hại cần phải trình báo cơ quan chức năng để xử lý thỏa đáng. Chúng ta thà rút ra bài học còn hơn khi vi phạm nặng thì hối hận đã muộn", luật sư Tuấn khuyên nhủ.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn luật sư TP.HCM, giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Chính Nghĩa Luật - chỉ ra rằng hành vi mua bán này có thể bị xử lý vi phạm hành chính. 

Vật phẩm, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Vậy nên, người chơi tuyệt đối không mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng với nhau.

Tá hỏa khi con 7 tuổi vô tài khoản trong máy mua đồ chơi game cả chục triệuTá hỏa khi con 7 tuổi vô tài khoản trong máy mua đồ chơi game cả chục triệu

TTO - LTS: Trẻ 6 tuổi đã có thể tự tải về và ôm điện thoại "cày game" cả ngày lẫn đêm. Nhiều trẻ em sa đà nghiện ngập các trò chơi nguy hại trong điện thoại cầm tay hằng ngày. Người lớn có vô can trong chuyện này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên