28/07/2014 03:50 GMT+7

Giao trứng cho ác!

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Thông tin từ Huế đã được xác minh từ phía công an cho biết sau trận chung kết giải U-17 quốc gia, ban huấn luyện đội bóng thua trận - Hà Nội T&T đã đi nhậu. Sau tăng một là tiếp tăng hai ở quán bar. Trên đường đi tăng hai, họ đã xích mích với tài xế taxi chở mình, sau đó là ẩu đả.

Tôi không quan tâm đến chuyện phần lỗi của vụ ẩu đả thuộc về tài xế taxi hay các HLV đội U-17 Hà Nội T&T, mà chỉ quan tâm một chuyện: Trong thời điểm các ông thầy đi ăn chơi, thì các cậu học trò tuổi đời dưới 17 làm gì, ai quản lý họ?

Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi đó là bởi trong nhiều năm trước, khi xảy ra vụ tiêu cực liên quan đến một số cầu thủ nổi tiếng bán độ khi tham gia SEA Games 2005, trong quá trình thực hiện một loạt bài viết phân tích về sự hư hỏng của cầu thủ đá bóng ở Việt Nam, đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia nói về một tình trạng rất chung ở nhiều lò đào tạo trẻ: Sau 17g, các cầu thủ nhí hoàn toàn không có ai quản lý. Và đập vào mắt các cậu nhỏ là hình ảnh ăn nhậu, cờ bạc, trai gái của các bậc đàn anh đang sinh hoạt chung trong các trung tâm thể thao. Tuổi thiếu niên vốn chưa đủ sức đề kháng, làm sao tránh khỏi cám dỗ, sa chân vào những trò tiêu khiển là điều cấm kỵ với dân thể thao.

Chính vì vậy, làng bóng Việt ngày nay đang rơi vào một nghịch lý: Chẳng mấy phụ huynh có điều kiện, có sự quan tâm đến vấn đề giáo dục con cái chấp nhận cho con theo bóng đá. Phần lớn chỉ những gia đình khó khăn mới chấp nhận chuyện thả con vào một nơi mà người lớn chỉ chăm chú vào chuyện dạy thành tài chứ không dạy thành người. Cách làm cắt cử những người có kiến thức sư phạm, có lòng yêu con trẻ để đeo bám các cậu bé suốt ngày đêm như ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG là chuyện hiếm hoi trong làng bóng Việt.

”Chúng tôi chẳng dại giao trứng cho ác” - câu nói ấy tôi đã nghe rất nhiều từ các phụ huynh có con em ham mê thể thao, không chỉ là bóng đá. Với những môn mà công tác đào tạo đòi hỏi phải tập trung như bóng đá, nhiều phụ huynh có con đang theo học đá bóng ở sân Hoa Lư (TP.HCM) khẳng định: Chỉ chơi cho vui, cho khỏe. Còn những môn cá nhân thì các bậc cha mẹ phải đeo bám con đến tận cùng như kiểu ba mẹ của Lê Quang Liêm, Đài Trang...

Bao giờ ngành thể thao tạo được niềm tin cho phụ huynh, đừng để trong đầu họ còn suy nghĩ giao con trẻ đi theo thể thao là “giao trứng cho ác”, khi ấy mới mong có một nền thể thao trong sáng, mạnh mẽ.

Nhân đây, cũng thấy hơi lạ một việc, từ hôm xảy ra chuyện cầu thủ Đồng Nai bán độ, chẳng hề thấy một hành động nào của Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, dù rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước này quan trọng hơn liên đoàn nhiều?!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên