05/10/2023 09:18 GMT+7

GPS hành trình: Mỗi năm tốn ngàn tỉ sao dân chưa tránh được 'quan tài bay'?

Các doanh nghiệp vận tải tốn khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để truyền dữ liệu về nhưng hệ thống máy chủ hạ tầng tiếp nhận thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam ra sao?

Lực lượng cảnh sát giao thông đội Cát Lái thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM kiểm tra các xe khách vào sáng 4-10 - Ảnh: MINH HÒA

Lực lượng cảnh sát giao thông đội Cát Lái thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM kiểm tra các xe khách vào sáng 4-10 - Ảnh: MINH HÒA

Các doanh nghiệp vận tải tốn khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để truyền dữ liệu về nhưng hệ thống máy chủ, hạ tầng tiếp nhận thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam còn lạc hậu, hệ lụy là chưa khai thác hiệu quả dữ liệu để góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng với các lỗ hổng quản lý vận tải chưa được khắc phục kịp thời, việc không khai thác hiệu quả dữ liệu nhận được là một trong những nguyên nhân để những "cỗ quan tài di động" lưu thông trên đường hằng ngày.

Công nghệ lạc hậu, gửi dữ liệu chậm 1-2 tháng

Nhiều năm trước khoảng 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải đã được yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) để truyền thông tin về hệ thống xử lý, khai thác dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam. Việc triển khai lắp đặt được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý, ngăn chặn tình trạng xe vi phạm, kéo giảm tai nạn giao thông.

Vậy hiện dữ liệu được xài ra sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ giao thông cho hay dữ liệu GPS hiện nay chỉ để tra cứu, nhắc nhở và thống kê. Nếu doanh nghiệp vi phạm 5 lần/1.000km/tháng thì thu hồi phù hiệu. Trong khi đó, dữ liệu không thể sử dụng để xử phạt vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình, đi vào đường cấm, giờ cấm; không thể lọc các hành vi đón trả khách ngoài bến lặp đi lặp lại (xe dù bến cóc) để chế tài. Doanh nghiệp có nhiều trường hợp vi phạm cũng chỉ tước phù hiệu mà không thể xử lý.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hệ thống khai thác dữ liệu GPS từ 1 triệu ô tô trên toàn quốc truyền về Cục Đường bộ Việt Nam hiện có 19 máy chủ xử lý. Do máy chủ đầu tư đã lâu (từ 2015) nên công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý. Dữ liệu tổng hợp hằng tháng chưa cập nhật kịp thời dẫn đến việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm.

Về nguyên nhân, Cục Đường bộ Việt Nam từng thông tin do nguồn kinh phí để nâng cấp, duy trì và vận hành các hệ thống quản lý hoạt động vận tải hầu như không có. Các hệ thống hiện nay chủ yếu do các đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí.

Từ sự bất cập này, TP.HCM đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm nâng cấp hệ thống xử lý, khai thác dữ liệu GPS và sớm xây dựng phần mềm liên quan. Việc này để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng tra cứu thông tin, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đề xuất này được Bộ Giao thông vận tải thống nhất và giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai.

Không chỉ TP.HCM, góp ý về sửa đổi các quy định trong lĩnh vực vận tải mới đây, rất nhiều sở giao thông vận tải trên cả nước đều đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm nâng cấp hệ thống. Bởi hệ thống hiện nay còn quá nhiều bất cập, muốn kiểm tra xe vi phạm phải làm thủ công, chưa tự động trích lọc xe vi phạm dẫn đến mất thời gian. Việc tổng hợp các xe vi phạm trên hệ thống hiện còn chậm so với thực tế từ 1-2 tháng dẫn tới các hành vi vi phạm của tài xế, nhà xe chưa được nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Trong khi đó, hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera của khoảng 1 triệu ô tô truyền về Cục Đường bộ Việt Nam mới dừng lại ở bước thử nghiệm. Vì vậy, hiện các địa phương đang phải theo dõi, trích xuất dữ liệu trên phần mềm của các doanh nghiệp rất mất thời gian và nhiều bất cập trong quá trình tra cứu. Chẳng hạn như không xem được hình ảnh trực tuyến, có lúc không xác định camera có hoạt động hay không, phải liên hệ để đơn vị vận tải cung cấp tài khoản vào xem camera...

Nhà xe Việt Thắng thừa nhận chuyện vi phạm tốc độ nhưng đơn vị này mong muốn phối hợp với cơ quan chức năng mạnh tay với tài xế - Ảnh: V.T.

Nhà xe Việt Thắng thừa nhận chuyện vi phạm tốc độ nhưng đơn vị này mong muốn phối hợp với cơ quan chức năng mạnh tay với tài xế - Ảnh: V.T.

Chậm quá rồi, tăng tốc đi chứ

Trả lời câu hỏi về nâng cấp hệ thống giám sát để xử lý tốt hơn tình trạng xe vi phạm, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay Bộ Giao thông vận tải đã duyệt đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 của đề án là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động vận tải như tự động tổng hợp các lỗi vi phạm để hỗ trợ cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội, phần mềm quản lý hợp đồng.

Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành giao thông, công an, thuế, hải quan... Cục Đường bộ Việt Nam đang báo cáo Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến cuối năm 2024, dự án sẽ hoàn thành.

Bàn về việc Cục Đường bộ Việt Nam chậm nâng cấp hệ thống, ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM) nói rằng hiệp hội và doanh nghiệp rất ủng hộ việc đưa công nghệ vào áp dụng trong lĩnh vực vận tải. Nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp thì nhanh chóng chấp hành, còn cơ quan chức năng lại chậm trễ. Vì vậy, khi đề xuất một vấn đề gì, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý rằng cái gì đề xuất thì phải quản lý hiệu quả, đừng làm nửa vời để tránh lãng phí xã hội.

Theo ông Tính, 8 năm trước có khoảng 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh bắt buộc gắn thiết bị GPS và mới đây gắn thêm camera. Cứ tối thiểu một xe lắp thiết bị khoảng 3 triệu đồng thì 1 triệu xe tốn 3.000 tỉ đồng. Còn phí truyền dữ liệu GPS hiện nay mỗi tháng nộp 80.000 đồng, tương ứng với 1 triệu xe thì mỗi năm doanh nghiệp tốn gần 1.000 tỉ. Có thể nói vốn đầu tư, áp dụng công nghệ rất lớn nhưng sự chậm trễ của cơ quan chức năng khiến tình trạng vi phạm tốc độ, tai nạn giao thông và xe dù bến cóc vẫn xảy ra, chưa được cải thiện!

Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói hiện nay máy chủ tiếp nhận dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam đang lạc hậu. Vì vậy, cần bố trí kinh phí nâng cấp để xử lý dứt điểm các bất cập. Nếu không làm được có thể thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Thuốc "trị" xe khách bát nháo

Có nhiều vụ tài xế liên tục vi phạm tốc độ đã được ghi nhận nhưng chẳng thể xử lý đã gây bức xúc nay đang được "kê toa" khi Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến sửa đổi nghị định 10/2020 về hoạt động vận tải bằng ô tô.

Trong đó có nhiều điểm mới nhằm siết quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, dẹp tình trạng xe khách hoạt động bát nháo.

Vụ xe 6.000 lần vi phạm tốc độ: phạt nặng tài xế mới sợ

Ông Lê Văn Hải, đại diện Công ty TNHH MTV TM DV vận tải chất lượng cao Việt Thắng - chủ xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng, cho rằng để dẹp nạn phóng nhanh vượt ẩu cần có chế tài nặng đối với tài xế. Nói về vi phạm tốc độ, ông Hải cho biết đây là thực trạng không chỉ công ty ông mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp khó trong xử lý. Ngày nào nhà xe cũng nhắc nhở tài xế chạy đúng tốc độ, bởi khi xảy ra tai nạn doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép.

"Mình nhắc nhưng tài xế cầm lái. Xảy ra hậu quả, doanh nghiệp gánh, kể cả phạt nguội của cảnh sát giao thông gửi về đơn vị. Nói tài xế đi nộp phạt, họ lập tức nghỉ việc, đến đơn vị khác tiếp tục lái xe", ông Hải nói. Theo ông Hải, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cả tháng công ty mới nhận một lần từ sở GTVT. Lúc này tài xế "đổ thừa" nhau, còn nếu có bằng chứng họ vi phạm thì công ty phạt tiền nội bộ, tài xế lập tức nghỉ việc.

Để giải quyết triệt để những "quan tài di động", theo ông Hải, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cần cập nhật hằng ngày. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp phối hợp với nhau giám sát tài xế. Khi phát hiện tài xế phóng nhanh hơn tốc độ cho phép, nhà xe lập tức cảnh báo. Nếu tài xế tiếp tục vi phạm, nhà xe cung cấp thông tin cụ thể của tài xế để cơ quan nhà nước ra quyết định xử phạt. "Cần xử lý tận gốc vấn nạn này, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình làm bằng chứng xử phạt. Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phối hợp giám sát, phạt nặng, tước giấy phép lái xe... thì tài xế không dám vi phạm nữa", ông Hải nói.

Chỉ có đánh thẳng vào "nồi cơm" tài xế mới thay đổi tình hình. Nếu chỉ xử lý doanh nghiệp, còn tài xế nghỉ việc, đến nơi khác làm, tiếp tục phóng nhanh vượt ẩu thì chỉ là chuyển nỗi nguy từ xe này sang xe khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Vậy hướng tới Bộ GTVT sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Xe “dù” đón khách trên xa lộ Hà Nội (đường mới là Võ Nguyên Giáp) đoạn phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM  - Ảnh: T.T.D.

Xe “dù” đón khách trên xa lộ Hà Nội (đường mới là Võ Nguyên Giáp) đoạn phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ nhiều lần

Bên cạnh việc phải sớm xử lý nhanh, kịp thời dữ liệu hành trình, Bộ GTVT cũng sửa quy định về hoạt động vận tải bằng ô tô. Dự thảo nghị định nêu rõ sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu của xe kinh doanh vận tải khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình mà có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên/ngày (không tính vi phạm tốc độ dưới 5km/h) hoặc có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy trở lên/tháng. Và để xử lý những xe vi phạm chạy quá tốc độ thì sở GTVT sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong vòng 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh nộp phù hiệu.

Cũng theo dự thảo nghị định, doanh nghiệp vận tải bị thu hồi giấy phép khai thác tuyến đối với xe đang hoạt động trong bến khi rơi vào những trường hợp: một tháng doanh nghiệp vận tải chạy dưới 70% số chuyến xe đã đăng ký thì sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép khai thác tuyến. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp, hợp tác xã có xe bị thu hồi không được đăng ký khai thác lại trên tuyến bị thu hồi đó. Điều này khác hoàn toàn với quy định hiện hành là doanh nghiệp chỉ bị đình chỉ khai thác tuyến khi không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đã đăng ký trong 60 ngày liên tục.

Việc sửa đổi của dự thảo trên nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải hoạt động đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc chỉ giữ chỗ trong bến và hoạt động bên ngoài thành "xe dù bến cóc". Thời gian qua, thực tế ở TP.HCM đã có doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong bến nhưng công suất hoạt động thấp, chủ yếu lách luật để chạy "dù" rước khách bên ngoài.

Xe hợp đồng phải đón trả khách đúng hợp đồng

Từ lâu nay, không ít nhà xe "trá hình" xe hợp đồng hoạt động rầm rộ, đón trả khách không đúng nơi quy định khiến thực trạng giao thông rất lộn xộn. Dự thảo mới của nghị định đưa ra quy định cụ thể nhằm siết lại vấn đề này, không để xảy ra tình trạng xe du lịch và xe hợp đồng chạy như xe khách tuyến cố định. Theo đó, xe du lịch và hợp đồng chỉ được đón khách tại một địa điểm, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng. Đồng thời không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp hoặc có trên 10 ngày/tháng tại một điểm cố định.

Bên cạnh đó, xe hợp đồng và xe du lịch không được chạy quá 10% số chuyến trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã hoặc cấp huyện trong vòng một tháng. Cơ quan quản lý thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của xe để xác định khi có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp. Dự thảo trên còn đề xuất xe hợp đồng và du lịch không được quảng cáo lộ trình hoặc đăng tải một trong số thông tin hành trình, điểm đầu, điểm cuối, giờ khởi hành, giá vé...

Thang chấm điểm dịch vụ nhà xe từ dữ liệu hành trình

Một tài xế xe khách ở TP.HCM cho rằng quy định hiện nay còn lỗ hổng và dữ liệu giám sát chưa khai thác hiệu quả mới dẫn đến chuyện nhà xe lờn luật và lách luật. Ngoài chuyện bổ sung quy định sử dụng dữ liệu GPS để xử phạt, lực lượng chức năng cần lắp thêm camera để phạt nguội.

"Địa phương có thể xây dựng website công khai dữ liệu giám sát để người dân theo dõi. Qua phân tích đánh giá các vi phạm có thể chấm điểm dịch vụ hoặc có cảnh báo cho người dân biết xe nào của doanh nghiệp nào đang vi phạm nhiều nhất, xe nào đang có tỉ lệ vi phạm ít nhất. Đó cũng là cách để người dân lựa chọn được phương tiện an toàn nhất", tài xế này nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM - kiến nghị hằng tháng cần công khai các nhà xe vi phạm trên website để người dân, doanh nghiệp theo dõi. Dữ liệu này cần được phân tích, thông tin rõ các vụ vi phạm, tai nạn ở nhóm xe nào và nhà xe nào. Từ đó, địa phương có các khuyến cáo cho các doanh nghiệp cũng như hành khách được biết để chọn lựa phương tiện an toàn.

“Hộp đen” thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe khách từ  nhiều năm qua - Ảnh: T.L.

“Hộp đen” thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe khách từ nhiều năm qua - Ảnh: T.L.

Và để khai thác hiệu quả hệ thống GPS, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói hiện nay nguồn dữ liệu giám sát hành trình lái xe được Cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải và doanh nghiệp quản lý. Khi chưa bổ sung quy định áp dụng dữ liệu GPS để phạt nguội, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chia sẻ dữ liệu cho lực lượng cảnh sát giao thông ở các địa phương theo dõi, chấn chỉnh xe vi phạm. Để siết chặt hơn tình trạng cố tình tái phạm, cơ quan thẩm quyền có thể xây dựng văn bản yêu cầu phải cập nhật kết quả xử lý, chấn chỉnh tài xế tại doanh nghiệp khi vi phạm.

"Chúng ta luôn luôn muốn hoàn thiện mọi vấn đề nhưng cái quan trọng nhất vẫn là tinh thần quyết liệt, tìm mọi cách để ngăn chặn nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và tính mạng cho người dân", ông Ân nói.

Doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng nói gì?Doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng nói gì?

Đội trưởng an toàn giao thông của doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm tài xế, bởi họ trực tiếp lái xe trên đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên