13/09/2019 09:55 GMT+7

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi sẽ không sửa nếu chỉ để được thẩm định'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Các đại diện hội đồng thẩm định cho rằng sách của GS Hồ Ngọc Đại có ưu điểm nhưng một số nội dung khó, vượt yêu cầu chương trình mới, như tất cả các trang đều có thành ngữ, tục ngữ, kể cả Bình ngô đại cáo... không phù hợp với học sinh lớp 1.

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi sẽ không sửa nếu chỉ để được thẩm định - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học trong một tiết học trên lớp - Ảnh: T.L.

Nhiều người bất ngờ khi sách giáo khoa Tiếng Việt và Toán - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại ngay trong vòng đầu thẩm định, riêng tác giả của bộ sách thì không. Ông cũng khẳng định sẽ "không sửa nếu chỉ để được thẩm định".

Chiều 12-9, đại diện Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) môn Toán và Tiếng Việt 1 cùng đại diện Bộ GD-ĐT đã có cuộc gặp với báo chí xung quanh vấn đề này.

Tôi sẽ không sửa, nếu chỉ để được thẩm định. Đó là công trình tôi nghiên cứu cả đời. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này.
GS Hồ Ngọc Đại

"Chưa đạt, khó, vượt chương trình"

Về quy trình thẩm định SGK, ông Thái Văn Tài, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết có 92 thành viên trong hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Hội đồng thẩm định từng môn thành lập trên nguyên tắc phải là số lẻ, ít nhất 7 người/môn. Có môn 13-15 người.

Thành viên của hội đồng thẩm định làm việc độc lập với bản thảo SGK trong 15 ngày. Sau đó hội đồng làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng, quy trình biên soạn sách của mỗi nhóm/đơn vị, phân tích, trao đổi về bản thảo dựa trên các quy định, tiêu chí, thống nhất, kết luận và mời đại diện nhóm tác giả, đơn vị biên soạn đến đọc kết luận.

"Những sách đạt nhưng phải sửa chữa có 1 tháng để sửa và gửi thẩm định vòng 2. Sách không đạt, các tác giả có thể chỉnh sửa và gửi thẩm định lại lần 1 ở các đợt khác" - ông Tài nói.

Trao đổi cụ thể về sách Tiếng Việt và Toán - Công nghệ giáo dục, các đại diện hội đồng thẩm định cho rằng sách có những ưu điểm, nội dung tốt nhưng một số yêu cầu của chương trình chưa đạt, một số nội dung khó, vượt yêu cầu chương trình giáo dục sắp thực hiện.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi "Hội đồng khi thẩm định và quyết định xếp loại sách có căn cứ vào thành quả đã triển khai dạy học của Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục không, hay chỉ xem xét dựa trên bản thảo? Vì cả nước có tới trên 900.000 học sinh học Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục/năm học, nhiều thế hệ học Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục có thể là minh chứng cho cả tính khoa học và thực tiễn của bộ sách này".

GS Trần Đình Sử, một đại diện hội đồng thẩm định, cho rằng việc thẩm định SGK đợt này là căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mới sắp thực hiện, nên các sách đã thực hiện phải viết lại theo chương trình này mới đạt yêu cầu.

Các đại diện hội đồng thẩm định cho biết do chương trình mới đặt ra yêu cầu giáo dục toàn diện, phải dựa vào 4 điều, 13 tiêu chí để đánh giá SGK.

"Quan trọng nhất là phải viết đúng, đủ theo yêu cầu của chương trình" - GS Trần Kiều, cũng là một đại diện hội đồng thẩm định, nhấn mạnh.

GS Hồ Ngọc Đại: "Trẻ chấp nhận được nghĩa là không khó"

Trả lời báo chí cùng ngày, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết ông không bất ngờ với kết quả thẩm định vì biết nó sẽ xảy ra như thế.

"Sách của tôi họ cho là cao quá, nhưng tôi luôn tâm niệm, cái gì trẻ con chấp nhận được có nghĩa không khó với chúng. Thực tiễn dạy học của Công nghệ giáo dục trong các năm qua đã chứng minh điều tôi nói.

Tôi viết sách dựa trên triết lý giáo dục, phương pháp khoa học. Điều tôi hướng đến là phải làm sao để trẻ học tự nhiên như là sống, sống tự nhiên như là học. Còn nếu cứ phải nắm tay cả ngày hô "cố gắng" thì khó đạt được hiệu quả.

Không thể ép trẻ con vào cái thế phải đối phó với người lớn do bị áp đặt vô lý. Nên tôn trọng đời sống tự nhiên của trẻ em. Nếu trẻ em ngay từ nhỏ được tôn trọng, lớn lên sẽ đàng hoàng" - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Theo GS Đại, sở dĩ sách của ông "vênh" với chương trình và sở dĩ hội đồng thẩm định nhận định là "chưa đủ" và "vượt quá" là do ông kiên định với cách tiếp cận giáo dục riêng, trong đó để cho học sinh được tự làm, tự thực hành, trải nghiệm trên cơ sở thiết kế, tổ chức của giáo viên.

Theo kế hoạch, việc thẩm định SGK lớp 1 bắt đầu từ tháng 7-2019 và sẽ hoàn tất trong năm 2019. Sau đó các nhà xuất bản và nhóm làm sách kịp triển khai thực nghiệm ở một số địa bàn trên cả nước, đảm bảo SGK lớp 1 mới phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Sửa theo góp ý, có thể đăng ký thẩm định lại

Để rộng đường dư luận, Bộ GD-ĐT đã bố trí các đại diện hội đồng thẩm định trao đổi với báo chí xung quanh việc SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại trong vòng thẩm định đầu tiên.

tham dinh sgk3 2(read-only)

* SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục được hội đồng thẩm định xếp loại không đạt vì sao?

- GS Mai Ngọc Chừ: Chúng tôi thấy không cần thiết phải đưa vào sách Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 những kiến thức ngôn ngữ học khó, nhiều nội dung không phù hợp. Ví dụ như tất cả các trang đều có đưa các thành ngữ, tục ngữ, cả bài Bình Ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà... Một bộ sách không thể ôm hết mọi kiến thức.

- GS Trần Đình Sử: Ngoài các giáo sư có kinh nghiệm, hội đồng chúng tôi có 5 giáo viên dạy tiểu học, có trưởng phòng tiểu học một sở GD-ĐT, hiệu trưởng trường tiểu học. Những thành viên ở địa phương phản ảnh sách công nghệ giáo dục để dạy đạt kết quả rất khó. Giáo viên dạy sách công nghệ giáo dục nhưng vẫn phải sử dụng sách đại trà để bù đắp những cái thiếu, yếu.

- GS Mai Ngọc Chừ: Chúng tôi bỏ phiếu không đạt, một phần do sách không bám sát chương trình giáo dục mới, một phần do các thầy, cô đại diện cho các vùng, miền nói khó dạy.

* Các giáo viên trong hội đồng phản ảnh khó, nhưng trên thực tế, khi Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục triển khai ở nhiều địa phương, có nhiều giáo viên, phụ huynh cho biết đây là sách hay, hiệu quả. Vậy liệu hội đồng có vì đối chiếu với chương trình một cách cứng nhắc mà bỏ qua những sản phẩm tốt, có ích cho học sinh không?

- GS Mai Ngọc Chừ: Ở đây không phải bỏ qua, mà nếu nhóm tác giả chấp nhận sửa chữa theo góp ý của hội đồng thẩm định thì sẽ có thể đăng ký thẩm định lại. Sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục hay chỉ khi trẻ học có người lớn ở cạnh thôi.

Mỗi bộ sách đều có những điểm mạnh, yếu, chúng tôi không phủ nhận hoàn toàn sách của GS Đại nhưng so với tiêu chuẩn không đạt thì phải xếp loại không đạt. Lần này chúng tôi thẩm định 6 bản thảo sách tiếng Việt, có 5 bản thảo sách xếp loại đạt nhưng cần sửa chữa, riêng sách của GS Đại không đạt.

* Hội đồng cũng cho rằng sách của GS Đại có những ưu điểm bên cạnh cái chưa đạt, vậy tại sao không xếp loại "đạt nhưng cần sửa chữa", mà lại xếp loại "không đạt"?

- GS Mai Ngọc Chừ: Vì có nhiều nội dung căn bản không đạt. Để sửa chữa sẽ khó có thể hoàn thành trong một tháng nên chúng tôi xếp loại không đạt.

tham dinh sgk 2(read-only)

* Hội đồng thẩm định cho rằng Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có nhiều nội dung khó, không phù hợp với học sinh lớp 1, nhưng trên thực tế Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục lại được dạy cho nhiều địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số còn chưa nói thạo tiếng Việt. Vậy có mâu thuẫn gì không giữa nhận định của hội đồng và thực tiễn dạy học?

- GS Mai Ngọc Chừ: Ở đây chúng tôi thẩm định theo chương trình giáo dục phổ thông mới; đó là nguyên tắc số 1 theo định hướng giáo dục toàn diện với nhiều yêu cầu, ví dụ như vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ môi trường... chứ không chỉ yêu cầu học vần.

Sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định Sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục gồm các môn tiếng Việt, toán vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm 'không đạt' ngay ở vòng 1.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên