17/01/2024 12:18 GMT+7

Hà Nội, TP.HCM bàn giải pháp để 12 năm tới có 200km đường sắt đô thị

Sáng 17-1, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM đồng tổ chức hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở hai TP, với mục tiêu đưa ra các giải pháp đột phá để xây dựng hệ thống metro nhanh nhất cho 2 TP với mức chi phí hợp lý.

Lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM tặng hoa các chuyên gia, diễn giả tham gia đóng góp tại hội thảo - Ảnh: QUANG VIỄN

Lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM tặng hoa các chuyên gia, diễn giả tham gia đóng góp tại hội thảo - Ảnh: QUANG VIỄN

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng nhiều lãnh đạo, chuyên gia, diễn giả về giao thông đô thị trong và ngoài nước dự hội thảo.

Đường sắt đô thị là xương sống của mạng lưới hạ tầng giao thông

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: QUANG VIỄN

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: QUANG VIỄN

Phát biểu khai mạc, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là hai đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.

Theo cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

"Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị coi là trục 'xương sống' của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông" - ông Trần Sỹ Thanh nói.

Theo ông, Hà Nội và TP.HCM đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án metro. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Đồng thời tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, "đột phá" nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.

"Với tình cảm chân thành, tinh thần cầu thị, ban tổ chức hội thảo luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý hãy tham gia góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi, tiếp tục đồng hành cùng với thành phố Hà Nội và TP.HCM trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển đường sắt đô thị, góp phần xây dựng hai thành phố Văn minh - Hiện đại và Phát triển bền vững" - chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ.

12 năm đặt mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị

Ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG VIỄN

Ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG VIỄN

Phát biểu sau đó, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - dẫn kết luận 49 của Bộ Chính trị, trong đó có đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

"Theo đó, kết luận yêu cầu hai thành phố phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trong 12 năm. Đây là một thách thức to lớn và nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong 20 năm qua thì không thể hoàn thành được mục tiêu này" - ông Cường nói.

Ông cho biết thêm, hai thành phố đều xác định sẽ phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, tạo đột phá trong việc xây dựng đường sắt đô thị gắn với TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm); huy động nguồn lực, tái định cư, lựa chọn công nghệ…

"Hai thành phố sẽ cùng sát cánh đề xuất trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội cho việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung" - phó chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm.

Hội thảo về phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ kéo dài 3 ngày từ 17 đến 19-1.

Hội thảo sẽ có 4 phiên, gồm Tổng quan phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.

Hà Nội cần đề án riêng phát triển đường sắt đô thị để đột pháHà Nội cần đề án riêng phát triển đường sắt đô thị để đột phá

Hà Nội cần cơ chế đột phá hạ tầng, sẵn sàng vay 30-40 tỉ USD làm đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị trong 10-15 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên