02/10/2023 17:07 GMT+7

Hai nhà khoa học nghiên cứu vắc xin mRNA chống lại COVID-19 giành Nobel Y sinh 2023

Nobel Y sinh, giải thưởng mở đầu mùa trao giải Nobel năm nay, đã có chủ, đó là hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman, vì những đóng góp trong phát triển công nghệ vắc xin mRNA chống lại COVID-19.

Buổi lễ công bố chủ nhân Nobel Y sinh 2023 ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS

Buổi lễ công bố chủ nhân Nobel Y sinh 2023 ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS

Khoảng 16h45 ngày 2-10 (giờ Việt Nam), giải thưởng Nobel Y sinh đã được công bố tại Stockholm (Thụy Điển).

Chiến thắng của hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman với nghiên cứu công nghệ vắc xin mRNA tương đối bất ngờ. Trước "giờ G", nhiều chuyên gia dự đoán Ủy ban Nobel thường phải đợi hàng thập kỷ mới trao giải thưởng, để đảm bảo nghiên cứu này đứng vững trước thử thách của thời gian.

Bên cạnh nghiên cứu về mRNA. Có hai ứng cử viên nặng ký cho Nobel Y sinh năm nay là nghiên cứu về chứng ngủ rũ và phát hiện orexin, một loại peptide thần kinh giúp điều hòa giấc ngủ.

Ba nhà khoa học có tác động lớn đến công trình này là giáo sư Masashi Yanagisawa - giám đốc Viện Y học giấc ngủ tích hợp quốc tế, Đại học Tsukuba (Nhật Bản); giáo sư Emmanuel Mignot, khoa tâm thần & khoa học hành vi tại Đại học Stanford (Mỹ); giáo sư Clifford B Saper, chuyên về thần kinh học và khoa học thần kinh, Trường Y Harvard (Mỹ).

Ứng cử viên còn lại là nhà sinh vật học người Mỹ Kevan Shokat, người tìm ra cách ngăn chặn gene ung thư KRAS, gây ra 1/3 số ca ung thư bao gồm các khối u phổi, ruột kết và tuyến tụy khó điều trị.

Trong lịch sử, Nobel Y sinh tôn vinh những khám phá mang tính đột phá như tia X, penicillin, insulin và ADN.

Chủ nhân giải Nobel Y sinh năm 2022 là giáo sư người Thụy Điển Svante Paabo. Ông được trao giải vì những khám phá liên quan đến "bộ gene của các loài giống người đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người".

Những chủ nhân giải Nobel Y sinh trước đây đều rất nổi tiếng, bao gồm Alexander Fleming, người đã phát hiện kháng sinh penicillin, mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh cho con người; hay Robert Koch, người được trao giải vì các công trình về bệnh lao vào năm 1905.

Giải Nobel Y sinh đã được trao 113 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng nhận giải.

Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hoóc môn tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. 

Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số vi rút có thể gây ra ung thư.

Nobel Y sinh là giải đầu tiên trong mùa Nobel năm nay. Ủy ban Nobel vinh danh hai nhà khoa học Katalin Kariko (Hungary) và Drew Weissman (Mỹ) vì “những khám phá liên quan đến việc biến đổi nucleoside, cho phép phát triển vắc xin mRNA có hiệu quả chống lại COVID-19”.

Hai nhà khoa học sẽ nhận giấy chứng nhận, huy chương Nobel và tấm séc trị giá 1 triệu USD từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển. Lễ trao giải sẽ được long trọng tổ chức tại Stockholm vào ngày 10-12, kỉ niệm ngày mất của nhà khoa học Alfred Nobel, người đã tạo ra giải thưởng.
Bà Katalin Kariko là phó chủ tịch cấp cao tại công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức cho tới năm 2022, sau đó đóng vai trò cố vấn cho công ty. Bà Kariko cũng là giáo sư tại Đại học Szeged ở Hungary và là giáo sư kiêm nhiệm tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Ông Drew Weissman đang là giáo sư tại Trường Y Perelman.
Bà Kariko đã tìm ra cách ngăn hệ thống miễn dịch phát động phản ứng viêm chống lại mRNA. Trước đây phản ứng này là trở ngại lớn đối với việc sử dụng mRNA trong điều trị.
Cùng với ông Weissman, vào năm 2005, bà Kariko đã chứng minh rằng việc biến đổi nucleoside có thể giữ mRNA trong tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch.
Ông Rickard Sandberg, thành viên Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển), cho biết giải Nobel năm nay công nhận khám phá khoa học cơ bản của hai nhà khoa học đã thay đổi căn bản sự hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch và có tác động lớn đến xã hội trong đại dịch gần đây.

Các giải thưởng Nobel còn lại sẽ lần lượt được công bố từ ngày 2 đến 9-10, theo thứ tự: Vật lý (3-10), Hóa học (4-10) và Văn học (5-10).

Giải Nobel Hòa bình, giải được mong đợi nhất và là giải duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) sẽ được trao ngày 6-10. Và khép lại mùa Nobel là giải Kinh tế trao ngày 9-10.

Chủ nhân của giải Nobel năm nay sẽ được nhận khoản tiền thưởng 11 triệu crown Thụy Điển (xấp xỉ 1 triệu USD), tăng 1 triệu crown Thụy Điển so với năm ngoái.

Giáo sư người Thụy Điển giành giải Nobel Y sinh 2022Giáo sư người Thụy Điển giành giải Nobel Y sinh 2022

TTO - Nhà khoa học Svante Paabo đã giành giải Nobel Y sinh 2022 nhờ khám phá liên quan đến “bộ gene các loài giống người đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người".


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên