03/01/2024 07:50 GMT+7

Hai sự kiện vũ trụ được quan tâm trong năm 2024

Mặc dù trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu và những tiến bộ trong công nghệ sinh học vẫn là mối quan tâm hàng đầu của năm nay, nhưng có hai sự kiện xảy ra bên ngoài Trái đất được cho là có thể quyết định tương lai nhân loại.

Mô phỏng một căn cứ trên Mặt trăng - Ảnh: ESA/FOSTER

Mô phỏng một căn cứ trên Mặt trăng - Ảnh: ESA/FOSTER

Trong đó, một sứ mệnh vũ trụ được chờ đợi từ lâu có thể báo trước sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, và một sự kiện khác có thể khiến hạ tầng thông tin của chúng ta lùi về gần một thế kỷ, theo tạp chí Forbes.

Cơ sở hạ tầng đa thế giới

Sự kiện đầu tiên là sứ mệnh Artemis II của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), dự kiến phóng vào tháng 11-2024, đưa con người bay vòng quanh Mặt trăng và trở lại Trái đất. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên con người vượt qua quỹ đạo Trái đất thấp trong hơn 50 năm.

Lần gần nhất các phi hành gia NASA thực hiện một sứ mệnh như vậy là vì sự cạnh tranh trong thời Chiến tranh lạnh. Bây giờ nhìn lại, theo Forbes, có vẻ như chúng ta đã lên Mặt trăng hơi sớm và sau đó lại không biết nên làm gì tiếp theo.

Lần này động lực đã khác. Cuộc khủng hoảng khí hậu và một số vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên khiến đây là thời điểm quan trọng để nghiêm túc hơn trong việc tìm kiếm các phương tiện mới (và có thể là cả những địa điểm mới) nhằm duy trì cuộc sống vốn có của con người.

Sứ mệnh Artemis II có thể là điềm báo cho thời đại mới này. Mục tiêu của Artemis là lần đầu tiên trong lịch sử thiết lập sự hiện diện lâu dài trên bề mặt Mặt trăng, bao gồm một tiền đồn trên quỹ đạo Mặt trăng.

Giống như một số máy chủ trên khắp nước Mỹ trong thập niên 1960 đã đặt nền móng cho mạng Internet toàn cầu ngày nay, sứ mệnh Artemis có thể đặt nền tảng cho cơ sở hạ tầng đa thế giới mới của loài người.

Tuy nhiên đó là khi một sự kiện vũ trụ khác cần theo dõi trong năm 2024 không phá hỏng sứ mệnh Artemis bằng cách xóa bỏ nhiều thành tựu công nghệ đã đạt được kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên vũ trụ.

"Hội chứng Kessler"

Sự kiện ác mộng này mang tên "hội chứng Kessler", được cựu khoa học gia NASA Donald Kessler lần đầu tiên mô tả trong một bài báo vào năm 1978. Theo trang Space.com, một vụ va chạm lớn trên quỹ đạo có thể tạo ra đám mây mảnh vỡ di chuyển với tốc độ cao, dẫn đến các va chạm khác với nhiều mảnh vỡ hơn.

Sự kiện này về cơ bản có thể khiến toàn bộ không gian bên trên Trái đất trở nên không thể tiếp cận, dù là với con người hay máy móc. Forbes nhấn mạnh năm 2024 có thể là thời điểm rủi ro nhất để nghĩ tới một thứ như "hội chứng Kessler".

Có hai lý do cho điều này. 

Thứ nhất, số lượng vật thể trong vũ trụ đã tăng theo cấp số nhân trong thế kỷ này, đặc biệt những năm gần đây và không có quá nhiều sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn nguy cơ các vật thể này va chạm.

Thứ hai là đỉnh điểm bùng nổ trong chu kỳ Mặt trời (khoảng 11 năm), được gọi là cực đại Mặt trời, sẽ bắt đầu trong năm 2024. Nhiều vệ tinh trên quỹ đạo có thể bị vô hiệu hóa bởi những cơn bão Mặt trời lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Ngày nay, chúng ta đang đặt nhiều công nghệ lẫn phương thức thông tin liên lạc cơ bản trên quỹ đạo. Mọi chuyện sẽ thế nào nếu phần lớn cơ sở hạ tầng đó bị phá hủy bởi một loạt va chạm trong vài tuần hay vài tháng.

Trường hợp xấu nhất có thể là không sửa chữa hoặc phóng lại được các vệ tinh bị phá hủy trong thời gian dài. Cơ sở hạ tầng thông tin của chúng ta có thể bất ngờ bị kéo lùi gần một thế kỷ. Thậm chí sứ mệnh Artemis cũng có nguy cơ không thể thực hiện.

Tuy nhiên vẫn còn hy vọng là sự kiện này có thể không xảy ra trong năm nay. Thêm nữa, quỹ đạo Trái đất vẫn còn là một khu vực khá rộng lớn. 

Ngoài ra, phần lớn các vệ tinh đang ở trên quỹ đạo Trái đất thấp nên ngay cả khi xảy ra một loạt va chạm thì phần lớn các mảnh vỡ sẽ rơi trở lại bầu khí quyển và bốc cháy.

Ngày tận thế và giải pháp

Năm 2017, ông Elon Musk - giám đốc điều hành (CEO) của hãng SpaceX - từng đề cập khả năng xảy ra sự kiện ngày tận thế và đề xuất giải pháp biến loài người thành một giống loài đa hành tinh.

Khả năng này có thể khá xa vời nhưng chúng ta có thể xem xét những mục tiêu thực tế hơn trong ngắn hạn. Chẳng hạn việc khai thác các tiểu hành tinh hay đá Mặt trăng để lấy các vật liệu có giá trị giúp các nguồn nước trên Trái đất ít bị ô nhiễm hơn.

Tỉ phú Jeff Bezos cũng từng hình dung tới việc chuyển toàn bộ ngành công nghiệp nặng lên quỹ đạo hoặc xa hơn nữa để bảo vệ Trái đất.

Mỹ phóng tàu vũ trụ bí mật lên quỹ đạo cao chưa từng thấyMỹ phóng tàu vũ trụ bí mật lên quỹ đạo cao chưa từng thấy

Tên lửa Falcon Heavy có khả năng đưa tàu vũ trụ X-37B tiến xa hơn vào không gian, có thể đi vào quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao khoảng 35.000km.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên