17/10/2015 14:21 GMT+7

Hãy lắng nghe và thấu hiểu học sinh

TTO
TTO

TT - Câu chuyện “Tại sao các cháu bị gọi là hỗn?” (Tuổi Trẻ 16-10) của tác giả Thụy Hiền đã nhận được nhiều chia sẻ từ phía bạn đọc. Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến phản hồi.

“Lá đơn” của học trò - Ảnh: Thụy Hiền

Giáo viên phải biết làm chủ cảm xúc

Chỉ một sự việc cỏn con thôi mà cô giáo đã làm to chuyện, dẫn tới sự áp đặt nặng nề lên suy nghĩ của các cháu. Ngồi phía dưới không thấy bảng vì cận thị thì “phản đối”, tức là không đồng ý với việc sắp xếp chỗ ngồi của cô.

Trên thực tế, nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra và được điều chỉnh êm thấm, kịp thời cho các cháu. Nếu không thấu hiểu, không thật sự thương yêu con trẻ thì không thể có lòng độ lượng đối với các cháu.

Trong trường hợp này, khi các cháu có ý kiến “phản đối” thì phải hiểu là các cháu đang bức xúc, rất muốn được cô (người mà chúng tin tưởng, kính trọng) chia sẻ, giúp đỡ. 

Lẽ ra cô giáo phải mừng vì các cháu muốn được thể hiện mình, mạnh dạn bày tỏ bức xúc của mình, nhưng ở đây thì ngược lại! Vì có lẽ cô nghĩ lúc nào mình cũng đúng, cũng “chuẩn mực” nên coi đó là hành vi “hỗn hào”.

Người làm thầy cô phải thật sự bình tĩnh, làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc trong những trường hợp như thế này. Có như vậy mới sáng suốt tìm ra cách xử lý tình huống tốt nhất, có lý có tình, mang tính sư phạm và tính giáo dục cao.

Việc làm của các cháu trong câu chuyện nói trên cũng là một dạng “phản biện”- một phẩm chất cần có, cần thiết cho các cháu sau này…

LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG

Chưa ai dạy học sinh cách phản biện

 Chúng ta đang cổ vũ cho tinh thần phản biện, nhưng phản biện như thế nào thì không ai dạy cho học sinh. Người Việt mình có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Những học sinh nhỏ tuổi có tinh thần đòi hỏi sự công bằng là điều tốt, nhưng không phải bằng cách rủ rê nhau viết một tấm bảng "Phản đối" và đòi "công bằng".

Theo tôi, ta nên dạy trẻ cách hành xử tế nhị và tôn trọng người lớn trước đã. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề, kể cả những vấn đề gai góc nhất, chính là cách phản biện vừa thể hiện quan điểm của mình vừa không xúc phạm người khác. Đây là điều mà nhà trường rất nên và cần dạy học sinh.

(LAN HƯƠNG - huong.duythilan@...)

Đừng dập tắt sự "bùng cháy" của học sinh

Với tư cách là một giáo viên, tôi nghĩ việc làm của các em học sinh lớp 6 này đúng và đáng biểu dương, chẳng có gì là “hỗn” và vô lễ với cô giáo. Trái lại, cô giáo đã chưa đúng khi dập tắt sự "bùng cháy" của học sinh trước cái chưa đúng, cái chưa hợp lý!

Là giáo viên, cô giáo cần phải tự vấn lại bản thân mình trong công tác giảng dạy, chủ nhiệm lớp. Nếu vẫn còn để xảy ra những bức xúc, uẩn ức trong học sinh thì xem như chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của mình!

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy dạy cho các em kỹ năng sống để có thể thích hợp với mọi môi trường, mọi hoàn cảnh; để trẻ biết ứng phó, xử lý nhanh và hiệu quả các tình huống xấu bất chợt xảy ra cho bản thân. Điều này rất cần thiết cho học sinh.

Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, khi giáo viên được học sinh phản ảnh, phát biểu điều gì đó (thậm chí là điều trái tai, khó nghe), giáo viên phải thật sự lắng nghe với tinh thần hợp tác cùng học sinh, để giải quyết sự việc sao cho có tình có lý mà vẫn đảm bảo kỷ cương trong trường học. 

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

 

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên