13/10/2020 08:14 GMT+7

Hết độc quyền truyền tải điện

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
NGỌC HIỂN - NGỌC AN

TTO - Dự án truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng đã đi vào hoạt động. Đây là lĩnh vực hạ tầng truyền tải điện từ trước đến nay Nhà nước độc quyền.

Hết độc quyền truyền tải điện - Ảnh 1.

Đường dây truyền tải điện 500kV do tư nhân đầu tư nay đã chính thức vận hành - Ảnh: T.N.

Ngày 12-10, Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã tổ chức khánh thành dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV, 500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời 450MW tại Ninh Thuận - dự án điện mặt trời lớn nhất VN và Đông Nam Á.

Giải tỏa 100% công suất

Dự án có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV, trong đó đường dây truyền tải 500kV dài 15,5km với địa hình thi công hiểm trở, vượt núi để đấu nối vào trạm 500kV tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Trung Nam Group - cho biết 8.000 công nhân đã thi công xuyên suốt ngày đêm. Riêng với dự án truyền tải, dù gặp các vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng song vẫn được giải quyết kịp thời. 

Theo ông Tiến, trạm biến áp, đường dây truyền tải này giúp tránh tình trạng có nhà máy mà không phát được điện gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho các nhà máy năng lượng tái tạo/năm.

Ông Lưu Xuân Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết trạm biến áp do Trung Nam đầu tư có công suất lên đến 6.000MW nên không những giải tỏa công suất, phát lên lưới 100% các nhà máy điện tại Ninh Thuận mà còn có dư địa cho giai đoạn sau.

Có tiền nhưng không dễ đầu tư

Theo số liệu từ EVN, tính đến cuối tháng 8-2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch vào hệ thống điện lên đến gần 23.000MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200MW. Hiện tại trên cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.245MW.

Đặc biệt với hai địa bàn Ninh Thuận và Bình Thuận, để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện, trong năm 2020, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT - thuộc EVN) đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV giúp giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo với tổng chiều dài đường dây trên 750km.

Nhu cầu thu xếp vốn cho xây dựng các dự án truyền tải điện vẫn là thách thức lớn. Thực tế 10 năm qua, để thu xếp đủ vốn cho hơn 450 dự án với tổng giá trị hơn 95.000 tỉ đồng, EVNNPT gặp không ít thách thức song con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vốn đầu tư lên tới 20.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 2018-2030.

Tuy nhiên, thông tin cho Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho hay quy định tại Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư đưa ra, việc thực hiện các công trình lưới điện (trừ thủy điện) phải thực hiện theo Luật điện lực. Trong khi đó, đến nay hướng dẫn nội dung trong Luật điện lực về độc quyền trong hoạt động truyền tải vẫn chưa được ban hành.

Thực tế, Thủ tướng cũng đã có yêu cầu các cơ quan liên quan góp ý kiến xây dựng tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Luật điện lực với nội dung này. Trong đó, EVN cho rằng hệ thống truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch, có vai trò đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Vì vậy, hệ thống truyền tải điện quốc gia Nhà nước cần phải độc quyền cả đầu tư, quản lý vận hành.

Còn với hệ thống đấu nối các dự án vào lưới có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố nên có thể Nhà nước không độc quyền. Ngành điện cũng kiến nghị, đối với hệ thống điện truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện được tư nhân đầu tư, chủ đầu tư sẽ sở hữu tài sản và quản lý vận hành thay vì bàn giao cho EVN.

Cần cơ chế cho tư nhân tham gia

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng EVN có mạng lưới truyền tải rất mạnh, song để tạo ra sự cân đối cho nguồn và truyền tải trong vài năm đó là câu chuyện của quốc gia. Trung Nam Group đã giữ đúng cam kết hoàn thành dự án trong năm 2020 cũng như bàn giao trạm và đường dây 500kV cho EVN giá 0 đồng. 

Do đó, ông Tiến cũng kiến nghị chấp thuận cho doanh nghiệp này hưởng giá bán điện như những nhà đầu tư khác trọn 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh) thay vì chỉ hưởng một phần. Theo ông Tiến, đến nay doanh nghiệp đã được hưởng 280MW theo giá ưu đãi trong gói 2.000MW dành cho tỉnh Ninh Thuận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Tùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Ecotech Việt Nam - cho biết nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã ủng hộ tư nhân đầu tư truyền tải. Do đó, cần cụ thể hóa các chính sách, phương thức tham gia và cơ chế đối với tư nhân.

Tương tự, giám đốc một công ty xây lắp công trình điện cho biết hiện nay tư nhân đã xây dựng lưới điện dài hàng chục kilômet từ nhà máy đến các điểm đấu nối, chất lượng các công trình đều đảm bảo. Do đó, vị này cho rằng cần "cởi trói" về mặt chính sách để thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hóa xây dựng, cho phép tư nhân tham gia xây dựng các công trình truyền tải 220kV, 500kV.

Hiệu quả tích cực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tân - thành viên HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - cho biết dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư này đã có hiệu quả tích cực cho hệ thống truyền tải điện.

Theo ông Tân, việc tư nhân tham gia xây dựng truyền tải phù hợp với nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và trong tương lai Chính phủ, các bộ ngành sẽ thực hiện theo chỉ đạo của nghị quyết này. Về chất lượng của công trình, ông Tân khẳng định dù tư nhân hay Nhà nước đầu tư đều phải thực hiện theo nghị định 46 của Chính phủ.

Ông Lê Anh Tùng (chủ tịch HĐQT Công ty CP Ecotech Việt Nam):

Tư nhân làm có nhiều thuận lợi

Tư nhân làm truyền tải điện sẽ có những lợi thế nhất định, như khi thực hiện dự án không phải tuân thủ những quy trình rườm rà, phức tạp như đối với doanh nghiệp nhà nước. Khi xây dựng dự án, doanh nghiệp nhà nước phải lập kế hoạch bố trí vốn, xem xét định kỳ nên việc giải ngân chậm, có khi kéo dài năm này sang năm khác trong khi tư nhân lại có thể linh động huy động vốn, sớm triển khai...

Cần nguồn tiền lớn để phát triển hệ thống lưới truyền tải điện Cần nguồn tiền lớn để phát triển hệ thống lưới truyền tải điện

TTO - Việc đầu tư lưới truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 là thách thức lớn cho ngành điện khi khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay với số vốn đầu tư lớn theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên