12/04/2012 08:06 GMT+7

Học đúng cách, dễ đậu tốt nghiệp

P.ĐIỀN - V.HÀ
P.ĐIỀN - V.HÀ

AT - Việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có đến bốn môn thi tự luận, trong đó có cả lịch sử lẫn địa lý khiến nhiều học sinh lo lắng.

Để học sinh có cách ôn tập thật hiệu quả, các giáo viên giàu kinh nghiệm trong từng lĩnh vực sẽ chia sẻ với các bạn về những băn khoăn này.

kKZukTcg.jpgPhóng to
Ảnh: Như Hùng

* Ôn thi tốt nghiệp 2012 sao cho hiệu quả? Những phần kiến thức đã được giảm tải có ra trong đề thi tốt nghiệp THPT 2012?

- Ông Nguyễn Duy Kha (trưởng phòng khảo thí - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT): Để ôn thi có hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho từng môn. Trong đó, cần xây dựng đề cương ôn tập, xác định rõ các tài liệu tham khảo cơ bản, phân định thời gian hợp lý cho từng dung lượng kiến thức. Điều quan trọng vào thời điểm này, phải ý thức rõ lượng kiến thức và kỹ năng còn khiếm khuyết, phải bổ sung để tập trung ôn tập dứt điểm. Bên cạnh đó, cũng phải bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không tạo áp lực căng thẳng, duy trì chế độ ăn uống an toàn..

Theo qui chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học bậc trung học. Những kiến thức đã được giảm tải và chuyển thành đọc thêm không có trong nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay.

Cần lưu ý rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, có dành khoảng 50% điểm số cho các câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.

Ngoài sách giáo khoa địa lý, có tài liệu nào ngắn gọn hơn không?

- Cô Vũ Thị Bắc, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM: Nội dung SGK là nội dung cơ bản nhất rồi, em chỉ cần học trong đó không cần tìm thêm một cuốn sách nào đâu. Tuy nhiên, muốn học hiệu quả, HS có thể tự soạn lại theo cách của mình (bằng sơ đồ hoặc bảng hệ thống kiến thức) cho dễ học. Còn nếu theo SGK thì có thể dùng bút highligh để tóm lại kiến thức, từ đó làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng hơn.

* Học cách nào để HS trung bình yếu tiếng Anh có thể đạt điểm 5 môn này? Học từ vựng như thế nào để đạt điểm tốt?

- Cô Trần Thị Liễu (tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM): Để có được điểm trung bình các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản của môn tiếng Anh đã học. Cụ thể như cách sử dụng các thì, sự phối hợp các thì trong câu, cách sử dụng từ trong một câu cho chính xác (các em cần phân biệt danh từ, tính từ, trạng từ...). Về thì các em cần nắm các thì chính thường được sử dụng như Simple present, present continuous, simple past, present perfect, simple furture, past continuous.

HS cố gắng đọc lại các bài khóa trong chương trình, nếu gặp từ nào không nhớ cần thuộc lại từ đó, cần thuộc các giới từ đi kèm. Có thể nhờ giáo viên hoặc các bạn học tốt hơn hướng dẫn cách xác định dấu nhấn của một từ (phần này dễ khắc phục trong thời gian ngắn, và có thể có 0,6đ). Đồng thời, xem lại các điểm ngữ pháp được đề cập trong từng bài học với những bài tập liên quan.

Các em cần ôn lại các kiến thức đã học trong chương trình, cụ thể phần từ vựng theo từng chủ đề của các bài, các ngữ pháp được đề cập trong từng bài học. Từ đây cho đến ngày thi mỗi ngày các em nên ôn lại từ vựng, chú ý giới từ được đề cập trong các bài; các phrasal verbs trong sách giáo khoa. Phần ngữ pháp các em nên làm thêm bài tập liên quan đến chủ đề đã học trong bài. Phần chính nhất vẫn là các thì, mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ thời gian, câu chủ động, bị động.

* Làm cách nào ôn thi môn văn hiệu quả? HS trung bình tập trung những gì để đạt điểm 5?

- Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Muốn ôn thi môn văn hiệu quả phải đảm bảo vừa ôn khái quát hệ thống tác phẩm, trong từng tác phẩm phải nhớ được những nội dung chính nhất, hệ thống nhân vật... Ngoài ra còn phải biết hành văn lưu loát, lập luận sắc sảo, có sáng tạo.

Nhiều năm qua, với câu 3 điểm - nghị luận xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm. Muốn đạt 5 điểm, các em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các cụ có câu "Năng nhặt chặt bị". Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60% đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5.

Trong trường hợp học sinh không thể bao quát hết kiến thức của tác phẩm thì cũng cần nắm được kiến thức giai đoạn, kiến thức thể loại để tránh lẫn lộn. Em vẫn có thể đạt điểm 5 hoặc hơn thế nếu biết cách viết văn và nắm chắc 2/3 số tác phẩm. Đừng nghĩ môn văn là học thuộc, sẽ rất ngại. Em hãy đọc lại các tác phẩm xem mình hiểu được bao nhiêu. Nhớ được các nhân vật chính, hiểu về họ trên những nét cơ bản và nhớ được hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ thì em có thể yên tâm phần nào. Môn văn không yêu cầu chính xác từng chữ, hãy nuôi cảm xúc cho mình thì sẽ không ngại học.

* Em nên học các bài lịch sử theo thứ tự thời gian, hay nên học các bài theo thứ tự ưu tiên, bài nào quan trọng, dễ ra thi thì học trước? Phương pháp học ôn lịch sử như thế nào có hiệu quả? Làm thế nào để chúng em có thể nhớ hiệu quả các con số đó trong bài học môn này?

- Cô Nguyễn Ái Hằng (tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM): Nên học theo thứ tự từng bài vì các bài này đã được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Bài nào quan trọng học kỹ, nắm kỹ. Bài ít quan trọng, các em nên nắm những ý chính, không nên học bài dễ trước.

Các em cần lập kế hoạch ôn tập, cụ thể là chia thời gian ôn tập thành nhiều vòng (ít nhất là ba vòng ôn). Học lịch sử cũng như học toán, lý, các em phải vừa học, vừa viết, hoặc vẽ, lập sơ đồ. Để nhớ sườn bài, em phải lập dàn ý chính từng bài rồi học sườn bài ấy. Phương pháp riêng học một bài sử là trước hết các em cần đọc qua một lần để nắm kiến thức cơ bản. Bước tiếp theo, phải xác định mốc thời gian trong bài học. Sau đó, học từng phần, từng đề mục. Sau khi học hết các đề mục trong bài thì các em mới học lại toàn bài. Các em cần đọc lại bài ít nhất 3-5 lần để khắc sâu kiến thức.

Trong bài thi, chỉ với những sự kiện lớn, những mốc lịch sử lớn thì ngày tháng mới thật sự quan trọng và các em cần viết chính xác. Riêng về năm có lẽ cũng dễ nhớ. Những con số kết quả của một trận đánh không cần nhớ chính xác, các em có thể nhớ con số ước chừng, ví dụ: chiến dịch Biên giới 1950 thì tiêu diệt khoảng 8.000 tên địch, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm thì loại trên 80 máy bay, trên 80 phi công. Chỉ cần nhớ như thế là đạt điểm.

* Cho em hỏi, học ôn môn hóa như thế nào để không rớt (nhất là đối với HS học lực trung bình)?

- Cô Trần Thu Hảo (tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Những năm gần đây, bài thi môn hóa được ra theo hình thức trắc nghiệm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trung bình. Làm bài thi trắc nghiệm, các em không phải trình bày, diễn giải cụ thể. Trong khi đó, có rất nhiều câu, dựa vào đáp án, em có thể loại trừ để tìm ra đáp án đúng.

Tuy nhiên, đặc thù của môn hóa là các bài có mối liên hệ với nhau, nên em cần hệ thống lại toàn bộ kiến thức, tránh "học tủ" theo từng bài riêng lẻ.

Kiến thức hóa để vận dụng vào làm bài thi tốt nghiệp là những kiến thức rất cơ bản đã có trong sách giáo khoa. Về bài tập, em chỉ cần làm và hiểu được các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Em có thể tham khảo một số đề thi tốt nghiệp môn hóa của các năm trước để tập dượt, kiểm tra bản thân về kiến thức cũng như thời gian để hoàn thành bài thi.

EdKQ8Hys.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

P.ĐIỀN - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên