25/08/2023 05:30 GMT+7

Học được gì từ chuyện lệch pha công nghệ metro?

Các dự án đường sắt đô thị (metro) đang làm với công nghệ khác nhau do phụ thuộc điều kiện vay vốn ODA. Nhưng nhìn theo góc độ tích cực, đây là tiền đề để chúng ta có kinh nghiệm, dần chủ động xây dựng nền tảng công nghiệp metro.

Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao - Ảnh: MRB

Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao - Ảnh: MRB

Đó là ý kiến của ông Lê Trung Hiếu - phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Mỗi công nghệ có ưu nhược điểm riêng

Các dự án metro đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM đều sử dụng vốn vay ODA nước ngoài. Mỗi dự án có nhà tài trợ vốn khác nhau nên áp dụng công nghệ theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Điều này dẫn đến các dự án có khác biệt về: kích thước đường hầm, nguồn điện, phương thức cấp điện cho đoàn tàu, kích thước toa xe, vật tư phụ tùng, công nghệ thẻ vé, phương thức thanh toán...

Tuy nhiên, khi chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho metro tại Việt Nam thì sự khác biệt giúp chúng ta tận dụng được các thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ đặc thù mỗi nước, đảm bảo tính đa dạng và cạnh tranh giữa các dự án, tránh tình trạng độc quyền, mất tính chủ động của cấp thẩm quyền.

Thực tế mỗi công nghệ đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Chi phí đầu tư của các dự án metro (bao gồm thiết bị, phương thức thi công...) đều được tính toán trên cơ sở các quy định, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, là phù hợp và tối ưu nhất.

Có lãng phí và bất tiện cho hành khách?

Quy hoạch mạng lưới metro tại Hà Nội và TP.HCM (đã được phê duyệt) gồm các tuyến hướng tâm, tuyến vòng... đảm bảo việc kết nối và thuận tiện cho hành khách có thể tiếp cận. Sự khác nhau về công nghệ không ảnh hưởng đến việc kết nối liên tục giữa các tuyến trong mạng lưới metro.

Phương án kết nối bằng hai nhà ga khác mức đã và đang được các đơn vị liên quan và tư vấn nghiên cứu để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả, thuận tiện cho hành khách đi lại. Thậm chí còn thuận tiện để tiếp cận với xe buýt, taxi... một cách dễ dàng.

Kinh nghiệm ở các quốc gia đã có hệ thống metro phát triển trên thế giới cũng chỉ ra kết quả như vậy.

Mỗi dự án metro phải có một depot riêng là điều bắt buộc vì mỗi tuyến metro sử dụng loại tàu có công nghệ khác nhau, số lượng khác nhau (theo nhu cầu vận tải, lưu lượng hành khách tại các nhà ga của từng tuyến)... Điều này không hề gây lãng phí mà còn thuận tiện cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp thêm số lượng và công nghệ sau này.

Depot không chỉ là nơi bảo dưỡng và đặt trung tâm điều hành vận tải. Depot còn là túi chứa tàu khi hệ thống dừng vận hành khai thác vào ban đêm. Lúc đó, các đoàn tàu tập trung tại depot để nhường đường cho các đoàn tàu công vụ thực hiện duy tu bảo dưỡng trên tuyến.

Ông Lê Trung Hiếu - phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Ông Lê Trung Hiếu - phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Thống nhất một công nghệ: có thể làm được không?

Quá trình xây dựng các tuyến metro hiện tại đã nảy sinh nhiều vấn đề do các dự án có công nghệ, tiêu chuẩn khác nhau. Việc đưa ra tiêu chuẩn thống nhất về công nghệ cho metro ở Việt Nam là rất cần thiết nhưng cũng vô cùng khó khăn trong bối cảnh công nghệ và kinh nghiệm của chúng ta còn hạn chế.

Thế giới không có một công nghệ chung cho hệ thống metro. Trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi và phát triển nhanh chóng như hiện nay, các quốc gia vẫn duy trì các tuyến metro từ hàng trăm năm, có chăng là thực hiện những nâng cấp công nghệ nhất định cho hệ thống hiện có.

Các dự án metro hiện sử dụng công nghệ từ Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc. Kinh nghiệm hàng trăm năm của họ cho phép chúng ta tận dụng công nghệ, bí quyết kỹ thuật và chuyển giao các công nghệ vượt trội.

Có thể nói các dự án metro đầu tiên có công nghệ khác nhau sẽ là tiền đề để chúng ta đúc kết được kinh nghiệm, xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật, dần chủ động trong việc nội địa hóa và xây dựng nền tảng công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cho metro.

Phải có một hệ thống tiêu chuẩn vừa hài hòa, phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phải tránh được những xung đột trong quá trình thực hiện. Đáp ứng được các điều trên thì chúng ta hoàn toàn có thể đàm phán với các nhà tài trợ để áp dụng hài hòa vào các dự án metro.

Theo quy hoạch, mạng lưới metro Hà Nội gồm 9 tuyến có tổng chiều dài 417,8km (342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm). Còn TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro có tổng chiều dài 172,6km và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài 56,5km.

Hiện tại Hà Nội đã và đang triển khai các tuyến metro: tuyến Cát Linh - Hà Đồng (tuyến 2A) do Trung Quốc tài trợ; tuyến Nhổn - ga Hà Nội (thuộc tuyến số 3) do các đơn vị liên quan của Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (thuộc tuyến số 2) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Tại TP.HCM đang triển khai tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do JICA tài trợ; tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do ADB, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ.

Lệch pha công nghệ metro: Không ổnLệch pha công nghệ metro: Không ổn

Mỗi tuyến metro do một đơn vị tài trợ khác nhau dẫn đến khác biệt về công nghệ, loại tàu, phần mềm quản lý... Dù chưa chạy nhưng đã thấy nhiều vấn đề rủi ro và chi phí mà Việt Nam phải chịu trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên