20/07/2016 16:11 GMT+7

​Hôi miệng - chẩn đoán dễ, điều trị khó

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hôi miệng tuy không phải là một tình trạng bệnh nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, làm cho người bệnh mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp.

Hôi miệng – “muôn vàn” nguyên nhân

Hôi miệng hay hơi thở có mùi hôi là do nhiều nguyên nhân gây ra.

●  Hôi miệng có nguyên nhân từ các bệnh lý ở vùng miệng:

- Sâu răng.

- Viêm nha chu, viêm nướu, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm thịt dư trong họng (cryptic tonsils).

- Khô miệng: khi lượng nước bọt giảm hơn 50% so với bình thường.

- Hàm răng giả: người sử dụng hàm răng giả không vệ sinh sạch sẽ, thức ăn bám lại và lâu ngày gây ra chứng hôi miệng.

●  Hôi miệng do uống thuốc:

Những loại thuốc có thể gây hôi miệng như: thuốc tăng huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống histamines, chữa bệnh Parkinson, thuốc lợi tiểu, amphetamines,… Những loại thuốc này làm giảm lượng nước bọt, gây ra chứng hôi miệng.

●  Một số bệnh lý có thể gây ra chứng hôi miệng:

Viêm xoang, viêm phổi kinh niên, ung thư phổi, giãn khí quản, dị vật ở mũi, bệnh loạn tạo máu, bệnh đái tháo đường, bệnh Urê huyết, bệnh xơ gan, bệnh thận hư, bệnh lý dạ dày (viêm dạ dày, hẹp môn vị, thoát vị khe thực quản, hở van thực quản…).

●  Hôi miệng do thức ăn, hút thuốc lá:

- Tỏi, hành, thức ăn nhiều đạm, chất béo, gia vị.

- Rượu.

- Thuốc lá, xì-gà.

 ●  Một số nguyên nhân khác gây hôi miệng:

- Người có vấn đề tâm lý: là người quá chú trọng tới hình thức của bản thân, lúc nào cũng ảo tưởng là cơ thể mình không hoàn chỉnh, tiết ra mùi khó chịu, thường gặp ở phụ nữ, luôn che miệng khi nói chuyện, ngại tiếp xúc, thường đi kèm các triệu chứng của bệnh tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt…

- Thay đổi kích thích tố trong thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt cũng làm cho hơi thở hôi ở một số phụ nữ.

- Hội chứng hôi mùi cá ươn (Fish odor syndrome): rất hiếm gặp, đây là bệnh tự miễn với rối loạn chuyển hóa chất Trimethylamine. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Có nhiều biện pháp để ước lượng tình trạng hôi miệng

 - Tự xác định: mỗi người có thể chẩn đoán bệnh cho mình, bằng cách úp lòng bàn tay vào miệng, thở ra bằng miệng và ngửi mùi trên lòng bàn tay; hoặc ngửi mùi trên sợi chỉ nha khoa sau khi sử dụng.

- Có thể nhờ người khác xác định: bằng cách tiếp xúc trực tiếp với khoảng cách gần.

Tuy vậy, 2 cách làm trên có tính chủ quan, tùy vào cảm tính của mỗi người. Vì vậy, bạn có thể đến bệnh viện để các bác sĩ dùng máy halimeter đo mức độ hôi miệng, bằng cách đo nồng độ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong hơi thở. Với dụng cụ này, bạn sẽ biết chính xác mình có bị hôi miệng hay không và mức độ bệnh, xác định nguyên nhân từ miệng hoặc không phải từ miệng.

Cách phòng bệnh hôi miệng:

● Uống nhiều nước

Uống nước thường xuyên tạo không khí ẩm ướt, hạn chế môi trường phát triển của các loại vi khuẩn trong miệng. Ngoài ra, nước còn có tác dụng pha loãng nồng độ các hợp chất lưu huỳnh, làm giảm mùi hôi.

● Vệ sinh răng miệng

- Đây là điều quan trọng, nếu đảm bảo điều này thì bạn có thể đã giảm được hơn 70% tình trạng hôi miệng của mình.

- Bạn nên đánh răng sau các bữa ăn, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch những vùng răng mà bàn chải răng không đến được. Đồng thời, bạn hãy nhớ làm sạch lưỡi bằng bàn chải mềm hoặc dụng cụ cạo lưỡi.

- Nếu có hàm răng giả thì lấy ra ban đêm, rửa sạch sẽ và ngâm trong nước sạch hoặc dung dịch nước sát trùng.

- Cần đến nha sĩ kiểm tra răng định kỳ, ít nhất 1 lần/1 năm.

●  Không nên lạm dụng nước súc miệng, kẹo cao su

- Kẹo cao su có đường: tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn vùng miệng phát triển.

- Nước súc miệng chứa nhiều cồn, dễ làm khô miệng, nếu dùng thường xuyên, bạn có thể bị bệnh hôi miệng kinh niên, rất khó điều trị. Hiện nay, nước súc miệng có chứa chlorine clioxide (CIO2) là một phát hiện mới nhất để chống lại hôi miệng. CIO2 có khả năng phân hủy hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và có tính diệt khuẩn.

● Chế độ ăn uống, sinh hoạt

- Tăng cường các loại rau quả, trái cây: quá trình nhai giúp làm sạch miệng và tăng tuyến nước bọt hoạt động.

- Hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá, các thực phẩm có chất ngọt, chất béo, nhiều gia vị: hành, tỏi...

● Hãy tìm nguyên nhân chính xác gây hôi miệng và điều trị đúng chuyên khoa.

Hôi miệng là vấn đề thường gặp và có nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh chẩn đoán không khó nhưng tìm nguyên nhân và xử lý hết hẳn thì không dễ dàng. Nếu bệnh kéo dài có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, vì bệnh ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân rất nhiều.  

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hôi miệng