30/11/2023 10:23 GMT+7

Hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ: Bước tiến mới về thương mại, đầu tư

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ với trọng tâm là tăng cường thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, du lịch.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai học viện ngoại giao dưới sự chứng kiến của hai lãnh đạo - Ảnh: NGỌC AN

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai học viện ngoại giao dưới sự chứng kiến của hai lãnh đạo - Ảnh: NGỌC AN

Ngày 29-11, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdez Yilmaz đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo cùng các quan chức bước vào hội đàm nhằm thảo luận và thống nhất những bước tiến quan trọng trong hợp tác.

Kim ngạch thương mại liên tục tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trực tiếp tham gia đoàn công tác, đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

"Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, thương mại trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước đối tác tại Tây Á và tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực nhiều tiềm năng này", ông Tân đánh giá.

Trên thực tế, trong hai năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng trưởng tốt và duy trì ở mức hai con số.

Theo Bộ Công Thương, năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 2 tỉ USD, tăng 26,2% so với năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2023, con số này là 1,9 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới bất lợi, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.

Phân tích về những tiềm năng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay tại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam có lợi thế và có thể xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, xơ sợi, giày dép, gia vị (hạt tiêu, quế, hồi, nước xốt), cà phê, cao su, sắt thép, thực phẩm chế biến (trái cây sấy khô, đóng hộp, mì, bún miến khô)...

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cũng cho rằng hai nước có tiềm năng hợp tác to lớn. Dẫn chứng là từ năm 2017 đã đạt dấu mốc lịch sử trong trao đổi thương mại khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ tại ASEAN, chỉ sau Malaysia.

Quan trọng hơn, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ xem nhau là đối tác kinh tế quan trọng, tin cậy. Trong năm 2019 và 2022, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt công bố "Sáng kiến châu Á mới" và "Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa", trong đó đều đề cập ASEAN và Việt Nam là đối tác tiềm năng.

Với Việt Nam, đề án phát triển quan hệ Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã luôn đặt Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế tới khu vực.

Điều này cũng đã được Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat chia sẻ trong cuộc tiếp Thủ tướng vào sáng 29-11.

Ông Omer Bolat khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Doanh nghiệp cần chủ động khai thác

Tuy vậy, để khai thác các tiềm năng lợi thế của mỗi nước, vẫn còn không ít thách thức. Theo Bộ Công Thương, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành nông nghiệp, thủy sản khá phát triển và đa dạng.

Trong đó, một số ngành hàng có lợi thế trùng với Việt Nam như điện tử, sắt thép, dệt may, chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ... Tuy nhiên, chi phí sản xuất của nước này cao hơn, có sự cạnh tranh gay gắt do Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa ba châu lục và nằm sát châu Âu.

"Các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại địa bàn, tham gia giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô lớn.

Đồng thời, để phòng ngừa tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại, cần có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ lưỡng", Bộ Công Thương khuyến nghị.

Đại sứ Đỗ Sơn Hải cũng nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong hội đàm của hai nhà lãnh đạo đã khẳng định sự tin cậy và quyết tâm từ cấp cao nhất trong phát triển quan hệ song phương.

"Nếu tận dụng tốt, Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng.

Đầu tư cũng là yếu tố rất được kỳ vọng. Với thế mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong hai nước có thể tăng cường trao đổi, có các dự án chung đạt hiệu quả cao, thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch", đại sứ Đỗ Sơn Hải nói.

Nghiên cứu khởi động FTA Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ

Tại họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã cùng Phó tổng thống Cevdez Yilmaz nhất trí về các tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch...

Về chính trị, hai bên nhất trí củng cố quan hệ và tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên tất cả các kênh; sớm hoàn tất mở Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại TP.HCM. Về kinh tế, hai bên sẽ tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển ngành Halal, nông nghiệp, du lịch...

Hai bên cũng nghiên cứu để sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mức 4 tỉ USD trong thời gian tới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính 'có ý nghĩa lịch sử'

Ngày 29-11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên