30/08/2022 08:09 GMT+7

‘Hương’ - cuốn tiểu thuyết về nỗ lực hòa giải dân tộc bán tại Mỹ

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 1.000 cuốn tiểu thuyết ‘Hương’ của tác giả Nguyễn Thụy Kha (Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật) về mối tình hàn gắn ‘bên kia, bên này’, hòa hợp dân tộc vừa được phát hành tại Việt Nam, đồng thời chuyển 1.000 cuốn tới thị trường Mỹ.

‘Hương’ - cuốn tiểu thuyết về nỗ lực hòa giải dân tộc bán tại Mỹ - Ảnh 1.

Tiểu thuyết 'Hương' của Nguyễn Thụy Kha - Ảnh: T.ĐIỂU

Lý do theo lý giải của nhà xuất bản là cuốn sách rất phù hợp với mục đích, tôn chỉ của nhà xuất bản: nhằm giúp tuổi trẻ hôm nay và mai sau hiểu thêm về thế hệ cha anh đã hy sinh cả tuổi xuân và xương máu của mình cho độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về lịch sử, về những người lính từng chiến đấu.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, do họa sĩ Lê Thiết Cương - một người bạn tâm giao của tác giả Nguyễn Thụy Kha - vẽ bìa.

Thêm một sự "cá tính" nữa của những người phát hành cuốn sách này là "Thống nhất giá bán lẻ với tất cả các kênh là 145.000 đồng (bán nguyên giá bìa)".

Hương tái hiện cuộc đời của một người lính tên Lĩnh vốn là một giáo viên trẻ của một trường đại học xung phong đi bộ đội. Ngay chính tại mảnh đất Quảng Trị mưa bom bão đạn, anh đã gặp Hương - một cô gái Huế lưu lạc ra Quảng Trị bán hàng nước xinh đẹp thường ôm đàn ghi ta hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn và yêu thích văn chương.

Tình yêu sâu nặng chớm nở giữa hoang tàn chiến tranh đã phải đau đớn chia ly, cho tới tận cuối đời Lĩnh mới gặp lại Hương tận bên nước Mỹ xa xôi nhưng là Hương qua lời kể của người thân và qua hình hài người con gái chung của hai người.

Hương sau khi bị chia cách với Lĩnh, với cái thai trong bụng giữa cảnh loạn ly đã kết hôn với Bao, chính là người bác sĩ phía bên kia đã tận tình cứu chữa cho Lĩnh và trở thành bạn tâm giao trò chuyện về lịch sử, âm nhạc, văn chương… khi Lĩnh bị bắt làm tù binh.

Sau tất cả, những người từng chiến đấu ở hai bên chiến tuyến lại về mảnh đất Quảng Trị để tưởng nhớ quá khứ, cùng nhau suy ngẫm về cuộc đời, về những đau thương, mất mát của chiến tranh, về tình yêu, tình dân tộc để cùng nhau dẹp bỏ quá khứ và hướng tới tương lai.

Cốt truyện được tác giả xây dựng, đắp bồi thêm, kết nối từ nhiều câu chuyện thực của một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước mà chính ông và bạn bè mình đã can dự sâu với vai trò của một người lính xung trận.

Truyện mang nhiều tính hiện thực với những cái tên người nổi tiếng có thực và những dữ kiện thực như Trịnh Công Sơn hay tình bạn văn chương giữa những người lính Bắc Việt với cựu quân nhân Mỹ sau này… Trong khi những phần tưởng tượng lại khá giản đơn, dễ đoán.

Câu chuyện không phải là thế mạnh của cuốn tiểu thuyết này và nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng vậy. Sự đơn giản trong lối viết và kỹ thuật kể chuyện, nghệ thuật ngôn từ trong cuốn tiểu thuyết này sẽ không thỏa mãn những người tìm kiếm những hấp dẫn của văn chương như một nghệ thuật phức tạp của chữ và tư tưởng.

Điều này cũng dễ hiểu bởi cuốn tiểu thuyết này đã được phát triển trong một thời gian ngắn từ một kịch bản phim chứ tác giả không có ý định xây dựng một cuốn tiểu thuyết công phu ngay từ đầu.

Nhiều thơ được trám vào cuốn tiểu thuyết mà đôi chỗ chưa cho thấy mối nối nhuần nhị.

Tuy thế, cuốn tiểu thuyết vẫn ghi điểm ở nỗ lực nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam từ cả ba phía Nam - Bắc Việt và phía người lính Mỹ để cuối cùng điều còn lại chính là sự yêu thương, thấu hiểu, tha thứ và hòa hợp dân tộc này.

Hương còn có nhiều điểm hấp dẫn khác. Bởi tác giả vốn là một nhạc sĩ, một người bạn của nhiều văn nghệ sĩ tài danh của đất nước, một nhà báo dày tư liệu và có cái nhìn riêng, sắc bén nên trong cuốn tiểu thuyết này người đọc được nghe nhiều về những nhạc sĩ nổi tiếng như Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… và âm nhạc của họ.

Hay thậm chí là những góc nhìn độc đáo của tác giả (mượn tiếng nói của nhân vật) về những nhân vật lịch sử, triều đại mà theo ông rất thú vị nhưng chưa được ghi nhận đúng, như vua Trần Thái Tông, Nhà Mạc…

Đột phá xúc động trong hòa giải dân tộc Đột phá xúc động trong hòa giải dân tộc

TT - Trong gần 100 ý kiến phản hồi bài viết “Lấy chân thành xóa hố sâu thù hận” (Tuổi Trẻ ngày 5-4), hầu hết bày tỏ vui mừng trước những việc làm ý nghĩa có tính đột phá trong hòa giải dân tộc đang được thực hiện.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên