23/04/2024 06:19 GMT+7

Hủy hôn vì bị thách cưới: Gả con, đâu phải bán con mà đòi tiền vàng

Từ câu chuyện đôi bạn trẻ hủy hôn, chia tay vì bố mẹ cô dâu thách cưới 4 cây vàng và 50 triệu đồng, Tuổi Trẻ Online liên tiếp nhận nhiều chia sẻ của bạn đọc quanh chủ đề này.

Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN

Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN

Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc cho rằng cần bỏ bớt nhiều thủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi, đỡ tốn kém lãng phí. Nên ra phường đăng ký, về tổ chức một bữa tiệc nhỏ "trên dưới chục bàn mời toàn họ hàng, anh em thân thích thế là đẹp".

Độc giả Nguyễn Quốc Hùng cho biết thời xưa đã có tục lệ này rồi. Từ đó, nhiều cô gái phải ngậm ngùi vì bị nhà trai "treo", không cưới được, nhưng cũng không bỏ hẳn. 5 - 6 năm sau thì thành gái quá lứa, thành "bà cô", còn chàng trai thì kiếm được gái trẻ hơn, thoáng hơn.

Một bạn đọc giấu tên chia sẻ chính anh cũng là nạn nhân của tục thách cưới. Phải hủy hôn, chia tay mối tình đầu vì mẹ cô dâu bảo phải làm đủ 3 lễ (dạm ngõ, hỏi và cưới), trong khi lương vào năm 1996 chỉ vài trăm ngàn.

"Hai nhà cách nhau hơn trăm cây số, và hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì, nên thôi", bạn đọc này tâm sự.

Trong khi đó, bạn đọc tên Giang nêu quan điểm cần bỏ sớm hủ tục lạc hậu này (thách cưới). Nhà nước cũng nên quy định nếu đám cưới có thách cưới phạt bằng số tiền thách cưới.

"Một đất nước ngày càng phát triển không thể để một hủ tục vậy mãi được. Người lớn làm khổ đôi trẻ, bên cha mẹ đẻ, bên cha mẹ vợ làm vậy khó cho người trẻ từ chối. Ban đầu đã mất lòng, không ổn liền, nên bỏ sớm", Giang viết.

Bạn Trần Lê viết, cha mẹ có lo, có cho con bao nhiêu cũng không đủ, chủ yếu là đôi trẻ xây dựng hạnh phúc, tương lai cho gia đình mình. Trong khả năng của cha mẹ có bao nhiêu thì tiếp các con bấy nhiêu, coi như là vốn khởi nghiệp.

"Gả con chứ đâu phải bán con đâu mà đòi tiền vàng này nọ. Đừng dựa vào tục thách cưới hay sĩ diện mà khổ con, khổ mình", Trần Lê bày tỏ.

Nhìn ở phía khác, bạn đọc tên Lam cho biết rất nhiều trường hợp mẹ đơn thân không nhận được trợ cấp nuôi con. Vì vậy, thách cưới được xem như một dạng bảo hiểm thôi.

Bạn đọc Vũ Trung lại nghĩ: "Đúng rồi, công lao người ta nuôi con, ông tới hưởng không à?!".

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Ngọc bày tỏ cũng nên tội nghiệp bậc cha mẹ. Bây giờ thấy nhiều "ông" cứ tụ tập, nhậu nhẹt, đàn đúm... đến khi có gia đình con cái rồi mà vẫn không từ bỏ. Thách cưới cũng chỉ là cách để con gái (có khi thêm cháu ngoại) bị ngược đãi quá chịu không nổi, bỏ đi cũng có chút đỉnh để sinh sống tiếp!

Rôm rả chuyện tục lệ thách cưới 35 triệu đồng, chú rể có đáng bị chê bai?Rôm rả chuyện tục lệ thách cưới 35 triệu đồng, chú rể có đáng bị chê bai?

Từ một câu chuyện được tranh luận trên Facebook, nhiều người mới vỡ lẽ hóa ra vẫn còn nhiều nơi tại Việt Nam giữ lệ làng mang tên thách cưới. Ở nhiều nơi được gọi là tiền nạp tài, lễ đen, đa số ý kiến không bài xích tục lệ này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên