09/03/2019 16:25 GMT+7

Innocent Witness - Chứng nhân hoàn hảo: Tiếng nói từ trái tim xanh

TRẦN THANH
TRẦN THANH

TTO - Lấy bối cảnh một vụ án mạng và nhân chứng duy nhất của vụ án là cô bé 15 tuổi mắc chứng tự kỷ, bộ phim Innocent Witness - do Hàn Quốc sản xuất - đã kể câu chuyện nhiều thông điệp về hành trình bảo vệ công lý.

Innocent Witness - Chứng nhân hoàn hảo: Tiếng nói từ trái tim xanh - Ảnh 1.

Ji Woo (diễn viên Kim Hyang Gi) và luật sư Soon Ho (Jung Woo Sung) trong phim Chứng nhân hoàn hảo - Ảnh: Hancinema

Ji Woo (do nữ diễn viên trẻ Kim Hyang Gi thủ vai) vô tình chứng kiến cái chết của ông cụ ở nhà đối diện. Soon Ho (Jung Woo Sung) - luật sư được yêu cầu bào chữa cho nghi phạm của vụ án - đã cố gắng tiếp cận Ji Woo và mẹ cô bé, với mong muốn cô bé sẽ ra tòa làm nhân chứng. Nhưng khi phiên xử vừa kết thúc, mọi chuyện lại bắt đầu...

Soon Ho của hơn nửa đầu bộ phim tìm cách giao tiếp và bước vào thế giới của Ji Woo, nhưng anh chỉ xem đó là một phần việc phải làm trong vai trò luật sư biện hộ. Nên anh ngơ ngác trước câu hỏi của Ji Woo: "Chú có phải là người tốt không?".

Trailer Innocent Witness

Anh cũng thốt lên một cách "sách vở" rằng người tự kỷ "bị thiểu năng", những gì cô bé thấy không hẳn là những gì đã diễn ra. Tất cả chỉ vì phía mà anh chọn đứng để bảo vệ, chỉ vì lý trí cho anh thấy những gì anh muốn thấy...

Nói ví von, cầm một viên kẹo trong tay, nếu chúng ta muốn nhìn thấy vỏ bọc của nó thì sẽ chỉ nhìn thấy sắc màu xanh - đỏ hay bất cứ gam màu nào nó khoác lên. Nhưng cô bé Ji Woo đã nhìn thấy gì bên trong những viên kẹo hình trái tim màu xanh da trời mà cô bé yêu thích?

Thế giới của Ji Woo là một thế giới thật đặc biệt, nơi những đôi môi nhếch lên hay khóe mắt trĩu nặng chỉ biểu thị cho cái gọi là cười - khóc, nó không giúp em lý giải đâu là hạnh phúc - khổ đau, cũng như đâu mới là người tốt!

Tuy nhiên, dù khó phân biệt được đâu là gương mặt hạnh phúc, dù chưa kịp nhận ra ai mới là người tốt, Ji Woo vẫn luôn nói sự thật.

Soon Ho đã bắt đầu thấy những gì anh chưa từng nghĩ đến trước đó, khi mà Ji Woo bé nhỏ lại can đảm thế! Sự sợ hãi tiếng ồn của Ji Woo lại mang đến cho em khả năng nắm bắt tuyệt vời từng âm thanh nhỏ nhất.

Sự khó khăn trong giao tiếp khiến Ji Woo khó tự bảo vệ mình trước sự bắt nạt/kẻ xấu, nhưng em vẫn muốn được ra tòa làm nhân chứng, kể cả có phải đối diện với lời đe dọa, sự tổn thương.

Soon Ho đã nhìn thấy một chiều hướng khác: Ji Woo - và những trẻ tự kỷ như em - là những người khác biệt. Anh đã bước vào thế giới của Ji Woo không bằng tâm thế của một luật sư, của một người chỉ mới đọc và hiểu dở dang về người tự kỷ.

Một luật sư trung niên đã rưng rưng xúc động trong vòng tay ôm của cô bé 15 tuổi. Sự trải đời đôi lúc được thu bé lại khi đối diện với trái tim xanh - nơi nương náu tất cả niềm trong trẻo, sự chân thật và dũng cảm.

Ji Woo có nhiều khả năng thiên bẩm, mà ở chiều khác chúng ta gọi là "thiên tài": biết nói một câu dài khi tròn 1 tuổi, biết đọc báo ở tuổi lên 2 và có thể ghi nhớ, phân tích, tổng hợp những dữ liệu phức tạp cực kỳ nhanh chóng và chính xác.

Vậy tại sao Ji Woo và những đứa trẻ như em phải cố gắng trở nên "bình thường" để được "hòa nhập" vào cộng đồng?

Phim để lại cho người xem câu hỏi ấy, khi Ji Woo nói em thấy dễ chịu hơn hẳn từ lúc được học trong ngôi trường chuyên biệt, không phải cố gắng tỏ ra là người bình thường sau một thời gian dài "hòa nhập" ở ngôi trường với những bạn bè "bình thường" sẵn sàng lao vào bắt nạt em.

Innocent Witness còn mang đến một thông điệp đầy thấm thía về tình cảm gia đình, nơi những người cha người mẹ yêu con vô điều kiện, tôn trọng mọi sự khác biệt của con và luôn chăm lo cho con dù con tóc còn xanh, hay đến khi hằn nếp nhăn nơi khóe mắt.

Như người mẹ của Ji Woo đã yêu con gái mình theo cách: chưa bao giờ mong con gái không phải là trẻ tự kỷ, bởi khi đó không còn là Ji Woo của cô... Như người cha "đã già đã lẫn" của Soon Ho đã làm anh thức tỉnh khi đang mệt mỏi tìm kiếm công danh rằng cha mẹ nào cũng mừng khi nuôi dạy một đứa con nên người, là người tốt...

Những bộ phim đề tài tự kỷ được chú ý

Điện ảnh là một phương tiện nghệ thuật góp phần đáng kể giúp nhân lên tình yêu thương, cảm thông và sẻ chia không chỉ của những người thân, mà của cả xã hội với những người tự kỷ.

Đã có nhiều bộ phim chọn đề tài này: The Unexpected Journey (tạm dịch: Hành trình vô định), Rain Man (Người trong mưa), The Lighthouse of the Orcas (Hải đăng của Orcas), Molly, Mozart and the Whale (Mozart và cá voi), My Name is Khan (Tên tôi là Khan), An Unexpected Friend (Người bạn không chờ), Extremely Loud and Incredibly Close (Rất ồn ào và vô cùng gần gũi)...

Nổi tiếng nhất trong số đó là Rain Man của đạo diễn Barry Levinson, có sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng là Tom Cruise và Dustin Hoffman. Bộ phim đoạt 4 giải Oscar năm 1989, trong đó có giải phim hay nhất và giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất cho Dustin Hoffman.

Phim kể về Charles (do Tom Cruise đóng) - thanh niên làm nghề bán xe hơi - chợt biết được sự thật là mình có một người anh trai bí ẩn. Người anh này (Hoffman thủ vai) mắc chứng tự kỷ, cũng sẽ được thừa kế một phần lớn trong tài sản để lại của cha họ. Charles quyết định bắt cóc anh mình và đòi phần tiền còn lại, nhưng rốt cuộc lại hiểu và yêu thương anh trai mình hơn.

D.KIM THOA

​Sự hiểu nhầm đang làm tổn thương cộng đồng người tự kỷ ​Sự hiểu nhầm đang làm tổn thương cộng đồng người tự kỷ

TTO - Sự hiểu nhầm, thiếu kiến thức của cộng đồng, xã hội đang vô tình làm tổn thương những người mắc chứng tự kỷ.

TRẦN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên