21/07/2022 09:59 GMT+7

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Hae Joon của Decision to leave, Phil Burbank của The Power of the Dog và Reynolds của Phantom Thread - cái kết chung cho những gã đàn ông này đều là sự hủy hoại không bao giờ gượng dậy được.

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình - Ảnh 1.

Hai diễn viên chính Thang Duy và Park Hae Il trong Decision to leave - bộ phim mang về cho đạo diễn Park Chan Wook giải "Đạo diễn xuất sắc" tại LHP Cannes 2022 - đang ra rạp Việt - Ảnh: IMDb

Thao túng trong tình yêu không hẳn là chủ đề xa lạ. Người ta vẫn đấu trí với nhau trong khi gieo lời yêu đương hằng ngày và còn đồ rằng có thể áp dụng các thuật hắc ám từ quyển Quân vương của Machiavelli để ứng vào tình cảm đôi lứa.

Trong điện ảnh, chuyện giành quyền kiểm soát đã trở thành thứ tình dục quyến rũ với sự ma mãnh là vũ khí và yếu đuối là mồi nhử.

Tình yêu - liều thuốc độc

Decision to leave (tựa Việt: Quyết tâm chia tay), tác phẩm mới nhất của đạo diễn Park Chan Wook, thay vì để hai cá thể quyện vào nhau mãnh liệt, chỉ mang lại kẻ thua - người bại trong cuộc ái tình.

Decision to Leave: Official Trailer

Viên thám tử Hae Joon đã trở thành nạn nhân từ khi anh bắt tay vào điều tra người phụ nữ Seo Rae sau khi chồng cô ta chết vì ngã xuống vách núi. Hae Joon đóng vai cảnh sát mẫn cán.

Nói vậy cũng e chưa phải, đối với y, không thú vui nào sánh bằng theo dõi nghi phạm và y sẽ mất ngủ nếu không được rình rập con mồi với chiếc ống nhòm cú vọ.

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình - Ảnh 3.

Decision to Leave

Ở một vụ án mà người vợ là đối tượng tình nghi duy nhất, Hae Joon đã không lỡ cơ hội để thể hiện sự kiểm soát, gã nuốt lấy ánh mắt của Seo Rae, đọc khẩu hình môi, xâm nhập tâm tưởng vào căn nhà người góa phụ, cốt chỉ để tìm bằng chứng ghép tội. Một gã "thợ săn" hoàn hảo mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) dạng nhẹ.

Có thể thấy những dạng thức nhân vật tương tự khi nhìn sang Phil Burbank trong The Power of the Dog. Phil là con sói già miền biên viễn thường thiến bò bằng tay, long đôi mắt hằn học lên những kẻ ẻo lả xung quanh và luôn ám ảnh với việc phải chứng minh tính đực của mình.

Hay Reynolds (phim Phantom Thread) cũng được xem như hình mẫu đàn ông đậm đặc tính đực. Nhà thiết kế thời trang này thích dùng im lặng làm bạo lực.

Mỗi buổi sáng, Reynolds dành nhiều thời gian để cạo mặt, chải những sợi tóc bạc, đi vớ vào đôi giày sờn, như cây bút bình luận phim Chuck Bowen nhìn nhận, những thói quen vụn vặt được lặp lại bằng "sự kính cẩn vừa mang tính nhân loại học vừa mang tính thủ dâm".

Để chuyển hóa những nhân vật trên, các nhà làm phim đã vay đến tình yêu - liều thuốc giải độc, hay nói đúng ra là liều thuốc độc mạnh hơn.

Phil Burbank rơi vào lưới tình của cậu trai đồng tính, Reynolds bị cô gái quê mùa chuốc nấm độc để rồi trở thành một kẻ yếu ớt. Và Hae Joon không còn là chính mình, vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, chỉ lối đưa đường cho thủ phạm sau khi vướng vào Seo Rae.

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình - Ảnh 4.

The Power of the Dog

Sự biệt ly hoang dại

Những phụ nữ như Seo Rae biết cách để mê hoặc kẻ mạnh. Cô hỏi chồng mình đã chết nhắm mắt hay mở mắt, đòi xem ảnh thi thể bê bết máu trực tiếp. Cô thọc tay vào túi áo trong của Hae Joon để lấy son dưỡng môi, rút soạt cây dù anh đang cắp trong tay và đốt những tấm ảnh chụp hiện trường vụ án.

Chúng là chuỗi hành động gợi dục được bọc khéo léo bên ngoài, ra vẻ như sự xâm phạm. Hae Joon, vốn tự hào vào bản năng trinh sát, đã đờ đẫn trước kỹ năng kiểm soát ranh mãnh này.

Những tính toán xảo quyệt của Seo Rae nhằm mục đích che đậy khéo léo vụ án mạng của chồng, không phải để yêu đương với một người đã có vợ.

Nhưng như nhà văn James Salter từng cay đắng: "Tình yêu là cái lò mà mọi thứ đều rơi vào đó". Park Chan Wook đã xây dựng một kẻ thao túng không hoàn hảo, chính bản thân Seo Rae lại lọt xuống hố sâu rực lửa do cô khơi dậy: "Giây phút anh nói yêu em, tình yêu nơi anh kết thúc, còn tình yêu của em mới bắt đầu...".

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình - Ảnh 5.

Decision to leave

Cái tài tình của đạo diễn trong Decision to leave là ở chỗ đã làm hai nhân vật tráo đổi vai trò liên tục để dẫn đến kết cuộc bi thương. Có người cho rằng Park ảnh hưởng từ phong cách làm phim của Hitchcock, nhưng thực tế, kết cấu bi kịch của ông lại gần giống Shakespeare.

Park Chan Wook không tiếc thương cho nhân vật, dù có hơi khuôn sáo, ông vẫn đẩy Hae Joon vào cảnh tận cùng khi cho vợ anh bỏ nhà đi với người tình. Và với Seo Rae, vị đạo diễn tạo ra một trong những sự biệt ly đẹp nhất, đau thương và hoang dại bậc nhất màn ảnh.

"Em muốn trở thành vụ án không bao giờ giải được, anh phải treo hình em lên tường và suy nghĩ về em mỗi đêm" - Seo Rae giã biệt. Cô quẫy đạp trong nỗ lực thao túng Hae Joon lần cuối. Để trở thành kẻ áp đặt luật chơi trong tình yêu, ta phải lạnh lùng, lý trí và đôi khi tàn ác. Seo Rae đã thất bại vì không muốn người mình yêu đánh mất bản chất, mục đích sống.

Kẻ mạnh chết bởi chữ tình - Ảnh 6.

Phantom Thread)

Reynolds (trong Phantom Thread) chấp nhận bị đánh thuốc để được trở nên mềm yếu và phù hợp với người tình nhưng Hae Joon thì không thể, anh và cô như Mặt trăng - Mặt trời, như giấc ngủ ngon so với đôi mắt mở trừng giữa đêm.

Những lời cuối của Seo Rae và đôi chân mải miết trên biển của Hae Joon chỉ trả cả hai về với vị trí vốn có của họ: một kẻ ranh mãnh trong tình yêu và một người dành cả đời để kiếm tìm.

Homer kể lại rằng, sau khi người anh hùng Odyssues chiến thắng tiếng hát ma mị của những tiên chim Siren thì cũng là lúc chúng lao mình xuống biển tự vẫn, để Odyssues là người cuối cùng nghe được âm thanh mê hoặc ấy, để Odyssues nhớ đến chúng tận vạn năm.

Điện ảnh Hàn Quốc ghi dấu ấn Điện ảnh Hàn Quốc ghi dấu ấn 'K-Cannes'

TTO - Điện ảnh Hàn Quốc lại có thêm hai giải thưởng quan trọng cho bộ sưu tập giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes: đạo diễn xuất sắc cho Park Chan-wook và nam chính xuất sắc dành cho Song Kang-ho.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên