05/12/2015 07:35 GMT+7

Kẻ thủ ác vụ xả súng California là Hồi giáo cực đoan

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều khả năng vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 2 người bị thương ở thành phố San Bernardino, bang California, là hành vi khủng bố.

Lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại hiện trường - Ảnh: Chathamdailynews
Lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ xả súng ở California - Ảnh: Chathamdailynews

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định nhiều khả năng vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 2 người bị thương ở thành phố San Bernardino, bang California, là hành vi khủng bố. Và hung thủ Syed Farook từng liên hệ với nghi can khủng bố.

Theo báo New York Times, đặc vụ FBI David Bowdich khẳng định số vũ khí khổng lồ mà hai vợ chồng hung thủ Syed Farook (28 tuổi) và Tashfeen Malik (27 tuổi) tàng trữ cho thấy chúng có âm mưu tấn công từ trước.

“Chúng tôi vẫn chưa rõ địa điểm xảy ra vụ bắn giết là mục tiêu ban đầu, hay đã có điều gì đó kích động hắn làm như vậy” - đặc vụ Bowdich nói.

Chúng bắn khoảng 65-75 viên đạn vào đám đông 80 người đang ăn tiệc Giáng sinh. Trong cuộc đối đầu với 23 sĩ quan cảnh sát sau đó, hai vợ chồng bắn thêm 76 viên đạn nữa. Kiểm tra chiếc xe Ford Experdition mà vợ chồng Farook sử dụng để tẩu thoát khỏi Trung tâm Inland, nhà chức trách phát hiện 1.400 viên đạn súng tiểu liên và 200 viên đạn súng ngắn.

Trong căn hộ của Farook ở thị trấn Redlands còn có hơn 5.000 viên đạn các loại và 12 quả bom ống, ngoài ra còn có cả vật liệu chế tạo bom.

“Bọn chúng vũ trang đến tận răng và có thể đã thực hiện một vụ tấn công khác nhưng đã bị chúng tôi ngăn chặn” - cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burgan, khẳng định.

FBI còn phát hiện bằng chứng cho thấy Farook liên hệ với một số thành viên Hồi giáo cực đoan cả ở Mỹ và nước ngoài vài năm trước đây, trong đó có năm cá nhân từng bị FBI điều tra vì hoạt động khủng bố.

Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Farook có liên hệ với một tổ chức khủng bố cụ thể, ví dụ như Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhà chức trách nghi ngờ khả năng Farook đi theo con đường cực đoan sau khi cưới Malik ở Saudi Arabia năm ngoái. Một nguồn tin cho biết khi cuộc tấn công xảy ra, trên Facebook Malik gửi thông điệp bày tỏ lòng trung thành với IS.

Tại căn hộ của Farook và Malik, cảnh sát tịch thu nhiều thiết bị điện tử, bao gồm một máy vi tính, vài chiếc điện thoại và ổ cứng.

Có hai chiếc điện thoại và một thiết bị bị đập bể, cho thấy có thể Farook cố tình phá hủy bằng chứng.

Chiếc điện thoại mà Malik cầm theo người hoàn toàn không có bất kỳ thông tin gì. Các chuyên gia FBI phát hiện một số dấu vết cho thấy ít nhất một ngày trước cuộc tấn công, Farook đã xóa các dữ liệu trên máy vi tính của hắn. Điều đó có nghĩa là hắn đã lên kế hoạch tấn công từ trước.

Theo Reuters, sau vụ tắm máu ở San Bernardino, nhiều tổ chức Hồi giáo tại Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại nguy cơ làn sóng phản đối đạo Hồi bùng lên ở Mỹ.

Tạp chí Foreign Policy dẫn lời một số chuyên gia chống khủng bố bình luận nhiều khả năng đây là ví dụ điển hình của trường hợp “sói cô độc” không quan hệ với khủng bố, nhưng “lấy cảm hứng” từ các tài liệu cực đoan trên mạng nên tấn công khủng bố.

“Đây là kiểu tấn công khó phát hiện và ngăn chặn nhất” - cựu bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ Michael Chertoff khẳng định.

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên