02/12/2019 10:17 GMT+7

Kết nối để cùng phát huy tri thức

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Trong số 5 giải nhất của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2019 có chuyện đôi bạn thân cách xa nhau nửa vòng Trái đất cùng nghiên cứu một đề tài, chuyện hai thầy trò cùng nhau nghiên cứu đề tài hữu ích cho ngay địa phương mình.

Kết nối để cùng phát huy tri thức - Ảnh 1.

Sinh viên Võ Nguyễn Đình Trí...

Hai câu chuyện trên thể hiện sự kết nối để cùng phát huy tri thức từ những người trẻ cho giáo dục nước nhà. Đây cũng được xem là điểm nhấn thành công cho chương trình, không chỉ ở năm 2019 mà còn ở 4 năm liên tiếp chương trình được tổ chức.

Cùng nhau nghiên cứu ở nửa vòng Trái đất

Một năm trước, Võ Nguyễn Đình Trí (Đà Nẵng) cùng cậu bạn thân Nguyễn Quang Đức bước vào "quá trình làm việc điên rồ" lên ý tưởng cho dự án "REBO với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường". 

Nói là "điên rồ" bởi thời điểm đó đang bước vào giai đoạn nước rút ôn thi cho kỳ thi THPT, mà tối đến cả hai cùng thức thâu đêm mày mò nghiên cứu sản phẩm.

Ba tháng sau, Đình Trí trúng tuyển vào Trường ĐH FPT Đà Nẵng, còn cậu bạn thân Quang Đức quyết định du học Canada. Cùng thời điểm đó, dự án REBO thử nghiệm thành công. 

"Chúng tôi cùng nhau xây dựng chuỗi dự án với mong muốn thay đổi phương thức dạy và học cho học sinh, giáo viên. Sản phẩm đầu tiên là sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường nhằm đo lường mức độ, sự thu hút với học sinh ra sao" - Đình Trí chia sẻ về dự án.

Biên soạn theo chuẩn kiến thức SGK của Bộ GD-ĐT, song điểm ấn tượng ở cuốn sách này là được trình bày theo hình thức infographics với sơ đồ tư duy, phương pháp ghi chú mới sketchnote với màu sắc ấn tượng, đồng thời áp dụng mô hình STEM vừa học vừa thực hành. 

Trí cho biết sách gồm 6 bài học, tổng cộng 3 chương, mỗi bài học tương ứng với 10 thẻ bài AR card. Thẻ bài này được thiết kế để hiển thị hình ảnh 3D khi sử dụng ứng dụng và có màu sắc tương ứng với bài học. Ngoài chức năng hiển thị hình ảnh đơn, học sinh có thể ghép các thẻ bài theo kiến thức để tạo thành hình ảnh 3D chuẩn.

"Nhiều tiết học hiện có chất lượng kém khi học sinh - giáo viên tương tác với nhau không hiệu quả. Chưa kể học sinh tập trung vào các môn toán học, vật lý, hóa học sẽ bỏ qua các môn khác như sinh học, lịch sử, địa lý... Chúng tôi cố gắng hết sức để thay đổi phương thức dạy và học, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ sách ứng dụng thực tế ảo tăng cường thay vì học nặng kiến thức từ SGK" - Trí chia sẻ về ý tưởng của đôi bạn. 

Sản phẩm đã được thử nghiệm ở nhiều lớp học với hơn 200 giáo viên, học sinh và nhận được những phản hồi tích cực.

Đôi bạn chia sẻ thời gian tới sẽ hướng đến phát triển thêm nhiều sản phẩm sách và công cụ dạy học tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường ở nhiều môn học khác nhau như địa lý, hóa học, vật lý, toán học... 

Ngoài ra, đôi bạn còn thiết kế hai công cụ hỗ trợ việc học gồm ứng dụng chatbox trên nền tảng Messenger hỗ trợ học sinh tự học tập, kiểm tra kiến thức và bộ công cụ kính hiển vi giấy foldscope cùng các tiêu bản động thực vật sưu tầm kèm theo để thực hành tại chỗ.

Kết nối để cùng phát huy tri thức - Ảnh 2.

Thầy giáo trẻ Văn Thành Đạt đã thuyết phục ban giám khảo vòng chung khảo bằng những đề tài mang tính mới và có tính ứng dụng cao - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Thầy trò người Kinh sáng tạo từ điển M’Nông - tiếng Việt

Từ Đắk Nông, thầy giáo Văn Thành Đạt (Trường THPT Đắk Glong) cùng cậu học trò Nguyễn Văn Nam đã cùng nhau sáng tạo ra "Bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt trên điện thoại hệ điều thành Android".

Cả hai thầy trò đều là người Kinh, qua quá trình tiếp xúc với đồng bào M’Nông, điều thầy trò trăn trở là nếu việc dạy chữ dân tộc bị mai một, con em M’Nông sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng dân tộc mình. Do đó, thầy trò cùng nhau lên ý tưởng gìn giữ tiếng nói của đồng bào M’Nông, thu thập dữ liệu tiếng M’Nông đảm bảo nguồn từ vựng chính xác.

"Từ những lợi ích mà công nghệ đem lại, thầy trò chúng tôi sáng chế sản phẩm tiện ích, góp phần nhỏ trong việc gìn giữ tiếng nói của đồng bào M’Nông" - thầy Đạt chia sẻ ý tưởng ban đầu. Anh cho biết trong quá trình nghiên cứu, nội dung tra cứu từ tiếng Việt qua tiếng M’Nông đã hoàn thiện, nhưng khi tra cứu ngược lại từ tiếng M’Nông qua tiếng Việt hoặc thêm từ thì không thể thực hiện.

"Chúng tôi suy nghĩ về công cụ hỗ trợ cho phép người dùng gõ được các ký tự đặc biệt của tiếng M’Nông ứng dụng trên điện thoại" - thầy giáo miền cao nguyên chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, hai thầy trò sáng chế ra "bàn phím M’Nông" cho phép gõ các ký tự phổ biến, ngoài ra gõ được 12 ký tự đặc biệt trong ngôn ngữ M’Nông. 

Thầy Đạt cho biết toàn bộ cơ sở dữ liệu của bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt được nhập thủ công hoàn toàn với hơn 13.000 từ được kiểm định các mục từ, ngữ pháp chính xác, đảm bảo tính khoa học.

Năm 2018, bộ từ điển hoàn thiện và được ứng dụng thử nghiệm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Nông. Thầy Đạt chia sẻ ưu điểm của công trình này là tiện lợi, dễ sử dụng, đặc biệt được sử dụng ở trạng thái offline phù hợp với bà con M'Nông trong việc tra cứu ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi.

Khó nhất là vốn từ, cả hai thầy trò đã đến từng trung tâm văn hóa, nhờ chuyên gia, thầy cô và nhờ chính đồng bào M’Nông góp ý để hoàn thiện sản phẩm. "Hoàn thiện sản phẩm rồi, chúng tôi giới thiệu ngược lại cho đồng bào sử dụng, có như thế họ mới góp ý được cho chúng tôi đúng - sai ở đâu" - thầy giáo Đạt chia sẻ.

Thầy Đạt cho biết không gì vui sướng hơn khi nỗ lực của hai thầy trò được xã hội ghi nhận. Điều thầy mong muốn là các bạn trẻ tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa sản phẩm ở địa phương, qua đó bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đồng hành suốt 4 chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục, ông Nguyễn Quân - nguyên bộ trưởng Bộ KH-CN, thành viên ban giám khảo - nhận xét công trình "REBO với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" và "Bộ từ điển tiếng Việt - M’Nông, M’Nông - tiếng Việt trên điện thoại hệ điều thành Android" là các công trình có đầu tư công phu, ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến.

Với công trình sách sinh học, nhóm tác giả chú trọng vào môn học ít học sinh quan tâm để thay đổi phương pháp dạy và học là rất tốt. Với phần mềm từ điển tiếng Việt - M’Nông, ông Quân gợi ý nếu nghiên cứu bổ sung ứng dụng nhận diện giọng nói trên điện thoại thông minh, tra cứu bằng giọng nói sẽ thuận tiện hơn nữa.

Chương trình đang đi đúng hướng

Đây là chia sẻ của ông TRỊNH VĂN HÀO - giám đốc marketing Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, đơn vị đã đồng hành cùng chương trình liên tục suốt 4 năm qua (2016-2019).

1dt_4303 3(read-only)

Tổng kết chương trình sau 4 năm, ông Hào cho biết: "Tôi nghĩ là chương trình đã "bội thu" khi số lượng các công trình đều tăng qua từng năm. Năm 2016, chương trình tiếp nhận 267 công trình thì đến năm 2019 đã tăng hơn gấp đôi với 539 công trình.

Số công trình này đến từ nhiều thành phần, nhưng phải nhấn mạnh là đều đến từ những người trẻ - theo tiêu chí của chương trình - từ khắp các tỉnh thành và từ các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài. Trong đó, nhiều em học sinh chỉ mới học lớp 5 cũng tự tin đưa ra sáng kiến hay cho giáo dục.

Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên chương trình tìm thấy 5 tác phẩm đoạt giải xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, điều đáng ghi nhận là ngày càng có rất nhiều trí thức trẻ đã biết tận dụng tối đa tiềm lực nền tảng công nghệ vào trong các sáng kiến, đây là tín hiệu rất tốt và phù hợp xu hướng hiện nay".

* Cụ thể sự phù hợp này là như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói, kết quả lớn nhất mà chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" làm được là hỗ trợ nhiều công trình ứng dụng vào thực tế giảng dạy.

Có thể kể đến những công trình như sách giáo dục giới tính của cô Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre), hỗ trợ sản xuất sản phẩm đối với công trình "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống" của nhóm tác giả Dương Thị Thu Hà (Hà Nội)...

Tới thời điểm này, chúng tôi thấy rằng chương trình đang đi đúng hướng vì không chỉ khơi gợi tinh thần đóng góp cho giáo dục của người trẻ mà còn hỗ trợ đưa các công trình vào việc ứng dụng thực tế.

* Trở lại chương trình năm 2019, có rất nhiều ý tưởng táo bạo từ những tác giả còn rất trẻ, điều đó khẳng định điều gì?

- Thứ nhất, những người trẻ có sức sáng tạo dồi dào với khát khao lớn đóng góp cho ngành giáo dục. Thứ hai, với lợi thế trẻ tuổi và khả năng nắm bắt công nghệ nhanh, các bạn trẻ biết vận dụng linh hoạt các xu hướng công nghệ mới để vừa tăng phạm vi tiếp cận người học vừa tạo ra nhiều giá trị cho người học.

Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều trí thức trẻ đặt tâm huyết của mình vào các công trình đổi mới giáo dục cho các học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số; cải thiện chất lượng giáo dục cho các em nhỏ gặp nhiều hoàn cảnh thiệt thòi. Với chúng tôi, những sáng kiến, đóng góp đó thực sự rất đáng trân trọng.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể khẳng định rằng "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã đặt đúng niềm tin vào sức mạnh của những người trẻ và tạo một sân chơi để họ kết nối và phát huy hết các thế mạnh của mình, mang lại những giá trị mới cho ngành giáo dục.

* Được biết Tập đoàn Thiên Long đã đóng góp rất nhiều công sức cho chương trình suốt 4 năm qua, điều mà Thiên Long được nhận lại là gì?

- Điều lớn nhất chúng tôi nhận được là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều công trình, ý tưởng được ứng dụng vào thực tế, mang lại giá trị mới cho người học nói riêng và giáo dục nói chung. Và khi đồng hành cùng chương trình này, Thiên Long có cơ hội tiếp tục làm những điều tốt cho xã hội và cổ vũ tinh thần "Sức mạnh tri thức".

Chúng tôi cũng mong muốn rằng sẽ luôn có nhiều nguồn lực xã hội khác chung tay đồng hành hỗ trợ để mang các công trình, ý tưởng hay cho giáo dục ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy. (PHÚC NGUYÊN thực hiện)

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Chương trình dành cho các tác giả trẻ người Việt trong và ngoài nước, không quá 35 tuổi, có nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục, có tính mới và có tính khả thi.

Sau 4 năm tổ chức, đã có 15 công trình đoạt giải nhất kèm tiền thưởng 100 triệu đồng/giải để phát triển công trình và hàng chục giải thưởng cho các công trình lọt vào vòng chung khảo.

Thiên Long - Không chỉ là tuổi thơ Thiên Long - Không chỉ là tuổi thơ 'cắp sách tới trường'

Chở cô con gái nhỏ vào nhà sách để sắm sửa đồ dùng học tập cho năm học mới đầu tiên của bé, chị Thùy Dương nhanh chóng nhận ra hình ảnh nhãn hiệu Thiên Long quen thuộc trên bảng hiệu lớn ngay quầy văn phòng phẩm.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên