08/05/2015 11:38 GMT+7

Phun nước miếng khi chạy xe: đẩy mạnh giáo dục ý thức

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Khó mà xử phạt những thảm họa ý thức ngoài đường như phun nước miếng, hất tàn thuốc..., nhưng nếu tăng cường giáo dục ý thức, tuyên truyền vận động thì mới xây dựng được lối sống văn minh.

Tranh minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Đó là ý kiến chia sẻ của nhiều bạn đọc xoay quanh câu chuyện đi đường bỗng dưng lãnh một bãi nước miếng hoặc dính phải tàn thuốc lá, bịch rác...

Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:

- Đang đi trên đường bất ngờ bị cả bãi nước miếng của người đi trước phun thẳng vào mặt không phải là chuyện hiếm. Đây là hành động vừa mất vệ sinh, vừa gieo rắc mầm bệnh cho cộng đồng. Nhiều người bất bình đề nghị bổ sung vào luật để xử phạt. Liệu đây có phải là cách để hạn chế tình trạng này xảy ra?

Chúng ta đã có biết bao quy định được đưa vào luật để xử phạt người vi phạm như cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm đi tiêu, đi tiểu bừa bãi, cấm xả rác không đúng nơi quy định, cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông… Mặc dù  quy định đã nêu rõ, có mức xử phạt hẳn hoi nhưng xem ra “quy định cho vui chứ đã mấy ai bị phạt”!

Vì thế, việc hút thuốc nơi công cộng thường diễn ra công khai trong các công sở, trường học, bệnh viện và rất nhiều trên đường. Không biết từ khi ban hành luật cấm hút thuốc nơi công cộng đã phạt được bao nhiêu người mà tình trạng này đâu có thuyên giảm.

Hằng ngày đi trên đường chúng ta thấy đầy những hình ảnh người đi đường thoải mái đứng phóng uế sau những gốc cây, những bức tường mà thấy ai đến phạt?

Ở những vùng đô thị còn thưa nhà ở, nhiều khi cả xe khách đậu xuống ven đường, thế là người ta tự do tiểu tiện nhưng nào thấy ai tới bắt, xử phạt đâu.

Đến việc cấm uống rượu bia khi đi đường cũng thi thoảng mới bị phạt chứ hằng ngày ở các tiệc cưới, các quán nhậu, nhiều người say khật khừ vẫn vô tư lên xe chạy vù vù trên đường, chỉ ai “xui lắm” mới bị công an “sờ gáy”.

Nói thế để thấy những việc hiện hữu khắp nơi, đã có quy định nhưng cũng khó thi hành chứ nói gì đến việc phun nước miếng chỉ xảy ra chớp nhoáng trong vòng vài giây. Trong dòng người đang đi hối hả trên đường như thế, người lãnh trọn bãi nước miếng phun ra chắc hẳn còn chưa kịp hoàn hồn thì người gieo họa đã “cao chạy xa bay” mất rồi.

Vậy ai có thể bắt họ để xử phạt?

Thay vì đưa vào luật xử phạt để cho có như một số quy định khác, cách đem lại hiệu quả thiết thực nhất là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi bằng mọi hình thức để nâng cao ý thức của người dân.

Các trường học cần chú trọng chuyện này để giáo dục học sinh ngay từ khi còn nhỏ…

Làm tốt điều này sẽ góp phần hạn chế những hình ảnh không đẹp đang hiện hữu khắp nơi.

PHAN TUYẾT

- Phạt ai? Ai phạt? Nơi tôi ở là Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng du lịch, mọi ngày lễ, tết... xe khách đi qua, những bịch nilông khách ói mửa vì say xe, "rác" ăn uống trên xe cùng vỏ nhựa chai nước uống xong họ "vô tư" ném xuống đường, rơi cả vào mặt người đi xe trên đường! Chỉ biết chịu đựng thôi.      

Năm An Nhứt

- Phạt chỉ là phần ngọn. Được dạy dỗ từ ông bà, cha mẹ, từ nhà trường để hình thành nhân cách chuẩn mực mới là gốc.      

Quan Tâm 

- Xử phạt được không? Đó mới là vấn đề. Và xử phạt có dẹp được thảm họa ý thức này không? Sao không đề cập đến trách nhiệm của giáo dục, của cộng đồng?      

Phương Oanh

- Phải treo nhiều băngrôn dọc đường để nhiều người nhớ mà nhịn và nhất là nên đưa vào các cơ quan trường học để nhắc nhở, vì đi đường tôi thấy nhiều trường hợp xảy ra ở những người ăn mặc lịch sự nhưng vẫn thiếu ý thức.      

Phong 

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên