01/09/2019 09:55 GMT+7

Khai giảng, xin đừng bắt học trò lớp 1 đọc 'vẹt' bài phát biểu

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - 'Các con mới vô lớp 1, còn chưa biết đọc, chưa biết viết mà bắt học vẹt bài phát biểu khai giảng rồi lên sân khấu đọc to cho cả trường nghe thì rất tội', một hiệu trưởng ở TP.HCM chia sẻ.

Khai giảng, xin đừng bắt học trò lớp 1 đọc vẹt bài phát biểu - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) tham gia trò chơi và cổ động bạn bè trong ngày khai giảng năm học 2018-2019 - Ảnh: N.HÙNG

Tuần qua, Tuổi Trẻ đã đăng tải một số ý kiến của nhà giáo, phụ huynh về những lễ khai giảng buồn tẻ, học sinh không phải là trung tâm. Trước ngày khai giảng, Tuổi Trẻ ghi nhận được một số câu chuyện hứa hẹn về lễ khai giảng thực sự sẽ là một “ngày hội đến trường”.

"Khi đã xác định "nhân vật trung tâm" thì buổi lễ không nên có những tiết mục khiến học sinh mất vui" - bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, TP.HCM, cho biết.

Vì thế, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận 3 sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học 2019-2020 không quá 60 phút, chương trình văn nghệ không quá 3 tiết mục, hiệu trưởng không báo cáo thành tích, lãnh đạo các cấp tới dự không phát biểu...

Hình thức và sáo rỗng

Theo nhiều hiệu trưởng trường tiểu học ở TP.HCM, lứa tuổi học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 không thể tập trung trong một thời gian quá lâu. Nếu lễ khai giảng quá lê thê thì các em sẽ chán, quay ra nói chuyện riêng sẽ dẫn tới ồn ào, mất đi sự trang trọng vốn có.

"Kế hoạch buổi lễ khai giảng ở trường tôi được xây dựng theo phương châm nhanh và gọn. Điểm nhấn chính là nghi thức đón học sinh lớp 1, các anh chị khối lớp 2, 3, 4, 5 sẽ vỗ tay đón chào, mỗi em sẽ được tặng 1 con gấu bông. Sau đó, từng lớp sẽ bước lên sân khấu trình diện và cùng chụp hình.

Tôi sẽ phát biểu trong 2-3 phút chào mừng các học sinh, chào mừng năm học mới chứ không đọc diễn văn báo cáo tỉ lệ lên lớp hay tỉ lệ học sinh xuất sắc" - ông Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM, thông tin.

Ông Dũng chia sẻ: "Nhà trường đầu tư nhiều cho phần "hội" với mong muốn học sinh của mình sẽ có một ngày vui đáng nhớ. Ngoài khu vực trò chơi dân gian, trò chơi vận động thì học sinh có thể ra khu thư viện xanh để đọc sách hoặc ngồi tại sảnh để xem phim giáo dục kỹ năng sống".

Tương tự, ở Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, hiệu trưởng Từ Quốc Tuấn cho hay: "Nhiều năm nay, trường chúng tôi tổ chức lễ khai giảng rất gọn, duy nhất 1 tiết mục phát biểu của hiệu trưởng cũng chỉ có vài câu xoay quanh các nội dung: chào mừng năm học mới, dặn dò học sinh về thái độ, tác phong học tập, rèn luyện...".

Không những không có tiết mục lãnh đạo, phụ huynh phát biểu mà ngay cả việc cho học sinh phát biểu trong lễ khai giảng, Trường Lương Định Của cũng không thực hiện từ nhiều năm nay.

"Tiết mục này rất hình thức và... sáo rỗng. Các con mới vô lớp 1, còn chưa biết đọc, chưa biết viết mà bắt học vẹt bài phát biểu rồi lên sân khấu đọc to cho cả trường nghe thì rất tội" - ông Tuấn nói.

Những lễ khai giảng "không bóng bay"

Lá thư của Nguyệt Linh, một học sinh vừa bước vào lớp 6 Trường Marie Curie Hà Nội, gửi cho 40 trường phổ thông vào cuối tháng 7-2019 đã khiến nhiều người xúc động. Và cũng từ đây, thông điệp chung tay bảo vệ môi trường đã trở thành thông điệp đang được nhiều nhà trường quan tâm và có các cách khác nhau để tạo sự lan tỏa đến học sinh trong lễ khai giảng năm học mới - sẽ diễn ra ngày 5-9.

Sở GD-ĐT Hà Nội trong thông báo thực hiện lễ khai giảng năm học mới cũng khích lệ các nhà trường tổ chức các hoạt động ý nghĩa mang thông điệp cùng hành động bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội - cho biết trường sẽ tổ chức lễ khai giảng mang tên Nguyệt Linh, nội dung được xây dựng với thông điệp chung tay bảo vệ môi trường nên không có các chùm bóng bay, các tiết mục được chuẩn bị trình diễn tại "ngày hội đến trường" cũng mang ý nghĩa giữ gìn môi trường, trong đó có những tiết mục do Nguyệt Linh tham gia chính.

Hưởng ứng lễ khai giảng "không bóng bay", lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng cho biết sẽ không còn màn thầy trò thả bóng bay ghi lời ước lên trời xanh như mọi năm. Thay vào đó, học sinh các lớp sẽ viết điều ước để dán lên một tờ giấy khổ lớn.

"Không có quy định cứng nhắc, học sinh mỗi lớp sẽ có ý tưởng sáng tạo khác nhau để thực hiện phần "viết lời ước" nhân dịp đầu năm" - cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Nhiều trường học ở Hà Nội cho biết sẽ "không thả bóng bay" trong lễ khai giảng. Thay cho phần "thả bóng bay", các trường có các màn nhảy flashmod, hoạt động tập thể của thầy, trò cùng nhau làm cây điều ước.

Hiệu trưởng một số trường tiểu học ở Hà Nội cho biết đã triệt để sử dụng vật liệu trang trí bằng gỗ, giấy, không dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Phụ huynh học sinh các lớp tiểu học, mầm non được nhắc nhở không mua bóng bay cho con mang đến trường ngày khai giảng. Trong các phần chào học sinh mới ở trường tiểu học, THCS, học sinh sẽ thay bóng bay bằng cờ và hoa giấy để cầm trên tay đi qua lễ đài.

Các sở GD-ĐT Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... cũng đã có hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng năm học mới năm nay. Trong đó đều đề nghị các nhà trường chú ý đến thông điệp bảo vệ môi trường bằng những quy định chi tiết, cụ thể.

Phần đón học sinh mới được các sở GD-ĐT yêu cầu trang trọng nhưng ấm áp, tình cảm nhằm mang đến cảm xúc, ấn tượng đẹp.

Hát Quốc ca không dùng loa đài

Trong văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội gửi các nhà trường nêu nghiêm cấm việc "khai giảng thử". Hầu hết các sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường chú trọng phần chào cờ, hát Quốc ca; có nơi còn đề nghị nhà trường không dùng loa đài phát bài hát thu sẵn mà để học sinh hát Quốc ca trực tiếp.

Trông chờ... hiệu trưởng

Tuy chỉ đạo năm nay cụ thể và rốt ráo nhưng những "lưu ý" trên của cơ quan quản lý cấp cao vẫn khó thực hiện triệt để do những suy nghĩ, quan niệm ăn sâu đối với những người làm công tác quản lý giáo dục các cấp, nhất là các hiệu trưởng. Tại Hà Nội vẫn có nhiều trường học yêu cầu học sinh "tập khai giảng", nhất là những học sinh đầu cấp.

Năm nay, một số sở GD-ĐT đưa ra các yêu cầu như hạn chế việc đọc diễn văn quá dài, giới thiệu đại biểu hoặc mời nhiều đại biểu phát biểu trong lễ khai giảng. Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế còn yêu cầu bài diễn văn của hiệu trưởng không dài quá một trang A4.

Nhiều trường dành phần "đánh trống khai trường" cho các đại biểu về dự, trong khi lẽ ra đó là việc làm thiêng liêng mà người đứng đầu nhà trường nên làm để ghi dấu vào tâm trí mỗi học sinh trong ngày khai trường.

Lễ khai giảng đón ai, sao tuần nào cũng bắt học sinh tập... khai giảng (!?) Lễ khai giảng đón ai, sao tuần nào cũng bắt học sinh tập... khai giảng (!?)

TTO - Bốn tuần qua, tuần nào con tôi và các bạn cũng có buổi tập khai giảng năm học mới ngoài sân trường. Các con phải làm theo mệnh lệnh cô: Đứng lên - ngồi xuống, đưa tay trái - phải lên, và vỗ tay sau khi cô đọc 'chào mừng các đại biểu'...

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên