14/01/2017 11:00 GMT+7

Khi tài năng gặp gỡ tấm lòng

T.PHÚC - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
T.PHÚC - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Tấm lòng của nhiều mạnh thường quân đã giúp những đứa trẻ con nhà nghèo bước vào những thành công đầu tiên với môn thể thao thượng lưu: quần vợt...

Phương và HLV Marcus Akerstrom. Ảnh: T.P

Có thể kể ra một số tay vợt tài năng trẻ như Nguyễn Văn Phương, Trần Minh Hiếu (Becamex Bình Dương) hay Võ Hoàng Hùng (TP.HCM) - những cậu bé mà cách đây vài năm tưởng chừng cuộc đời không bao giờ đủ tiền mua nổi một quả bóng quần vợt.

Cây vợt đầu đời

Với Nguyễn Văn Phương - tay vợt chuẩn bị bước sang tuổi 16 nhưng đã vào đến bán kết đơn nam và vô địch đôi nam (cùng Lý Hoàng Nam) Giải vô địch quốc gia năm 2016, sự nghiệp cầm vợt của em chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích. Cha của Phương - ông Nguyễn Văn Long - làm nghề đầu bếp, quê ở Bắc Giang vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhưng bao mồ hôi nước mắt của ông Long cùng vợ cũng chỉ vừa đủ để lo ăn học cho hai con (Phương có một chị gái). Hoàn cảnh khó khăn đến mức đã gần 14 năm không thể một lần đưa gia đình về quê ăn tết, ông Long chưa từng có suy nghĩ sẽ có một ngày phải đóng tiền cho cậu con trai đi chơi thể thao.

Nhưng rồi niềm đam mê vẫn đến với Phương một cách rất tự nhiên. Nơi cha mẹ làm việc gần với một sân quần vợt ở quận Tân Bình, và thế là cậu bé Phương khi đó mới 6 tuổi hằng đêm lại lặng lẽ ra sân xem mọi người chơi bóng. Nhận thấy cậu bé gầy gò, lủi thủi một mình nhưng ánh mắt không rời khỏi quả bóng, ông Bảo Chấn - một người thường đến đây tập luyện - bắt chuyện rồi mua tặng Phương một cây vợt. Và đó chính là cây vợt đầu đời của tay vợt tài năng trẻ được kỳ vọng sẽ nối bước Lý Hoàng Nam này.

Không chỉ cho Phương cây vợt, ông Chấn còn dẫn cậu bé ra sân thử vài đường banh. Nhận thấy cậu nhóc có năng khiếu lẫn đam mê rất lớn, vị mạnh thường quân này đến nhà thuyết phục cha mẹ Phương đăng ký một khóa học quần vợt ở TP.HCM. Sau hơn 2 năm tập luyện, Phương lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên của Becamex Bình Dương. Thế rồi cậu bé nhỏ người nhưng có một nghị lực và đam mê to lớn này chính thức bước vào con đường quần vợt chuyên nghiệp.

Giống như người đàn anh, cậu nhóc 11 tuổi Trần Minh Hiếu trong đội Becamex Bình Dương cũng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Người giúp đỡ, đưa Hiếu vào con đường thể thao là cậu của em - anh Giang Thanh Huy, một HLV quần vợt. Thấy Hiếu rất thích thú khi xem quần vợt, anh Huy dẫn cháu đi tập một thời gian trước khi giới thiệu Hiếu lên đội Becamex Bình Dương.

Nhưng nếu Phương và Hiếu còn được cha mẹ lo cho ăn học đầy đủ, cuộc đời tay vợt Võ Hoàng Hùng của TP.HCM có lẽ chẳng có chút điểm sáng nào nếu Hùng không tình cờ đến với con đường quần vợt. Thiếu mái ấm gia đình, Hoàng Hùng hoàn toàn mù chữ và ngày qua ngày dấn thân vào tương lai mờ mịt. Nhưng phép mầu đã đưa lối dẫn đường cho Hoàng Hùng tìm đến tổ chức dạy quần vợt từ thiện Hope Tennis Charity hơn 4 năm trước.

Xuất phát điểm khá muộn nên Võ Hoàng Hùng gần như vô danh trong làng quần vợt VN trước khi bất ngờ chói sáng giành HCB Giải quần vợt U-14 châu Á nhóm II - 2015 tại CLB quần vợt Phú Thọ (TP.HCM) năm 2015. Và năm 2016, Hoàng Hùng bước lên ngôi vô địch lứa tuổi U-16 toàn quốc.

Đằng sau nỗ lực vươn lên

Ý chí, nghị lực và đam mê phi thường đã giúp các tay vợt xuất thân hoàn cảnh khó khăn theo đuổi con đường tưởng chừng không thể. Nhưng đằng sau thành công phần nào đó của các tay vợt trẻ, không thể không nhắc đến tấm lòng của các mạnh thường quân. Hoàng Hùng được cô Tricia Lee Iverson (một VĐV cấp quốc gia của Mỹ nhưng phải giã từ sự nghiệp sớm vì chấn thương) nhận làm con nuôi và tận tình dạy quần vợt.

Trong khi đó, ông Long - cha của Phương - gửi lời cảm ơn đến vị ân nhân của con mình: “Nếu không có anh Chấn, gia đình tôi chắc chắn không thể nào lo cho Phương đi tập quần vợt những năm đầu đời được, và cháu chắc chắn không có được ngày hôm nay”. Không chỉ dẫn dắt Phương bước vào đam mê quần vợt, ông Chấn khi biết hoàn cảnh gia đình cậu bé quá khó khăn đã quyết định đóng luôn cho em khoản học phí nửa năm đầu ở TP.HCM, trước khi em được ưu ái miễn luôn học phí. Sau này, tay vợt phong trào tuổi trung niên này còn nhận Phương làm con nuôi để tiện bề hỗ trợ nhiều hơn cho em.

Mang ân tình lớn như vậy với Phương nhưng khi chúng tôi tìm gặp, ông Chấn lại rất khiêm tốn, luôn hạn chế nhắc đến việc giúp đỡ cậu con nuôi. “Khi nhìn thấy ánh mắt của Phương dõi theo từng đường bóng ngày qua ngày, tôi biết đam mê của cháu rất lớn. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao để cháu thỏa mãn được một chút đam mê thôi, dần dà tôi mới thấy Phương có năng khiếu. Tôi muốn nhắn nhủ với Phương một điều, con phải luôn ghi nhớ công sức của cha mẹ - những người oằn lưng lo cho con từng bữa ăn đủ chuẩn VĐV chuyên nghiệp dù gia cảnh chẳng sung túc gì” - ông Chấn tâm sự.

Thực sự, dù nhận được một số sự giúp đỡ, gia đình ông Long cũng phải rất vất vả mới có thể lo cho cậu con trai đi theo con đường quần vợt - môn thể thao mà mỗi một cây vợt, đôi giày cũng tốn vài triệu bạc. “Những năm đầu, gia đình tôi dành ra 3 triệu đồng mỗi tháng để lo cho Phương. Nhưng có giai đoạn khó khăn, tôi đành cho con ăn được nhiều chừng nào thì hay chừng đó chứ cũng không biết tính sao. Đồ dùng tập luyện, quần áo thì có là tốt rồi” - ông tâm sự.

Dù khó khăn đến vậy nhưng nghề đầu bếp cũng giúp ông Long lo cho con trai mình dinh dưỡng đầy đủ, không đến nỗi thua thiệt so với các tay vợt đồng trang lứa. Mỗi bữa ăn của Phương gồm 1-2 lạng thịt bò, rau củ, trái cây, sữa đều đầy đủ. Thêm vào đó, thừa hưởng di truyền từ cha mình (ông Long cao hơn 1,80m) nên Phương cũng có thể hình tương đối tốt.

Sau nhiều năm tháng khó khăn, tay vợt sắp bước vào tuổi 16 này cũng đã bắt đầu san sẻ được phần nào gánh nặng cho gia đình. Có một mức lương kha khá ở Becamex Bình Dương, Phương lãnh được đồng nào đều đưa hết cho cha mẹ quản lý. Trong những dịp “xả trại” rảnh rỗi, Phương cũng về nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán quán ăn.

Tương lai ở phía trước

Nếu Minh Hiếu vẫn còn quá nhỏ để có thể nhìn nhận tiềm năng thì cả Phương và Hùng đều được các HLV của mình đánh giá rất cao. Ông Marcus Akerstrom - HLV người Thụy Điển của đội Bình Dương - nhận xét: “Phương có một ý chí tập luyện rất tốt, đó là điều mà tôi đánh giá cao ở cậu ấy bên cạnh những điểm mạnh về chuyên môn như cú trái tay mạnh, sự nhanh nhẹn...”.

Trong khi đó, HLV Giang Diệu Hải nhận xét về Hoàng Hùng: “Hoàng Hùng có thể hình khá tốt (cao 1,76m, nặng 64kg), sở hữu cú thuận tay rất nặng và thi đấu “lì lợm” bởi ý chí mãnh liệt. Hùng không bao giờ bỏ cuộc khi bóng vẫn chưa ngừng lăn. Đây là giai đoạn khó khăn cho Hùng vì em phải giảm khối lượng tập luyện để trị bệnh. Dù vậy, Hùng không bỏ tập dù bệnh vì quyết tâm khoác áo U-16 VN dự Davis Cup trẻ đầu năm 2017”.

T.PHÚC - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên