02/03/2024 13:49 GMT+7

Khi thị trường chứng khoán khoác 'áo mới'

Muốn thị trường chứng khoán VN được nâng hạng theo như lộ trình năm 2025, các cơ quan quản lý cần gỡ vướng về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài..., theo tiêu chí phân hạng của FTSE Russell.

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ đón dòng vốn lớn sau nâng hạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ đón dòng vốn lớn sau nâng hạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để xử lý các vướng mắc nêu trên, đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn nhằm tăng thêm nhiều hàng hóa mới và chất lượng hơn cho thị trường.

Bởi nếu chứng khoán VN có được nâng hạng, nhưng thị trường không đa dạng hàng hóa chất lượng thì cũng không thể hấp dẫn các dòng vốn ngoại.

Nhiều giải pháp thay thế việc ký quỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Sỹ Hòa, giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE, cho biết theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư ngoại bắt buộc chuyển 100% tiền vào VN trước khi đặt lệnh mua chứng khoán.

Quy định phải ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) góp phần giúp quản lý rủi ro thanh toán nhưng là trở ngại lớn với nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng quy định này đã làm chậm tốc độ quay vòng vốn, giảm chi phí cơ hội vốn, ảnh hưởng đến tính thanh khoản.

Đây cũng được xem là yếu tố cốt lõi theo bộ tiêu chí đánh giá của FTSE Russell - một tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế...

Do đó theo ông Hòa, có thể để công ty chứng khoán tự chủ vấn đề ký quỹ dựa trên mức độ uy tín của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của công ty chứng khoán.

"Để giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, chúng ta cần có quy trình phối hợp giữa tổng công ty lưu ký, ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán và khách hàng, để trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán, công ty chứng khoán có thể chủ động xử lý nhằm hạn chế rủi ro cho công ty chứng khoán và thị trường", ông Hòa đề xuất.

Ông Trương Hiền Phương - giám đốc Chứng khoán KIS VN - cho biết với đặc điểm giao dịch không hủy ngang, chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp chính là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch.

Tuy nhiên, tài sản đảm bảo là cổ phiếu sẽ rủi ro cao hơn với việc giảm giá, thậm chí mất thanh khoản.

Do đó, thay vì bắt buộc ký quỹ 100%, ông Phương đề nghị có thể hạ tỉ lệ về 30%. Trong trường hợp tại ngày T+2, nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ, tài sản đảm bảo sẽ được xử lý để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.

"Lúc đó, với mức giảm tối đa khoảng 20% sau hai ngày (giảm sàn), dù cổ phiếu đó có lỗ, các công ty chứng khoán khi bán ra cũng không thiệt hại", ông Phương nói.

Nhưng về lâu dài, theo ông Phương, cần sớm triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) nhằm loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi giao dịch.

Tuy nhiên, cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP đang được xây dựng gắn với KRX, trong khi hệ thống này vẫn chưa đi vào hoạt động. Cần sớm đưa vào hoạt động hệ thống này.

"Việc đưa vào hệ thống giao dịch mới còn đảm bảo hơn về thời gian thanh toán và rủi ro thanh khoản", ông Phương nói. Vừa qua, các công ty chứng khoán cho biết đang gấp rút triển khai và kiểm thử hệ thống công nghệ giao dịch mới.

Trong khi tại họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 2-2024, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định việc đề xuất nới điều kiện ký quỹ với nhà đầu tư trước khi giao dịch.

Sắp sửa nhiều quy định để tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán - Ảnh: B.KHÁNH

Sắp sửa nhiều quy định để tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán - Ảnh: B.KHÁNH

Nên mở room cho khối ngoại với nhiều lĩnh vực

Ngoài yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đang là vấn đề cần được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu để được nâng hạng thị trường.

Theo ông Trương Hiền Phương, một số thị trường trên thế giới hiện nay đã áp dụng mô hình "Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết" (NVDR).

"Đây là giải pháp quan trọng để vừa mở cửa cho nhà đầu tư vừa hạn chế rủi ro", ông Phương nói và cho biết có nhiều lĩnh vực đang giới hạn "room" nước ngoài không quá 50%.

Với chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết, nhà đầu tư hưởng cổ tức, chia thưởng, hưởng chênh lệch giá đơn thuần nhưng không thể chi phối, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm.

Ông Phùng Xuân Minh - chủ tịch Sài Gòn Ratings - cũng đề xuất từng bước mở rộng tỉ lệ sở hữu nước ngoài với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự liên quan đến an ninh quốc gia.

Ngay cả một số lĩnh vực nhạy cảm như tài chính ngân hàng vẫn có thể xây dựng giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho từng đối tượng cụ thể, tránh cào bằng.

Chẳng hạn có thể mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao. Với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, chưa nên điều chỉnh tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ.

Theo ông Trần Đức Anh - giám đốc Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp niêm yết nằm ngoài danh sách lĩnh vực có điều kiện được chủ động đề xuất nâng "room" khối lên 100%.

Nhưng trong thực tế, số doanh nghiệp muốn nâng lên đếm trên đầu ngón tay vì lo ngại bị "thâu tóm". Đa phần các doanh nghiệp tốt trên thị trường đều có "room" dưới 50%.

Tuy nhiên, ông Đức Anh cho biết có những doanh nghiệp muốn nới "room" cũng khó vì hoạt động đa ngành, trong đó có ngành nghề nhạy cảm như bất động sản...

Có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại danh mục có điều kiện, nhưng theo ông Đức Anh, việc điều chỉnh này rất phức tạp và chồng chéo nhiều quy định. "Do vậy, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết như một số nước đã áp dụng sẽ khả thi hơn", ông Đức Anh đề xuất.

Tại hội nghị ngành chứng khoán 2024 vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ KH&ĐT - nhấn mạnh cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết.

"Có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết. Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán", bà Ngọc nói.

Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định giao dịch chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư nước ngoài đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch.

Trong khi quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay đang được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gồm Luật Đầu tư và nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành luật, Luật Chứng khoán và nghị định số 155/2020 hướng dẫn thi hành luật.

Thúc đẩy doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu

Nhiều chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng tài chính và bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HoSE.

Do đó, có thể đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, bởi 50% vốn hóa tại sàn này thuộc ngành hàng hóa và dịch vụ, công nghiệp, thực phẩm và đồ uống.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cần khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán.

"Bộ KH&ĐT và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2021", bà Ngọc thông tin.

Cần thêm cổ phiếu chất lượng vào thị trường

Ông Trần Đức Anh, giám đốc Chứng khoán KBSV, nói ngay cả khi thị trường chứng khoán VN chưa được nâng hạng, nếu thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng thì chắc chắn sẽ có thêm dư địa đón dòng vốn lớn.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp lên sàn ngày càng thưa vắng chứ chưa nói đến hàng hóa chất lượng.

Trong năm 2023, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cơ quan này đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng với 15 công ty, hủy đăng ký công ty đại chúng với 41 công ty, tổng số doanh nghiệp niêm yết còn là 1.733.

"Còn nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết. Nên có những vận động phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp lên sàn, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng nguồn cung hàng hóa trên sàn, thu hút vốn ngoại", ông Đức Anh nhấn mạnh.

Theo ông Phan Dũng Khánh - giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment, vấn đề không phải số lượng mà thị trường chứng khoán VN đang thiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực mới, thu hút khối ngoại.

"Các nhóm cổ phiếu liên quan đến năng lượng xanh, bán dẫn, Fintech... đều vắng bóng. Trong khi nhiều cổ phiếu nhóm ngành đón đầu xu thế đang rất hút sự quan tâm", ông Khánh nói. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực mới.

"Đầu tư cổ phiếu là mua sự kỳ vọng trong tương lai. Do vậy, những doanh nghiệp mang triển vọng với các ngành nghề mới thế giới cần rất cần được khuyến khích", ông Dũng nói.

* Bà Tạ Thanh Bình (vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước):

Sửa đổi nhiều quy định

Bà Tạ Thanh Bình

Bà Tạ Thanh Bình

Chúng tôi đang tích cực cải thiện các vấn đề như yêu cầu ký quỹ 100%, tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình nâng hạng.

Nếu không phải ký quỹ 100% thì sẽ có nguy cơ rủi ro trong thanh toán.

Dự kiến sẽ đưa ra điều kiện cụ thể hơn, nhưng để làm được sẽ phải sửa nghị định 155 và thông tư 120.

Về hạn chế tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ Việt Nam đâu, mà nhiều quốc gia khác cũng hạn chế nhất định với những ngành nghề liên quan đến an ninh quốc phòng hay lĩnh vực khác cần kiểm soát.

Vấn đề hiện nay là các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài quy định rải rác ở nhiều luật, nghị định.

Nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề nên bối rối trong xác định về tỉ lệ. Khi sửa lại nghị định 155 sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát tất cả các ngành nghề mình triển khai và thông báo ra công chúng về tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng phải rà soát lại. Những ngành không triển khai hoặc chưa triển khai thì điều chỉnh lại, bỏ bớt đi, sau cần thì bổ sung thêm.

Nghị định 155 cũng chưa có "deadline" việc doanh nghiệp phải thông báo tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nên trên thị trường có tình trạng doanh nghiệp làm, doanh nghiệp không.

* Ông Phạm Hồng Sơn (phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước):

Thành viên HĐQT phải đi học về quản trị

Ông Phạm Hồng Sơn

Ông Phạm Hồng Sơn

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Ngoài vướng mắc về ký quỹ và tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là cải thiện chất lượng doanh nghiệp trên sàn gắn với vấn đề quản trị và tính minh bạch.

Không phải chỉ chuẩn bị nâng hạng mới làm, nhiều năm nay đã thực hiện đẩy mạnh cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Nhưng so với khối Đông Nam Á, chúng ta vẫn còn khiêm tốn, cần phải học Singapore, Thái Lan.

Chúng tôi sẽ xem xét, sửa đổi quy định mang tính bắt buộc mỗi một năm thành viên HĐQT, cấp quản lý phải có mấy chục giờ đi học.

Ngoài yếu tố bắt buộc thì các quản lý doanh nghiệp nên tự nâng cao nhận thức về vấn đề này. Từng doanh nghiệp nên xây dựng chương trình hành động cụ thể để nâng điểm quản trị, góp phần thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán.

Sẽ áp dụng loạt quy định mới để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt NamSẽ áp dụng loạt quy định mới để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Tháo gỡ về vấn đề ký quỹ trước khi giao dịch, minh bạch thông tin nhà đầu tư và cổ đông... là những kế hoạch sẽ triển khai để nâng hạng thị trường chứng khoán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên