20/10/2020 13:42 GMT+7

Khổ như đi bệnh viện trong cơn 'đại hồng thủy'

NGỌC HIỂN - MINH HÒA
NGỌC HIỂN - MINH HÒA

TTO - Một người dân ngã gãy xương đành nằm sát mái nhà chịu đau suốt 2 ngày. Một cụ già 73 tuổi cũng phải đến bệnh viện bằng canô vì bệnh tim sau 3 lần đò. Người khỏe mạnh chạy lũ đã khổ, hành trình đi đến bệnh viện của người bệnh lại càng gian nan.

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 1.

Những người dân bị thương, đau ốm được đưa vào canô cấp tốc chuyển đến bệnh viện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ông Trần Văn Thanh (ngụ ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), trong lúc cứu thóc lúa của mình khỏi bị lũ nhấn chìm, ông Thanh đã bị ngã dẫn đến gãy xương sườn.

Tuy nhiên, do khu vực ông Thanh lũ lớn cộng với sóng đánh mạnh nên thuyền nhỏ của người dân không thể tiếp cận đưa ông đi cấp cứu.

Ông Thanh đành cắn răng chịu đau nằm trên tra (gác tránh lũ dưới mái nhà của người dân miền Trung) suốt hai ngày, đến sáng 20-10 ông Thanh được đội cứu hộ của Công an huyện Lệ Thủy kết hợp với phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Quảng Bình) ứng cứu, chuyển đến bệnh viện ngay lập tức.

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thanh được chuyển từ thuyền nhỏ sang canô cứu hộ trong mưa gió. Các chiến sĩ công an vất vả để đưa người dân sang canô an toàn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong khi đó, cũng tại thôn này, bà Lê Thị Bé mắc bệnh tim, lên cơn đau nguy hiểm đến tính mạng buộc đội cứu hộ cũng phải chuyển đến bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy bằng canô cứu hộ.

Đại úy Nguyễn Hùng Cường - trưởng công an xã An Thủy - cho biết ngoài hai người trên, tại địa bàn xã cũng có một người dân bị thương, gãy ngón tay khi tránh lũ. 

Ngoài ra, có 2 nhà dân bị sóng đánh sập, người dân may mắn thoát ra ngoài. Song do vị trí nhà dân nằm sâu trong thôn nên lực lượng cứu hộ trên canô chưa thể tiếp cận, đành nhờ đến sự hỗ trợ của thuyền cứu nạn cỡ nhỏ của xã An Thủy.

Cũng ngay trong trưa 20-10, trung tá Nguyễn Ngọc Tân (cán bộ phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình) đã cùng đội cứu hộ của Công an huyện Lệ Thủy tiếp tục cứu hộ thành công một trường hợp người dân trở dạ, buộc phải đưa lên canô cấp tốc chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy.

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Bé được người con mặc lại áo mưa chống lạnh trên đường đến bệnh viện trong chiếc canô - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 4.

Băng băng giữa dòng lũ trên dòng sông Kiến Giang để đến Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy trong sáng 20-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 5.

Các chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy cõng bà Bé lên một chiếc canô nhỏ hơn để vào bệnh viện. Để đến được nơi điều trị, bà Bé đã 3 lần đò trong mưa gió - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 6.

Ông Thanh đau đớn khi canô đang cấp tốc chở ông vượt sông Kiến Giang đến bệnh viện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 7.

Những chiến sĩ lái canô cứu hộ dòm trước ngó sau bởi di chuyển trong điều kiện mưa lũ rất nguy hiểm. Theo chân các chiến sĩ, chúng tôi chứng kiến nhiều trở ngại gặp phải trên đường đi cứu nạn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 8.

Sau 3 chuyến đò, cuối cùng những bệnh nhân đã đến được bệnh viện, nhưng đây lại là nơi cũng đang bị cô lập bởi lũ - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 9.

Những bệnh nhân khác được chuyển đến bằng thuyền nhỏ hơn đi qua cổng bệnh viện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khổ như đi bệnh viện trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 10.

Chiếc cổng Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Giang trở nên lạ lẫm với các bệnh nhân trong cơn đại hồng thủy và cũng là đích đến của những chiếc canô cứu hộ - Ảnh: NGỌC HIỂN

200 bệnh nhân chờ cứu trợ

Bác sĩ Thái Văn Công - giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy - chia sẻ về thông tin 200 bệnh nhân chờ cứu trợ - Video: NGỌC HIỂN

Trưa 20-10, phóng viên Tuổi Trẻ Onine đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, nơi đang có 200 bệnh nhân mắc kẹt trong cơn lũ những ngày qua.

Hiện nay, nước vẫn ngập khoảng nửa mét ở tầng trệt, việc vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn bằng thuyền. Tại chân cầu thang, nhiều bệnh nhân và người nhà đều mong mỏi những chuyến thuyền cứu trợ để mang thức ăn, nước uống cho người dân tại đây.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Thái Văn Công - giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy - cho biết tại bệnh viện hiện có 200 bệnh nhân, 30 người dân đến tránh lũ và thân nhân bệnh nhân với tổng số người đang trú tại là khoảng 300 người. Thêm vào đó có 50 bác sĩ, cán bộ của bệnh viện hiện đang túc trực hỗ trợ các bệnh nhân.

Theo ông Công, bệnh viện hiện bị cô lập, không điện, nước sinh hoạt, di chuyển hoàn toàn bằng thuyền. Do đó, việc ăn uống của bệnh nhân, người nhà và kể cả các bác sĩ ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào cứu trợ bên ngoài.

Ông Công cho hay trong 3 ngày bị cô lập, bệnh viện đã phải chạy máy phát điện để thực hiện thành công ba ca mổ khẩn cấp cho các bệnh nhân.

Người dân miền Trung khóc trên nóc nhà, sợ nhà sập, mạng mất, trắng tay.... Người dân miền Trung khóc trên nóc nhà, sợ nhà sập, mạng mất, trắng tay....

TTO - Ông Nguyễn Văn Hạt cùng vợ, sau 3 ngày đêm ngồi trên nóc nhà, được canô cứu hộ vượt sóng dữ đã mếu máo: 'Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa...'.

NGỌC HIỂN - MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên