05/09/2011 07:17 GMT+7

Khơi thông dòng vốn

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Các ngân hàng (NH) đang ráo riết chuẩn bị giảm lãi suất cho vay sau khi NH Nhà nước ban hành thông tư 22, hủy bỏ quy định về tỉ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động, khiến thanh khoản của NH trở nên dồi dào hơn.

upT3dOe4.jpgPhóng to
Ngân hàng SHB vừa tung ra hai chương trình ưu đãi với lãi suất cho vay 17-18%/năm - Ảnh: Thanh Đạm

Theo các NH, lãi suất sẽ giảm mạnh sau khi thống đốc NH Nhà nước triệu tập cuộc họp toàn ngành vào ngày 7-9 tại Hà Nội.

Sẽ giảm từ đầu tháng 9

NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa tung ra hai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất 17-18%/năm. Theo đó, NH này dành 2.000 tỉ đồng cho các khoản vay ngắn hạn được giải ngân từ ngày 29-8 đến 31-12 với mục đích bổ sung vốn mua nông sản, lương thực, thủy sản, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. NH cũng dành 3.800 tỉ đồng cho vay với đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ sản xuất kinh doanh, kỳ hạn cho vay tối đa sáu tháng, với điều kiện các khoản vay được giải ngân từ đầu tháng 9-2011 đến hết tháng 2-2012, nhằm bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là NH thứ hai sau NH Eximbank đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất 17-18%/năm. Không chỉ SHB, nhiều NH khác cũng cho biết đã thiết kế các chương trình ưu đãi và sẽ triển khai rộng rãi từ tuần sau.

Theo ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc NH Eximbank, việc hủy bỏ quy định về tỉ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động giúp các NH có thể sử dụng hết vốn huy động từ doanh nghiệp, dân cư (sau khi đã trừ dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản...) để cho vay.

Ngoài ra còn mở ra sự liên thông thông qua thị trường liên NH, qua đó làm chi phí vốn trong hệ thống NH thấp xuống. Hiện nay lãi suất cho vay trên thị trường liên NH thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động vốn trên thị trường dân cư và doanh nghiệp, do vậy quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các NH cho vay nhiều hơn với chi phí thấp hơn. Tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng lên nhanh hơn tốc độ tăng trong tám tháng vừa qua.

Việc NH Nhà nước hủy bỏ quy định về tỉ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động cũng không làm ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống NH thương mại vì các NH vẫn phải tuân theo hệ số an toàn vốn tối thiểu.

Theo tính toán của ông Phước, đà giảm của lãi suất sẽ rõ rệt hơn kể từ tháng 9, trong đó riêng quyết định này có thể giúp lãi suất cho vay giảm bình quân 1% trong vòng 1-3 tháng trong điều kiện những yếu tố khác (tái cấp vốn, can thiệp thanh khoản, thị trường mở, cung tiền...) không thay đổi.

Ông Hoàng Văn Toàn, chủ tịch hội đồng quản trị NH Đại Tín, cũng cho rằng việc hủy bỏ giới hạn cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không quá 80% sẽ giúp các NH linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn huy động để cho vay, tạo ra sự liên thông giữa các thị trường vốn. Trong bối cảnh tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011 bị khống chế ở mức thấp, biện pháp này của NH Nhà nước sẽ giúp làm tăng vòng quay đồng tiền, giảm thiếu hụt thanh khoản, đồng thời giúp NH giảm chi phí, tạo điều kiện giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động giảm

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy trong vòng một tuần trở lại, lãi suất huy động trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất huy động phổ biến hiện dao động quanh mức 16-16,5%/năm, giảm 1-2%/năm so với trước đây. Anh Vũ (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết vài ngày trước đáo hạn khoản tiết kiệm 300 triệu đồng tại một NH cổ phần lớn anh chỉ được NH huy động với lãi suất 16,5%, trong khi một tháng trước lãi suất lên đến 17,5%/năm.

Thăm dò một số NH khác, anh cho biết lãi suất cũng chỉ quanh quẩn mức này. Không chỉ các NH lớn, ngay cả những NH nhỏ vốn “chịu chi” trước đây cũng đã dần rút lại các khoản khuyến mãi.

Tổng giám đốc một NH cổ phần nhỏ tại quận 1 thừa nhận mặt bằng lãi suất huy động đã giảm dần sau khi NH Nhà nước ra thông điệp cứng rắn về lãi suất. Ông cũng dự đoán lãi suất huy động vượt trần chỉ có khả năng duy trì thêm 1-2 ngày tới, sau khi NH Nhà nước triệu tập cuộc họp toàn ngành vào 7-9, lãi suất huy động sẽ giảm mạnh.

Còn theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần, xu hướng giảm lãi suất huy động là tất yếu vì nhiều NH đang ứ vốn lãi suất cao, trong khi doanh nghiệp chờ lãi suất giảm về 17-19%/năm mới vay. Ông cũng dự đoán khi lãi suất cho vay về 17-19%/năm, NH chỉ dám huy động tối đa 15%-16%/năm.

Tuy nhiên theo các NH, cần thêm các yếu tố khác để thúc đẩy quá trình giảm lãi suất. Trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ thanh khoản cho các NH nhỏ. Lý do là dù các NH thực hiện cam kết huy động đúng mức lãi suất trần nhưng các NH nhỏ vẫn kém lợi thế hơn so với các NH lớn.

Do vậy nếu NH Nhà nước không có giải pháp riêng cho những NH nhỏ, chắc chắn sẽ tái diễn việc cạnh tranh ngấm ngầm, hệ quả là kéo theo việc chạy đua lãi suất trên toàn hệ thống.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, NH Nhà nước còn dư địa rất lớn để ổn định lãi suất huy động, qua đó giảm dần lãi suất cho vay do tám tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán tăng rất thấp. Quan trọng là việc điều hành của NH Nhà nước sao cho luồng tiền đi đúng địa chỉ.

Đề xuất cách giảm nhanh lãi suất cho vay

Ông Lê Đức Thúy, nguyên chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tốt nhất NH Nhà nước nên đưa dự trữ bắt buộc lên khoảng 10% và dùng số tiền ấy để hỗ trợ những NH thiếu thanh khoản và những NH không huy động được với lãi suất 14%/năm. Khi đó không cần các NH phải thực hiện cam kết, lãi suất huy động cũng sẽ giảm nhanh.

Theo ông Thúy, sở dĩ NH Nhà nước chưa sử dụng biện pháp mạnh tay này là do ngại biện pháp này sẽ khiến chi phí vốn của NH tăng lên, khiến lãi suất cho vay khó giảm.

Tuy nhiên, vẫn có thể khắc phục bằng cách trả lãi suất cho khoản dự trữ bắt buộc này, có thể bằng với lãi suất trái phiếu chính phủ, như vậy các NH không thiệt thòi gì cả trong khi NH Nhà nước dùng số tiền đó điều hòa chung cho toàn hệ thống.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên