04/07/2012 08:52 GMT+7

Khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp dễ tiếp cận

 VÕ VĂN THÀNH ghi
 VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong sáu tháng đầu năm kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra.

Khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp dễ tiếp cận

Tại cuộc họp báo chiều 3-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng đã kết luận như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2012.

yJYZ9bKg.jpgPhóng to
Bộ trưởng Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo + Ảnh: VIỆT DŨNG

“Kết quả đạt được trong sáu tháng đầu năm cho thấy triển vọng sáu tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định. Thủ tướng nêu rõ quan điểm nhất quán trong những tháng cuối năm 2012 vẫn là kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tập trung thúc đẩy, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng chỉ rõ cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Đồng thời tìm mọi giải pháp hỗ trợ sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân hết số vốn đã bố trí; ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu...

Theo số liệu của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan, tính chung sáu tháng đầu năm GDP cả nước ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng thời gian tới. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sáu tháng đầu năm 2012 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, song dấu hiệu hồi phục sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét. Hầu hết các tỉnh thành có quy mô công nghiệp lớn đều có mức tăng khá về chỉ số sản xuất công nghiệp. Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3-2012 giảm lần lượt là 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và tháng 5-2012, đến tháng 6-2012 giảm xuống 26% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, sáu tháng đầu năm 2012 xuất khẩu ước đạt 53,1 tỉ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2011.

* Dân Trí: Việc tăng giá điện vừa rồi đã tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, đâu là cơ sở cho việc tăng giá này?

- Hiện nay giá điện bán dưới giá thành, dẫn đến có nhiều hệ lụy. Việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo mấy yêu cầu: thứ nhất, công khai, minh bạch giá thành, lỗ lãi; thứ hai, thực hiện theo đúng quy định pháp luật; thứ ba, dù có điều chỉnh thì không được làm ảnh hưởng đến người nghèo, nếu có ảnh hưởng phải có giải pháp. Dựa trên ba nguyên tắc, ngành điện đã điều chỉnh tăng giá.

Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân, nhưng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn cùng nhau nỗ lực. Lần này Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương và ngành điện rút kinh nghiệm, khi tăng giá ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội thì bên cạnh công khai, minh bạch cần có tổ chức tuyên truyền để nhân dân và doanh nghiệp hiểu và có sự chuẩn bị sẵn sàng.

* Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng đã trả lời báo chí về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.

- Tuổi Trẻ: Về thông tin thành lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô 100.000 tỉ đồng, tại diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang xây dựng đề án có liên quan. Đề nghị cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

- Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải có giải pháp để giải quyết nợ xấu. Một trong những giải pháp là có thể nghiên cứu thành lập doanh nghiệp mua lại nợ xấu, nhưng không có nghĩa NHNN đợi khi thành lập doanh nghiệp này xong mới tiến hành xử lý nợ xấu. Ngay tới đây NHNN (với sự hỗ trợ ở mức cần thiết của cơ quan chính quyền các cấp) có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để xử lý từng khoản nợ.

Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được NHNN nghiên cứu. Tuy nhiên ở đây có lẽ do nhầm lẫn thông tin, không hiểu con số 100.000 tỉ đồng từ đâu ra. Có người hỏi tiền đâu ra, nếu dùng tiền ngân sách thì lại đẩy lạm phát lên, tôi nói cái này đang nghiên cứu và không có cơ sở nào nói là 100.000 tỉ đồng. Có lẽ là do ước lượng khoản tiền cần để giải quyết nợ hay chăng?

* Tuổi Trẻ: Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị xem xét không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm - ETC (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp và bằng thạc sĩ do ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp. Việc này sẽ được xử lý như thế nào?

- Việc có ý kiến khác nhau liên quan đến 2.000 bằng này, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ để có ý kiến kết luận xác đáng, trên tinh thần người học muốn có kiến thức mà kiến thức đó được đánh dấu bằng bằng cấp thì cần được ghi nhận, nhưng sự ghi nhận cần đúng pháp luật. Sau khi các cơ quan chức năng có kết luận thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

* Tuổi Trẻ: Nghị định 132 (về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước) sau nhiều năm đưa vào quy trình sửa đổi, nay mới được tiếp tục trình Chính phủ. Những vấn đề như thành lập cơ quan ngang bộ để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; ai được quyết định bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty... có đặt ra lần này?

- Việc sửa đổi nghị định 132 lần này sẽ có nhiều điểm mới. Thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Thoái vốn ở những ngành nghề ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm như bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản...

Thứ hai, quy định rõ hơn về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, của HĐQT doanh nghiệp, của Bộ Tài chính và bộ quản lý chuyên ngành về việc bảo toàn vốn, việc phát triển đồng vốn trong DNNN. Đặc biệt là quy định rõ hơn trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng sản xuất kinh doanh của DNNN, cũng như việc tham gia các khâu theo quy định của Đảng về vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Đối với công tác cán bộ, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành, vì bộ là nơi theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn bất cứ cơ quan nào khác. Còn thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty thì theo quy định của Đảng, có những loại hình do Thủ tướng bổ nhiệm một số chức danh, còn thì có ý kiến để HĐQT bổ nhiệm.

Về việc thành lập một cơ quan ngang bộ chuyên quản tất cả doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ khi bàn về tái cơ cấu DNNN đã ghi nhận các ý kiến có liên quan và giao Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì nghiên cứu mô hình này. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng một cơ quan thuộc bộ này theo hướng nâng tầm tổ chức đang có lên, người của Bộ Tài chính khi quản lý doanh nghiệp phải nắm sát tình hình và phải có người nằm tại doanh nghiệp nhưng ăn lương Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát doanh nghiệp.

 VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên