27/08/2020 09:07 GMT+7

Không dấn thân sẽ không còn là Tuổi Trẻ

MAI HƯƠNG ghi
MAI HƯƠNG ghi

TTO - Nhân dịp sinh nhật Tuổi Trẻ tròn 45 tuổi, bạn đọc thân thương lại trải lòng nhắn gửi những trăn trở, những hiến kế, những "đơn đặt hàng" để tờ báo luôn xứng đáng là lựa chọn tin cậy của người đọc.

Không dấn thân sẽ không còn là Tuổi Trẻ - Ảnh 1.

Bạn đọc Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu tại lễ trao giải Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2019 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tiến sĩ Trần Quốc Bảo (TP.HCM) - một bạn đọc thân thiết, thủy chung với Tuổi Trẻ từ nhiều năm nay - chia sẻ rằng giờ đây ngoài Tuổi Trẻ và báo chí chính thống, mỗi ngày để có thông tin đa chiều, anh còn đọc thêm tin từ mạng xã hội...

Cần thông tin thô mộc và chân thực

Tiến sĩ Bảo trăn trở: "Dẫu biết môi trường mạng xã hội đầy rẫy tin giả, nhưng tại sao người ta vẫn xem? Bởi vì, trừ những tin giả, với một số sự kiện - vấn đề, người xem vẫn có thể tìm thấy trên mạng xã hội những thông tin ở dạng thô sơ chân thật nhất, chưa qua bàn tay can thiệp hay bộ lọc nào!".

Theo ông Bảo, khâu lọc tin và xử lý tin để lựa chọn tin hay, biên tập chắt chiu cho tin thêm chỉn chu là cần thiết, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà thông tin phải "lọc" qua một lăng kính khác, làm biến đổi tính chân thực ban đầu của nó, thì không còn là thông tin hay, đáng tin cậy. Nói cách khác, thông tin thô thì như một viên ngọc quý. Nếu người đưa tin biết "lọc rửa" sạch bụi đất để viên ngọc thêm tỏa sáng thì quá tốt.

Thế nhưng theo ông Bảo, cũng loại tin ấy, nếu có bàn tay "tô hồng" hay "bôi đen", khiến viên ngọc không còn như nó vốn có thì "bộ lọc" này chỉ khiến người đọc không có cảm giác tin cậy và thỏa mãn. Ông Bảo cho rằng để có được lòng tin của người đọc, điều sống còn là báo chí phải cố gắng nâng niu, gìn giữ sự thô mộc và chân thật của thông tin.

"Báo chí chính thống, trong đó có Tuổi Trẻ, hơn mạng xã hội ở chỗ chúng ta chỉ đưa tin thật, rất hiếm có tin giả. Nhưng người đọc ngày nay rất tinh tường, liều lượng "thật" trong tin càng cao thì lòng tin của bạn đọc dành cho tờ báo đó mới càng cao" - ông Bảo đúc kết.

Cùng suy nghĩ này, bà Phan Tuyết, bạn đọc ở Bình Thuận, nhận xét trong nhiều năm qua Tuổi Trẻ vẫn là tờ báo uy tín, có nhiều tin bài hay, nhiều thông tin nhanh và kịp thời. "Tôi vẫn chọn đọc Tuổi Trẻ hằng ngày vì tin chắc những thông tin mình đọc được là đúng và chính xác" - bà Tuyết nói.

Kỳ vọng thêm nhiều bài điều tra

Trả lời câu hỏi "Điều gì ở Tuổi Trẻ khiến bạn ấn tượng sâu đậm nhất?", tiến sĩ Trần Quốc Bảo đáp liền không do dự: "Đó là sự dấn thân, dấn thân của người viết và dấn thân của tờ báo".

Ông Bảo giải thích thêm: "Theo dõi Tuổi Trẻ suốt thời gian dài, tôi trân trọng sự dấn thân của phóng viên trong nhiều đề tài gai góc, càng khâm phục sự dũng cảm của tờ báo khi dám kiên trì theo đuổi đến cùng để thể hiện chính kiến về một vấn đề - dù trong nhiều thời điểm, đó là tiếng nói "lội ngược dòng" khiến cả người viết lẫn tờ báo phải đối mặt với nhiều sóng gió".

Ông Bảo cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để có được sự dấn thân, càng cần có lòng chính nghĩa. Bên cạnh đó, đạo đức nghề báo luôn phải được ban biên tập đề cao để truyền đến đội ngũ phóng viên.

Chia sẻ thêm về những sự cố mà Tuổi Trẻ gặp phải trong thời gian qua, ông Bảo nhận định thể loại điều tra đang có xu hướng ít dần trên các báo, trong đó có Tuổi Trẻ. Người đọc hiểu đây là thể loại cực khó, tính rủi ro, nguy hiểm nhiều. Nhưng đây mới là điểm tạo nên thương hiệu, là "bộ nhận dạng" của Tuổi Trẻ.

"Có thể còn có những sai sót, những trục trặc trong khâu này, khâu khác, nhưng ngã ở đâu phải đứng dậy ở chỗ đó. Nếu thiếu đeo bám, dấn thân sẽ không còn là Tuổi Trẻ. Chúng tôi hi vọng trong tương lai sẽ tiếp tục được đọc những phóng sự điều tra đầy tính dấn thân của Tuổi Trẻ" - ông Bảo gửi gắm.

Cùng bàn về tính dấn thân, bà Phan Tuyết nhắc lại một câu chuyện: "Cách đây khoảng ba năm, tôi nhận được kêu cứu của một số gia đình có người thân đi lao động hợp tác nước ngoài bị bạo hành, quỵt tiền và không có tiền về nước, ở địa phương có dấu hiệu bảo kê của một vài cán bộ.

Lúc đó, tôi gọi điện về đường dây nóng Tuổi Trẻ và cùng phóng viên Tuổi Trẻ đi đến tận nhà người dân lấy thông tin. Tuy nhiên, sau đó chờ mãi không thấy báo đăng. Gọi lại cho phóng viên thì được biết do không đủ chứng cứ nên chưa thể đăng được. Sau đó, tôi đành cung cấp thông tin cho một số báo khác, bài được đăng, nạn nhân được giải cứu và đưa về nước. Trong số các bài viết về vụ việc đó, có bài còn được trao giải báo chí.

"Nhắc lại chuyện này, tôi không có ý so sánh báo này với báo khác, bởi tôi hiểu mỗi tờ báo có nguyên tắc tác nghiệp và quy chuẩn riêng về thông tin. Với từng vụ việc, có thể lúc này chưa đủ cơ sở để đưa tin, nhưng lúc khác thì lại đưa được. Điều tôi muốn nói ở đây là sự đeo bám của người viết. Nếu bạn cảm nhận đó là sự thật thì hãy kiên trì theo đuổi sự thật đó" - bà Tuyết góp ý.

Theo bà Phan Tuyết, điểm mạnh của Tuổi Trẻ là có những phóng viên lăn xả vào thực tế để bài viết thực hơn, đời hơn. Tuổi Trẻ đã từng có nhiều bài viết về chống tham nhũng, những vụ án lớn được xã hội quan tâm. Do vậy, hơn lúc nào hết, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tới, ban biên tập nhất thiết phải có chiến lược xây dựng được đội ngũ phóng viên không chỉ vững tay nghề mà còn phải có phẩm chất của người làm báo chân chính.

Bà Phan Tuyết cũng cho rằng một khi bạn đọc đã tin cậy gọi về đường dây nóng thì tòa soạn cần đốc thúc phóng viên xử lý và kiểm tra kết quả để không phụ lòng bạn đọc.

Hãy cứ xông pha như các bạn đã từng

chan trang qdi_7682

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung trao giải cho bạn đọc đoạt giải tại lễ trao giải Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2019 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ và tôi như hai người bạn; tôi 49, còn bạn ấy sắp 45. Chúng tôi là bạn đồng hành cùng nhau gần 40 năm, kể từ khi tôi theo gia đình từ Hà Nội chuyển vào Vũng Tàu.

Nhớ lại Hà Nội, mỗi buổi sáng được bố giao đi mua báo Nhân Dân, Hà Nội Mới..., thằng nhóc tôi phải đọc những bài viết, xã luận của người lớn về chính trị, về chiến tranh biên giới... Tuổi Trẻ thì "đời" hơn, kể cho tôi về cuộc sống thường nhật của người dân, về những mảnh đời bất hạnh, về gương người tốt việc tốt...

Lớn lên một tí, tôi lại say mê những phóng sự điều tra của Tuổi Trẻ hay những nhận xét, đánh giá thẳng thắn về tình hình đất nước, biển đảo. Yêu Tuổi Trẻ, đôi lúc tôi cũng quặn thắt về những sóng gió của Tuổi Trẻ...

Cứ thế Tuổi Trẻ lớn lên, trưởng thành và già dặn cùng tôi. Những tờ báo Tuổi Trẻ cũng vắng dần trên đường phố. Thời đại công nghệ số đã thay đổi tất cả, người đọc chỉ cần chiếc điện thoại với chỉ vài thao tác là hiện lên đầy đủ các trang báo điện tử. Nhưng Tuổi Trẻ vẫn chiếm một vị trí không đổi trong tôi, trừ khi đi công tác phải đọc Tuổi Trẻ Online, niềm vui của tôi mỗi buổi sáng là tranh thủ đọc báo giấy Tuổi Trẻ tại văn phòng.

Cái ngày tôi gắn kết hơn với Tuổi Trẻ là đêm cuối năm 2018, thời điểm chị gái tôi là một trong những nạn nhân trong vụ đánh bom ở Ai Cập. Khi gần như tuyệt vọng vì không thể liên hệ được với các cơ quan chức năng, báo đài về vụ đánh bom, đường dây nóng Tuổi Trẻ là nơi duy nhất tôi gọi được trong đêm để trao đổi và được chia sẻ, hướng dẫn tiếp cận nhanh với vụ việc. Trong chuyến đi Ai Cập để đưa chị về, phóng viên Tuổi Trẻ luôn đồng hành, chia sẻ cùng tôi, làm tôi cảm thấy ấm áp hơn nơi xứ người.

Tháng 6-2019, tôi được tòa soạn Tuổi Trẻ mời tham gia chương trình bạn đọc cùng làm báo. Những chia sẻ thẳng thắn của các anh chị lãnh đạo tòa soạn về những khó khăn, rào cản của người làm báo; cách Tuổi Trẻ lắng nghe những góp ý, phê bình của bạn đọc lâu năm; cách nhận những thiếu sót, khuyết điểm... đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Tôi hiểu bầu nhiệt huyết vẫn đong đầy trong tim những người làm báo Tuổi Trẻ.

Những bài viết kỷ niệm 30 năm về nhà giàn DK1 khẳng định chủ quyền biển, những thông tin gửi đến bạn đọc về kết nối giao thông vùng đều rất hay, bổ ích cùng biết bao tuyến bài khác nữa...

Tôi luôn mong muốn Tuổi Trẻ mang trên mình tinh thần nhiệt huyết của "tuổi trẻ" luôn xông pha, như 45 năm qua các bạn đã nỗ lực vì đất nước, vì nhân dân đấu tranh với các tiêu cực của xã hội. Và có như thế, chúng tôi - những người đọc trung thành của Tuổi Trẻ - sẽ luôn yêu mến Tuổi Trẻ như đã và đang yêu.

Nguyễn Nguyên Vũ (Vũng Tàu)

Hiến kế cho Tuổi Trẻ Hiến kế cho Tuổi Trẻ

TTO - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (2-9-1975 - 2-9-2020), báo Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc gửi gắm những góp ý, hiến kế cho báo.

MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên