02/11/2011 07:20 GMT+7

Không lơ là bệnh tay chân miệng

QUỐC NGỌC thực hiện
QUỐC NGỌC thực hiện

TT - Tuần cuối tháng 10-2011, TP.HCM có thêm hai ca tử vong do bệnh tay chân miệng. Trước thực trạng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nói:

DeIF0IvC.jpgPhóng to
Một ca điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Q.Ngọc

- Tỉ lệ tử vong đã được khống chế tốt. Chúng ta giữ được mức 3% tương đương với các nước có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, việc vẫn xuất hiện những ca tử vong là không thể tránh khỏi do các ca tử vong thường phụ thuộc bốn yếu tố: xử trí của tuyến đầu, xử trí của phụ huynh, sức đề kháng của trẻ và độc lực của virut.

* Các ca tử vong thường rơi vào nhóm phát hiện trễ?

- Trong bốn yếu tố trên có hai yếu tố chúng ta có thể thay đổi, đó là vấn đề xử trí của tuyến đầu và tại gia đình. Phần lớn các ca tử vong đều rơi vào tình huống người trực tiếp nuôi trẻ (người thân, người giúp việc) không được trang bị, dặn dò kỹ kiến thức về phòng chống dịch như cha mẹ.

TP.HCM: thêm 1 ca sốt xuất huyết tử vong

Ngày 31-10, anh T.Q.Q. (19 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) đã qua đời tại nhà sau khi được điều trị và chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Đây là ca tử vong thứ 10 tại thành phố vì bệnh sốt xuất huyết.

Khi thấy bé sốt cao, giật mình, cầm đồ vật run, đứng run, đi không vững, chới với, phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện ngay vì đó là dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng. Còn nếu phát hiện sớm, người lớn nên đưa trẻ đến các phòng khám, hoặc các cơ sở y tế tuyến phường xã, quận huyện để được khám và theo dõi. Cái khó trong việc phát hiện sớm bệnh tay chân miệng là có bé không hề sốt, chỉ nổi bóng ở bàn tay - chân - miệng mà lại không gây ngứa, không đau.

Nếu không tự ý thức bảo vệ con thì một lúc nào đó trẻ rơi vào nhóm phát hiện trễ, nhóm độc lực mạnh, sức đề kháng kém dẫn đến khả năng tử vong cao. Do đó, phụ huynh cần làm công tác phòng ngừa thường xuyên, cả khi khỏi bệnh rồi cũng phải làm vì có thể trẻ sẽ bị lại.

* Thế còn vấn đề xử trí ở tuyến cơ sở, thưa bác sĩ?

- Các ca tử vong cũng có khi do bác sĩ tuyến đầu không chẩn đoán được bệnh. Hoặc tuyến đầu đã biết bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nhưng không dự đoán được thời gian chuyển viện là bao lâu (thường mất 4-6 tiếng cho các ca từ tỉnh lên TP.HCM) để đưa ra các can thiệp cần thiết cho bé suốt thời gian này.

* Bác sĩ đánh giá thế nào khi tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát do Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo từ đầu năm học mới?

- Tôi thấy ý thức từng cá nhân trong phòng chống dịch chỉ hình thành tốt ở những khu vực có ca tử vong, có ca bệnh nặng... Chưa kể khi đi tuyên truyền cho địa phương thì nhiều gia đình lại vắng những người trụ cột do bận đi làm. Cho nên cần “tấn công” nhiều vào khu vực nhà trẻ. Cần huấn luyện sao cho các cô giáo phát hiện sớm ca mới trong từng lớp học, giám sát kỹ để khỏi lây lan. Cần chủ động khi trong lớp có một em tự nhiên nghỉ học thì phải xác nhận ngay với bố mẹ, gia đình xem em bé đó có bị bệnh tay chân miệng không! Và cần tạo ý thức cho từng phụ huynh nếu có con bị bệnh phải báo ngay cho người xung quanh, cho trường học biết.

Miền Trung: nơi tăng, nơi giảm

Liên quan đến trường hợp bé D.V.P.T. (16 tháng tuổi, thường trú Quảng Nam) tử vong ngày 28-10 do bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Phụ sản nhi Đà Nẵng, ngày 1-11 Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Sở Y tế.

Theo đó, bé T. khởi bệnh ngày 25-10. Ngày 26-10 bé được nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam điều trị nhưng không giảm. Một ngày sau bé T. được chuyển ra Đà Nẵng đến sáng 28-10 thì tử vong. Diễn tiến bệnh của bé T. chuyển biến rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn đã suy hô hấp độ 3. Trước đó, một bệnh nhi tử vong ở Đà Nẵng ngày 9-10 cũng có diễn tiến tương tự.

Như vậy tính đến cuối tháng 10-2011, khu vực Quảng Nam đã ghi nhận hơn 529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tính đến ngày 30-10, các trung tâm y tế trên địa bàn Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị 2.000 ca (trong đó TP Đà Nẵng có 568 ca). Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, hiện bệnh tay chân miệng có chiều hướng tăng trở lại.

Trong khi đó, ông Hồ Minh Nên, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi đang có chiều hướng giảm.

QUỐC NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên