04/01/2024 17:54 GMT+7

Kiến nghị chuyển hồ sơ sang công an vụ loạt ông lớn xăng dầu chiếm dụng quỹ bình ổn

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước về xăng dầu.

Cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang công an để điều tra liên quan một số doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh: T.THẮNG

Cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang công an để điều tra liên quan một số doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh: T.THẮNG

Theo đó, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh với thương nhân đầu mối nên quỹ bình ổn liên tục bị các thương nhân chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, bất cập và vi phạm trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó bao gồm việc quy hoạch phát triển dự trữ, việc cấp giấy phép và giấy xác nhận, việc điều hành và quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá, quản lý điều hành giá xăng dầu...

Cụ thể, vi phạm được xác định liên quan đến quỹ bình ổn. Cơ quan thanh tra xác định Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh với thương nhân đầu mối theo quy định, với những trường hợp đã bị Bộ Tài chính xử phạt, dẫn tới quỹ bình ổn giá liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra là một số vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu xăng dầu. Việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức có bất cập khi giai đoạn từ 2017 - 2021 có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu không đạt được hạn mức.

Một số thương nhân phân phối xăng dầu bán cho một số thương nhân đầu mối sai quy định để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền 950 tỉ đồng, ảnh hưởng đến chiết khấu cho đại lý...

Thương nhân đầu mối không tạo nguồn theo nghĩa vụ làm ảnh hưởng tới nguồn cung và đáp ứng yêu cầu thị trường, dẫn tới gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Cơ quan thanh tra xác định, để xảy ra tình trạng trên trong nhiều năm là do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, xử lý không nghiêm và chấn chỉnh không kịp thời.

Hệ quả là hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã quy định của nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra xử lý liên quan quỹ bình ổn

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc để xảy ra gián đoạn nguồn cung xăng dầu có nguyên nhân từ chính sách, quản lý điều hành và dự trữ lưu thông. Tuy nhiên, dù có nhiều vi phạm xảy ra thường xuyên nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, nên nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh kịp thời khắc phục.

Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan trong hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định đối với một số nội dung. Bao gồm:

Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn giá tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà.

Chuyển thông tin, tài liệu sang cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với các nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu. Cụ thể là hành vi vi phạm pháp luật với việc góp vốn thành lập Công ty hóa dầu Phước Khánh của Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định Đảng và pháp luật với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới khuyết điểm, vi phạm.

Trong đó cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân với việc quản lý, giám sát dự trữ xăng dầu, để xảy ra thiếu xăng dầu, trách nhiệm phối hợp, quản lý giám sát quỹ bình ổn, giám sát các thương nhân kinh doanh khi để chiếm dụng và sử dụng sai mục đích.

Cơ quan thanh tra cũng chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan tới những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận.

Doanh nghiệp chiếm dụng quỹ bình ổn, Bộ trưởng Tài chính lên tiếngDoanh nghiệp chiếm dụng quỹ bình ổn, Bộ trưởng Tài chính lên tiếng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm không đồng tình với dự thảo nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên