05/08/2013 19:11 GMT+7

Kinh tế khó khăn, sản xuất bia vẫn tăng 33,3%

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Chiều nay 5-8, Bộ Công thương đã họp báo thường kỳ tháng 7-2013. Theo số liệu của bộ này, đáng mừng là nhiều ngành sản xuất đã có chỉ số sản xuất tăng cao trở lại.

0gsF4FV4.jpgPhóng to
Sản xuất bia tăng 33,3% - Ảnh: CHÂU ANH

Như khai thác khí đốt thiên nhiên tăng 30,0%; sản xuất trang phục tăng 44,1%; sản xuất giày dép tăng 34,1%; sản suất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 15,2%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 16,6%.

Đặc biệt,Bộ Công thương nêu sản xuất ximăng cũng tăng 14,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 76,4%; môtô, xe máy tăng 21,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%...

Tuy nhiên, cũng có ngành giảm so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị truyền thông giảm 15,1%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 2,7%...

Đáng lưu ý, Bộ Công thương cho biết chỉ số sản xuất của ngành bia, rượu, nước giải khát 7 tháng qua đã tăng 9,1% - cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Sản lượng sản xuất bia các loại riêng tháng 7 ước đạt tới 278,2 triệu lít, tăng 8,3% so với tháng 7-2012.

Tính chung 7 tháng, sản xuất bia các loại ước đạt 1,63 tỉ lít, tăng 8,9% so với cùng kỳ (trong đó bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 303,8 triệu lít, tăng 15,0%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt 778,8 triệu lít, tăng 8,2%). Bộ Công thương cho hay thị trường tiêu thụ bia vẫn tập trung chủ yếu ở các đô thị và địa điểm du lịch hè.

Bộ Công thương cũng nêu sự thật về một số ngành có sản xuất tăng cao khi nêu chỉ số tồn kho một số ngành tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất đường tăng 49,6%; sản xuất bia tăng 33,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 16,1%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 16,0%; sản xuất pin và ắcquy tăng 37,7%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 47,7%; sản xuất môtô, xe máy tăng 30,0%...

Về xuất khẩu của VN những tháng đầu năm 2013, Bộ Công thương cho biết cơ cấu hàng xuất khẩu của VN đã đa dạng hơn và tăng dần tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, dầu thô, giày dép… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm trên 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về hiện tượng thương lái nước ngoài thu gom đỉa, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nêu sau khi có hiện tượng thương lái nước ngoài mua cua ở Cà Mau, dứa ở Phước Long, vải ở Bắc Giang... Bộ Công thương đã chỉ đạo rà soát, kiểm soát thương lái. Nguyên tắc, bà Thoa nêu nếu thu mua bất hợp pháp, cơ quan chức năng địa phương và bộ ngành sẽ phối hợp để chấm dứt ngay.

Về việc nghị định của Chính phủ khống chế số thương nhân xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải, cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nêu hướng là sẽ tập trung theo chiều sâu, phát triển những thương nhân không chỉ xuất khẩu mà có liên kết với người nông dân trồng lúa. Thương nhân phải đáp ứng những yêu cầu nhất định mới được cấp phép, như kho tạm trữ…

Trước hiện tượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu, ông Đỗ Thanh Lam, cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, khẳng định đang chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường kiểm tra làm rõ.

Trong tháng 8-2013, Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa để giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 3,8 triệu tấn

Về chế biến dầu khí, Bộ Công thương cho biết Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoạt động ổn định. Sản xuất xăng dầu tháng 7 ước đạt 520,7 nghìn tấn, tăng 25,5% so với tháng 7 năm 2012; tính chung 7 tháng ước đạt trên 3,8 triệu tấn, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất bán đạt gần 3,63 triệu tấn xăng dầu các loại.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên