20/05/2024 08:26 GMT+7

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống

Sáng nay 20-5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc. Đáng chú ý, tại kỳ họp sẽ tiến hành việc bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và thông qua nhiều dự luật, quyết định các vấn đề quan trọng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri trước kỳ họp và đa số mong rằng kỳ họp này Quốc hội sẽ có các quyết sách lớn sát với đời sống; kỳ vọng Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai... sớm thi hành, sớm đi vào cuộc sống để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho dân.

* Đại biểu PHAN ĐỨC HIẾU (ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Thực thi luật mới, mang lại nhiều lợi ích

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 2.

Hiện nay, Ủy ban Kinh tế mới nhận được tờ trình Chính phủ về đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn từ 1-7-2024 thay vì 1-1-2025. Các cơ quan tham mưu của Quốc hội như Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ để thẩm tra tờ trình và sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7.

Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực rất lớn để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Luật Đất đai với những thay đổi tích cực thực thi sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích, tác động tốt đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, kèm theo đó có nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tổ chức, ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành của Chính phủ.

* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Giảm tối đa phiền hà, tốn kém cho dân

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 3.

Thời gian qua, khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, có nhiều ý kiến phản ảnh nhiều vấn đề như thay đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, rồi căn cước công dân có gắn chip, rồi chuẩn bị tiếp tục đổi sang căn cước từ 1-7.

Việc này khiến người dân cảm thấy có nhiều phiền hà, gây ra tốn kém... Do vậy, tôi mong rằng hiện Luật Căn cước đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1-7 thì Bộ Công an cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người dân thấy rõ lý do, lợi ích của việc đổi tên này.

Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện phải tránh tối đa gây phiền hà, tốn kém về thời gian, chi phí cho người dân. Nhất là cần hạn chế thấp nhất việc tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Từ đó tạo sự đồng tình trong nhân dân.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến phản ảnh về vấn đề sáp nhập huyện, xã có thể gây ra những phiên toái không đáng có. Song cần nhìn nhận một cách khách quan là trong giai đoạn đầu thực hiện sẽ có những khó khăn, phiền hà cho người dân khi thay đổi tên huyện, xã, phải làm lại giấy tờ, bảng, biển...

Thêm vào đó, không ít cán bộ cũng không muốn sáp nhập vì sẽ mất vị trí, thu nhập, thậm chí giảm biên chế... Tuy nhiên, về lâu dài việc sáp nhập này là đúng, sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó giúp giảm đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, giảm ngân sách nhà nước... Điều quan trọng nhất vẫn là cần tập trung tuyên truyền tạo đồng thuận và khi thực hiện tránh tối đa mọi phiền hà với người dân.

* Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế):

Áp dụng càng sớm càng có lợi

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 4.

Nhân kỳ họp thứ 7 chuẩn bị diễn ra, tôi xin được đề xuất với Quốc hội 2 miền không gian sáng tạo hiện đang rất cần có quy định của pháp luật, vừa để tháo gỡ những vướng mắc và cũng là bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Thứ nhất, trong quy hoạch xây dựng, các trường hợp điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu cây xanh, mặt nước, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, giảm hoặc giữ nguyên chỉ tiêu đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, hệ số sử dụng đất; hoặc chuyển chỉ tiêu đất ở sang đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo hệ số sử dụng đất là được phép khuyến khích. Các trường hợp trước đó điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch không đúng trình tự nhưng đảm bảo nguyên tắc này được xem xét bảo vệ.

Thứ hai, trong quản lý đất đai, do hiện quy định của pháp luật là yêu cầu quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất nên trong thực tế sẽ xảy ra trường hợp việc thực hiện dự án trên thực tế sẽ không đúng hoàn toàn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng thửa đất đã được phê duyệt. Vì vậy, cần có nguyên tắc quản lý theo chỉ tiêu sử dụng đất chứ không nên đối chiếu đến từng thửa đất. Việc này thực hiện theo hướng nếu dự án đảm bảo không tăng tổng chỉ tiêu đất ở, thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh thì được xem xét bảo vệ.

Những nội dung trên chỉ có thể được giải quyết với thẩm quyền của Quốc hội, do các nội dung này đều được quy định tại các luật liên quan.

Ngoài ra, theo tôi, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét để cả 3 luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực sớm từ 1-7-2024 thay cho 1-1-2025 sẽ có nhiều tác động tích cực, lợi ích lớn.

Trong đó, với Luật Đất đai, khi Chính phủ hoàn thiện xong các văn bản hướng dẫn thực hiện luật đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có thể thực hiện được từ 1-7. Nếu luật sớm thi hành sẽ có lợi cho người dân, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc. Cụ thể như quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đây sẽ là nhân tố tác động tích cực giúp thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất phát triển, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngoài ra sẽ giải quyết tốt hơn các vấn đề về tích tụ đất đai, giá đất... Bên cạnh đó, một số nội dung trong Luật Đất đai nếu được thi hành sớm sẽ thực hiện được ngay mà không cần chờ văn bản hướng dẫn.

* Bạn TRẦN THỊ MỸ (21 tuổi, Hà Nội):

Mong 3 luật có hiệu lực sớm giúp tăng cung, giảm giá

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 5.

Dự kiến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ sớm thi hành 3 luật là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai từ 1-7-2024. Đây là tín hiệu rất vui, được các doanh nghiệp và người dân mong chờ. Bởi khi các luật này có hiệu lực sớm, với các chính sách mới, tốt hơn sẽ giúp thị trường đất đai, bất động sản minh bạch, công bằng, lành mạnh và phát triển bền vững.

Thực tế, hiện nay giá bất động sản ở nhiều nơi, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... bị đẩy lên rất cao. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế, nhất là nhà ở xã hội. Điều này khiến cho cơ hội sở hữu nhà của những người trẻ càng khó khăn hơn.

Do vậy, với các chính sách mới trong 3 luật về khuyến khích phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội... sẽ thúc đẩy, đưa ra nhiều dự án hơn. Từ đó giúp nguồn cung dồi dào, đưa giá nhà đất về đúng giá trị thực, qua đó giúp người trẻ sẽ có cơ hội để mua được nhà đất phù hợp với mình.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng luật mới sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 6.

Chưa xem xét nhân sự bộ trưởng Bộ Công an

Tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Theo thiết kế chương trình, dự kiến cuối giờ sáng 20-5 sẽ bắt đầu công tác nhân sự và cho đến sáng 22-5 hoàn thành công tác nhân sự. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước và sau đó bầu Chủ tịch nước.

Cũng theo ông Cường, trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa có giới thiệu nhân sự bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, Quốc hội kỳ này chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm với chức danh này. Cùng với đó, tại kỳ họp cũng chưa bầu thêm phó chủ tịch Quốc hội.

Ông Cường thông tin thêm dự kiến chương trình chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn ra năm lĩnh vực, sau đó xin ý kiến Quốc hội lựa chọn bốn lĩnh vực để chất vấn tại kỳ họp 7. Năm lĩnh vực gồm: tài nguyên - môi trường; kiểm toán; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và đào tạo.

Phải lựa chọn cán bộ có tâm, tài, đức

Tại dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 nêu rõ cử tri, nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư, đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác đối ngoại... đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đồng thời, đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện. Cùng với đó, "nói đi đôi với làm", thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.

Cử tri, nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng, nhân dân giao phó. Cử tri, nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước "không ngừng, không nghỉ" trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Bên cạnh đó, cử tri còn băn khoăn, lo lắng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc tăng. Cùng với đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, xăng, dầu tiếp tục tăng..., giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng.

Ngoài ra còn lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... Tình trạng ngộ độc thực phẩm còn xảy ra...

Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi đến trước kỳ họp thứ 7 nêu rõ trong công tác nhân sự sắp tới, cử tri TP đề nghị phải lựa chọn người có tâm, có tài, có đức, có lòng trung thành tuyệt đối, chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng.

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hộiQuốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc. Kỳ họp chia làm hai đợt và sẽ bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội ngay trong ngày làm việc đầu tiên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên