08/12/2022 15:48 GMT+7

“Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc

Nguyễn Văn Công (Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội)
Nguyễn Văn Công (Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội)

TTO - Chỉ học hết lớp 7, anh Trần Văn Quyết ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã mày mò và chế tạo thành công máy cắt kính bán tự động. Máy không chỉ giúp tăng năng suất gấp 3 lần mà còn đảm bảo an toàn cho công nhân.

“Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Anh Quyết hướng dẫn công nhân vận hành máy cắt kính - Ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Tốn hơn 30 triệu tiền cắt thử kính mỗi ngày

Về thôn Đỗ Xá (xã Vạn Điểm), hỏi thăm anh Quyết sáng chế thì từ trẻ nhỏ đến người già đều tường, bởi anh Quyết không chỉ là nhà sáng chế nổi tiếng mà còn là một tỉ phú chuyên lo việc công ích cho quê hương.

Khởi động chiếc máy cắt kính bán tự động phiên bản mới nhất vừa được anh cải tiến, anh Quyết cho biết: Chiếc máy được anh tích hợp rô bốt tự động có thể nâng được tấm kính diện tích tới 10m2, trọng lượng tối đa 350kg. Đặc biệt, máy cắt kính mịn và phẳng hơn một cách không tì vết.

Điều làm anh Quyết luôn tự hào nhất về chiếc máy của mình đó là tiết kiệm sức lao động và đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành, bởi trước đó anh từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn nghề nghiệp trong quá trình cắt kính. Họ chỉ cần đặt tấm kính lên bàn nâng, bấm nút và mọi việc còn lại đã có chiếc máy xử lý.

Lớn lên trong một gia đình nông dân, anh Quyết chỉ được học hết lớp 7. Sau đó, anh làm đủ nghề để sinh sống như trồng hoa, sửa chữa điện dân dụng, rồi làm cửa nhựa lõi thép, làm nhôm kính...

“Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Quyết không chỉ sáng chế giỏi mà còn là người có nhiều việc làm tốt cho quê hương, cộng đồng - Ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Từ công việc làm kính, anh Quyết phải cắt kính mất khá nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy hiểm. Anh Quyết đã tìm mua các loại máy cắt kính hiện đại ở nước ngoài nhưng giá thành quá cao. Trăn trở nhiều đêm, Quyết nảy ra ý tưởng sẽ tự chế tạo chiếc máy cắt kính theo ý mình.

Đầu năm 2012, anh bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu. “Ban ngày tôi vẫn phải lo việc sản xuất, kinh doanh, tối về tôi lại mang giấy bút ra vẽ bản thiết kế và tôi đã từng phải bỏ đi hàng trăm bản vẽ nháp mới ra được bản ưng ý nhất”.

Sau đó, anh Quyết đi tìm phụ kiện để lắp ghép, hàn, đấu mạch điện. Mất thêm 6 tháng để hoàn thiện quy trình cắt kính, rồi mất thêm 1 năm để hoàn thiện công đoạn bẻ kính sau cắt. Công đoạn bẻ kính được cho là khó nhất và cũng là điểm nhấn nổi bật của máy, bởi các loại máy trên thị trường lúc đó vẫn chưa tự bẻ được, mà người công nhân vẫn thao tác.

Thời điểm chế tạo máy, anh Quyết đang vay vốn ngân hàng vài tỉ đồng nhưng để cắt thử kính trên máy, có ngày anh tiêu tốn đến hơn 30 triệu đồng tiền kính. Phôi kính sau khi cắt thử, bị lỗi phải bỏ đi, ròng rã nhiều ngày tháng.

“Tiền đổ vào chế tạo máy lên đến hàng trăm triệu đồng. Có lúc tôi rơi vào bế tắc không biết hỏi ai. Bỏ cuộc thì mất trắng nên tôi quyết tâm phải đi tới cùng” - anh Quyết chia sẻ.

Sau khi ghép các thiết bị thành máy, anh Quyết tích hợp phần mềm điều khiển trên máy tính giúp công nhân tính toán chính xác và phân chia các mặt cắt trên tấm kính lớn để diện tích thừa thấp nhất.

Đến ngày hái quả ngọt

Đến cuối năm 2013, sau bao mồ hôi nước mắt đã rơi, chiếc máy cắt kính bán tự động của anh Quyết chính thức “khai sinh” và có mặt trên thị trường.

Máy cắt kính bán tự động của anh có tốc độ cắt nhanh, vận hành ổn định và an toàn. Đặc biệt, đối với kính dán 2 lớp nếu trước kia máy CNC phải cắt 2 lần (mặt trên và mặt gầm) thì máy của anh Quyết chỉ cần cắt một lần được cả 2 mặt.

Ngoài ra, máy được tạo ra chủ yếu từ linh kiện trong nước, chỉ một vài bộ phận nhập khẩu từ Nhật, Đài Loan nên giá thành tương đối rẻ hơn so với máy nhập khẩu nguyên chiếc.

Nhờ tính ưu việt của chiếc máy, khách đông lên, thậm chí có cả khách hàng từ Sơn Đông (Trung Quốc) tìm tới và đặt mua của Quyết.

Ba năm sau khi ra đời, vào tháng 3-2016, máy cắt kính bán tự động Linh Sơn của anh Quyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sáng chế giải pháp hữu ích.

Đến nay, anh Quyết đã thiết kế được 4 phiên bản và 3 loại kích cỡ, tổng cộng 12 mẫu máy phù hợp với nhiều loại kính khác nhau. Máy của anh đã có mặt trên 63 tỉnh thành cả nước, trong đó có nhiều công ty kính lớn. Đặc biệt, giá bán đã giảm mạnh so với thời điểm ban đầu. Nếu những chiếc máy đầu đời có giá 200 - 300 triệu đồng thì nay chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng.

Đến nay, trung bình mỗi tháng, anh bán được 7 - 10 máy, doanh thu gần 2 tỉ đồng/tháng.

“Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Anh Trần Văn Quyết tham gia nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ quê hương, được chính quyền và nhân dân ghi nhận và biểu dương - Ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Ông Nguyễn Văn Khải, phó chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, nhận xét: Anh Quyết xuất thân nông dân, tuy chưa qua trường lớp đào tạo về cơ khí nhưng bằng quyết tâm và sáng tạo, anh đã chế tạo ra chiếc máy cắt kính giúp tăng năng suất lao động và đảm bảo an toàn vận hành.

Ngoài ra, anh Quyết rất giàu lòng yêu quê hương, luôn đi đầu đóng góp để xây dựng các công trình công cộng trong xã nên rất được người dân quý mến, tôn trọng. Năm 2022, anh Quyết được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt, đây là một sự ghi nhận và biểu dương xứng đáng.

“Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc - Ảnh 4.
Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí

TTO - Nếu chủ động được công nghệ, máy móc chế biến thì chi phí sản xuất của sản phẩm chocolate có thể giảm đi rất nhiều, khi đó nhà sản xuất có thể mua giá hạt ca cao từ người nông dân cao hơn mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh.

Nguyễn Văn Công (Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên