08/11/2011 07:00 GMT+7

Kỳ vọng gạo thơm Sóc Trăng

H.T.DŨNG - P.CAO
H.T.DŨNG - P.CAO

TT - Đã hai năm trôi qua, kể từ ngày Hậu Giang đi tiên phong tổ chức Festival lúa gạo VN lần1 (năm 2009). Năm đó, lúa gạo VN được giá trên thị trường xuất khẩu gạo từ “dư chấn” của giá gạo VN vượt mốc 1.000 USD/tấn trong năm 2008.

Giờ đến Sóc Trăng đăng cai Festival lúa gạo lần 2, giá cả và số lượng xuất khẩu gạo năm 2011 tiếp tục tạo dấu ấn.

LfEdVpB1.jpgPhóng to

Con đường lúa gạo trong khuôn khổ Festival lúa gạo tại đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng - Ảnh: Chí Quốc

Thật ra, vấn đề đau đầu của cường quốc đứng thứ hai về xuất khẩu gạo là thương hiệu gạo VN được đặt ra từ Festival lúa gạo lần 1 đến nay mới có kết quả. Cuối tháng 10-2011, khi thông tin gạo thơm VN đạt ngưỡng xuất khẩu 300.000 tấn và có thể đạt mốc kỷ lục 400.000 tấn trong năm nay, cũng là lúc Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” cho tỉnh Sóc Trăng.

Gạo thơm Sóc Trăng có kích cỡ hạt dài 7-8mm, mùi thơm đặc trưng từ giống lúa ST, hàm lượng amylose dưới 20%, gạo trong hoàn toàn (trong điều kiện canh tác đúng vùng quy hoạch và theo đúng quy trình kỹ thuật khuyến cáo). Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng thời hạn ba năm cho năm doanh nghiệp: Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), Công ty cổ phần Lương thực, Công ty dịch vụ thương mại Thành Tín, Công ty cổ phần Gạo chất lượng cao, cơ sở sản xuất lúa giống và gạo thơm Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Gạo thơm Sóc Trăng đã và đang là một đặc sản thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu gạo vào các thị trường cao cấp.

Sóc Trăng cũng như vùng ĐBSCL có nhiều giống lúa thơm. Riêng Sóc Trăng từ thời kỳ còn là thuộc địa của Pháp đã nổi tiếng về chất lượng gạo. Trong đó, gạo thơm Sóc Trăng được sản xuất từ các giống lúa ST do nhóm chuyên gia nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu, chọn lọc từ năm 1991 tới nay. Giống lúa này phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước ở các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ liên tục mở rộng, diện tích những giống lúa ST không ngừng tăng, từ 200ha đầu tiên năm 1991 lên hơn 10.200ha năm 2001 và đến nay Sóc Trăng có hơn 20.880ha.

“Mục tiêu xuất khẩu gạo của VN trong thời gian tới là xây dựng thương hiệu quốc gia cho hạt gạo VN, chủ lực là gạo trắng hạt dài bao gồm một nhóm giống siêu tốt, gắn với chuẩn sản xuất Global GAP. Đây là cú đấm mạnh để tạo lập thương hiệu quốc gia” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nói.

Như vậy, đơn vị đăng cai Festival lúa gạo VN lần 2 đã đi tiên phong tạo lập nên thương hiệu Gạo thơm Sóc Trăng. Nhiều người kỳ vọng đây chính là hướng đi đột phá để nâng cao giá trị xuất khẩu cho ngành xuất khẩu gạo VN trong thời gian tới.

Hôm nay khai mạc Festival lúa gạo

Ông Nguyễn Trung Hiếu - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban Festival lúa gạo lần 2 tại Sóc Trăng - cho biết 20g tối nay (8-11), tại sân khấu nổi khu văn hóa Hồ Nước Ngọt sẽ diễn ra lễ khai mạc, khởi đầu cho hàng loạt hoạt động kéo dài đến ngày 11-11.

Khoảng 1.500 khách mời tham dự lễ khai mạc, kéo dài 90 phút (VTV1 truyền hình trực tiếp) với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt - môi trường xanh cho cánh đồng vàng”. Xen kẽ có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp chào mừng, trống hội và bắn pháo hoa. Hoạt động hội chợ, triển lãm với gần 1.000 gian hàng chính thức khai mạc sáng 8-11, chia làm 10 khu chính, gồm khu triển lãm tái hiện công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến hiện đại; mô hình sự phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ; trưng bày các vật dụng, nông cụ...

Theo ban tổ chức, có sáu đoàn khách quốc tế tham gia các hoạt động của festival gồm Bangladesh, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Lào, Indonesia.

H.T.D. - K.TÂM

H.T.DŨNG - P.CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên