05/08/2023 13:57 GMT+7

Lái đò du lịch Tam Cốc - Bích Động: hợp đồng lao động đụng hương ước của làng

Ngày 5-8, ông Nguyễn Cao Tấn - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương tháo gỡ những nội dung chưa thống nhất giữa người lái đò và doanh nghiệp ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Bến thuyền Tam Cốc - Bích Động vắng bóng người lái đò - Ảnh: QUANG THẾ

Bến thuyền Tam Cốc - Bích Động vắng bóng người lái đò - Ảnh: QUANG THẾ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tấn cho biết thêm: "Hiện nay nhiều người lái đò và doanh nghiệp vẫn chưa đi đến đồng thuận về hợp đồng lao động. Chúng tôi cũng đang rất sốt ruột. Sở sẽ cùng chính quyền địa phương tháo gỡ những nội dung chưa thống nhất để sớm đưa khu du lịch Tam Cốc - Bích Động hoạt động trở lại".

Vì sao người lái đò khu du lịch Tam Cốc - Bích Động còn băn khoăn?

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Dậu (70 tuổi, ngụ xóm Ao Cá, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết gia đình ông có đò số 31 trong tổng 1.327 số đò.

"Tôi chèo đò từ nhỏ, trước đây chủ yếu dùng đò để phục vụ mục đích nông nghiệp, nhưng sau đó phục vụ cả du khách để kiếm thêm thu nhập. Cách đây gần 1 tháng, bà con được tin khu du lịch tạm dừng bán vé điều đò, ai cũng buồn", ông Dậu kể.

Ông Dậu cho biết: "Ít ngày sau khi có thông báo dừng bán vé, chúng tôi lại được mời họp để tuyên truyền về việc ký hợp đồng lao động.

Lâu nay bà con làm việc theo hương ước của làng, số đò là thôn cấp. Theo hương ước, mỗi người sau khi lập gia đình sinh sống trong thôn Văn Lâm sẽ được cấp một số đò đến hết đời.

Hiện nay hơn 70% người lái đò có độ tuổi ngoài lao động, nên việc ký hợp đồng lao động có hợp lý không?".

Gần một tháng nay, nhiều du khách đến Tam Cốc - Bích Động chưa được trải nghiệm ngồi đò tham quan danh thắng - Ảnh: QUANG THẾ

Gần một tháng nay, nhiều du khách đến Tam Cốc - Bích Động chưa được trải nghiệm ngồi đò tham quan danh thắng - Ảnh: QUANG THẾ

"Dân có nhiều băn khoăn vì đã hết độ tuổi lao động rồi. Hay bây giờ nếu có bị ốm đau, tôi sẽ nhờ người khác làm thay, làm giúp. Nhưng khi ký hợp đồng rồi sẽ ra sao?

Ngoài ra, mỗi chuyến đò người dân được nhận 150.000 đồng, một tuần chỉ được 1 đến 2 chuyến. Người dân cũng đã đề xuất nên tăng lên 200.000 đồng, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi", ông Dậu cho biết thêm.

Bà B. (61 tuổi) - một người lái đò - cho biết bà sinh ra và lớn ở thôn Văn Lâm, đã gắn với công việc chở khách du lịch hơn 30 năm nay. 

"Chúng tôi đã lớn tuổi, nên cũng không muốn ký hợp đồng lao động nữa. Theo hương ước, người bị tàn tật hay già không đủ sức khỏe để chèo đò có thể để con làm thay, giống như lộc của làng mỗi người một chút. Giờ phải ký hợp đồng lao động thì có ảnh hưởng gì không?".

"Mong muốn của bà con sớm bán vé điều đò trở lại, đồng thời nâng giá vé để đảm bảo thu nhập cho người lái đò", bà B. nêu ý kiến.

"Rà soát lại nội dung hợp đồng theo hương ước"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Xuân Thành - trưởng Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động - cho biết: "Mới đây xã có tổ chức cuộc họp, lãnh đạo huyện, lãnh đạo Sở Du lịch phổ biến về hợp đồng lao động. Bà con lái đò lo sợ nếu ký hợp đồng lao động người già ngoài độ tuổi sẽ không được làm việc nữa.

Tuy nhiên chúng tôi cũng đã giải thích rất rõ từ 18 tuổi trở lên đến thời điểm sức khỏe vẫn đảm bảo thì làm việc bình thường, có nghĩa là không hạn chế về độ tuổi. Hoàn toàn không có chuyện ký hợp đồng xong là mất hết việc. Ký hợp đồng sẽ đảm bảo quyền lợi hơn cho người lao động".

Tam Cốc - Bích Động mùa lúa chín - Ảnh: TRẦN HỒNG NGỌC

Tam Cốc - Bích Động mùa lúa chín - Ảnh: TRẦN HỒNG NGỌC

Ông Thành cho biết hiện nay có khoảng 650 người dân thôn Văn Lâm làm nghề lái đò chở khách ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Bà Hoàng Phương Hà - phụ trách truyền thông Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (đơn vị quản lý và khai thác khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) - thông tin: "Chúng tôi đã sửa đổi nhiều nội dung trong hợp đồng, theo hương ước của làng và vẫn theo số đò của bà con".

"Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe tâm tư của bà con lái đò, rà soát lại nội dung hợp đồng. Trong thời gian này, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cũng đang tạm dừng đón khách để tôn tạo, phục hồi trong vùng lõi di sản", bà Phương Hà nói.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á.

Trong thời gian tới sẽ có đối thoại với bà con lái đò

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Hưng - chủ tịch UBND huyện Hoa Lư - cho biết: "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với người chở đò ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để đưa ra tiếng nói chung, đảm bảo quyền lợi người dân - doanh nghiệp - Nhà nước".

Ngoài ra theo ông Hưng, hợp đồng lao động phải tôn trọng hương ước của làng vì vẫn dựa vào số lượng đò của người dân thôn Văn Lâm.

‘Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An’ gọi mời du khách về thăm lúa vàng‘Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An’ gọi mời du khách về thăm lúa vàng

Tuần lễ du lịch Ninh Bình năm 2023 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” chính thức khai mạc ngày 27-5 với hơn 20.000 lượt khách tham quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên