09/09/2023 11:15 GMT+7

Lần đầu tiên tôn vinh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài

Những kiều bào Việt Nam có đóng góp giúp tôn vinh và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tôn vinh là Sứ giả tiếng Việt năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (trái) trao giấy khen cho Sứ giả tiếng Việt - chị Trần Hồng Vân (kiều bào Úc) - Ảnh: LINH ĐỨC

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (trái) trao giấy khen cho Sứ giả tiếng Việt - chị Trần Hồng Vân (kiều bào Úc) - Ảnh: LINH ĐỨC

Ngày 8-9 hằng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, theo đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2023.

Tối 8-9, trong chương trình Gala Tiếng "Mẹ" thân thương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - đã trao giấy khen Sứ giả tiếng Việt cho các cá nhân có cống hiến trong việc lan tỏa tình yêu tiếng Việt ở nước ngoài.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS Trần Hồng Vân từ Đại học Charles Sturt (Úc) - Sứ giả tiếng Việt năm 2023 - cho biết chị đã tham gia vào các dự án nhằm hỗ trợ phụ huynh trong việc dạy tiếng Việt cho con cái gia đình như Viet SpeechĐọc sách cùng con.

Kết quả nghiên cứu của dự án Viet Speech - dự án đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về năng lực tiếng Việt của trẻ em gốc Việt ở Úc - cho thấy để duy trì tiếng Việt ở thế hệ con cái, cha mẹ phải dành thời gian nói chuyện và có thái độ tích cực trong giảng dạy tiếng Việt ở nhà cho con từ khi mới sinh ra.

"Không nên dạy tiếng Việt cho con như một ngôn ngữ thứ hai, không nên để con cứ học tiếng nước sở tại rồi đến 7, 8 tuổi mới cho đi học tiếng Việt. Việc giảng dạy phải bắt đầu từ ngay trong sinh hoạt gia đình thì mới thành công", chị Vân nhận định.

Sứ giả tiếng Việt tại Lào - chị Viengkeo Douangchaleun, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu Huyền - Ảnh: LINH ĐỨC

Sứ giả tiếng Việt tại Lào - chị Viengkeo Douangchaleun, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu Huyền - Ảnh: LINH ĐỨC

Sứ giả tiếng Việt tại Malaysia là chị Nguyễn Thị Liên - Ảnh: LINH ĐỨC

Sứ giả tiếng Việt tại Malaysia là chị Nguyễn Thị Liên - Ảnh: LINH ĐỨC

Do không phải phụ huynh nào cũng có kinh nghiệm sư phạm nên dự án đã tổ chức khóa huấn luyện tiếng Việt trong 10 tuần, giúp các gia đình đưa tiếng Việt vào dạy con trẻ một cách tự nhiên thông qua các hoạt động hằng ngày như đọc truyện, đọc sách, làm bếp, làm vườn. Theo chị Vân, "không nhất thiết cứ phải ngồi xuống học ngữ pháp mới là học tiếng Việt".

Bên cạnh đó, dự án Đọc sách cùng con do Tổng lãnh sự quán tại Sydney tài trợ cũng đem tới hơn 100 gia đình người Việt tại Úc các bộ truyện tiếng Việt cho trẻ từ 0 - 8 tuổi, các tài liệu hướng dẫn kết nối trẻ em với tiếng Việt.

"Nhận được danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài là một vinh dự của tôi, chứng tỏ những điều tốt đẹp mà mình làm đã được xã hội công nhận, song nó cũng đặt cho tôi trách nhiệm phải tiếp tục phát huy những công việc tôn vinh tiếng Việt mà tôi đang thực hiện", chị Vân nói.

Trong thời gian tới, chị Vân mong muốn có thể tìm nguồn kinh phí để xây dựng bộ tài liệu lồng ghép tiếng và văn hóa Việt Nam cho trẻ. Chị hy vọng có thể chia sẻ bộ tài liệu này tới các giáo viên kiều bào đang giảng dạy tiếng Việt trên khắp thế giới.

Sẽ có thêm nguồn lực để lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài

Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 diễn ra vào sáng 8-9 - Ảnh: THANH HIỀN

Hội thảo tổng kết triển khai kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 diễn ra vào sáng 8-9 - Ảnh: THANH HIỀN

Sáng 8-9 đã diễn ra hội thảo tổng kết triển khai kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.

Công tác lan tỏa tiếng Việt đã được đẩy mạnh qua cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt, xây dựng Tủ sách tiếng Việt cũng như được lồng ghép trong các sự kiện như Trại hè Việt Nam, khóa tập huấn tiếng Việt cho giáo viên kiều bào, theo tổng kết của ông Đinh Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

"Tiếng Việt cất lên ở nước ngoài vô cùng thân thương. Tiếng Việt như sợi dây rốn để kết nối người Việt với quê hương của chính mình, đó là tài sản tinh thần vô giá", Sứ giả tiếng Việt tại Lào - chị Viengkeo Douangchaleun - chia sẻ tại hội thảo.

Song thực tế, công tác lan tỏa tiếng Việt cũng còn một số khó khăn nhất định, nhất là vấn đề kinh phí. Ông Lê Xuân Lâm - chủ tịch hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan - cho biết dù rất mong muốn được mời thêm các chuyên gia trong nước đến sở tại để bồi dưỡng tiếng Việt cho các em nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa thể thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - vui mừng chia sẻ kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại công văn số 759/TTg-QHQT ngày 24-8-2023.

"Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ có thêm nhiều nguồn lực triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong năm 2024", bà Hằng nói.

Những sứ giả của tiếng Việt khắp thế giớiNhững sứ giả của tiếng Việt khắp thế giới

Gần 60 thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang có đợt gặp gỡ, tập huấn tại Hà Nội. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên