17/10/2023 18:21 GMT+7

Lấy một phần chiếc đũa bị 'bỏ quên' trong tai bệnh nhân hơn 7 năm

Các bác sĩ cho biết dị vật bỏ quên trong tai như bệnh nhân này rất hiếm gặp. Do bệnh nhân để một phần chiếc đũa quá lâu trong tai nên đã ảnh hưởng đến thính lực tai trái.

Bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng khám tai cho bệnh nhân để quên một phần chiếc đũa trong tai hơn 7 năm - Ảnh: T.DƯƠNG

Bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng khám tai cho bệnh nhân để quên một phần chiếc đũa trong tai hơn 7 năm - Ảnh: T.DƯƠNG

Chiều 17-10, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết bệnh viện này vừa phẫu thuật lấy dị vật là một phần chiếc đũa dài 2,5cm từ tai trái bệnh nhân N.H.T., 42 tuổi, ngụ ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chị T. kể hơn 7 năm trước, trong lúc chồng chị đang chở chị bằng xe máy đưa cơm cho đội thợ xây nhà thì bất ngờ bị một xe máy khác tông vào. Chị té xe và bị một chiếc đũa trong phần cơm cắm vào tai trái.

Chị bị hôn mê và được đưa vào bệnh viện tỉnh lấy chiếc đũa ra.

Sau khi được phẫu thuật lấy phần đũa bên ngoài ra, ngày tái khám bác sĩ nói vẫn còn một phần đũa nữa trong tai nhưng do chị T.  sợ phải phẫu thuật nên không đồng ý để các bác sĩ lấy ra.

Hơn 7 năm qua, chị T. thấy đau ở tai trái, mủ ở trong tai chảy ra nhưng "do công việc bận rộn" nên chị vẫn ráng chịu đựng và tự mua thuốc về uống.

Gần đây, nhân lúc đưa con đi lên TP.HCM khám, thấy tai đau nhiều, chị T. đã đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khám.

Tại đây bác sĩ ghi nhận vành tai trái của chị bị nề đỏ, không đau, ống tai ngoài hẹp, không quan sát được màng nhĩ, đánh giá thính lực cho thấy tai trái nghe kém.

Qua kết quả chụp CT scan, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có dị vật trong tai nên chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ đã mở thượng nhĩ, thám sát hòm nhĩ trái và lấy dị vật ở ống tai ngoài, sau đó cắt lọc sẹo hẹp ống tai ngoài cho bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết dị vật bỏ quên trong tai như bệnh nhân trên rất hiếm gặp. Do bệnh nhân để dị vật là một phần chiếc đũa quá lâu trong tai, bị thủng màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương con nên sức nghe giảm.

Sau khi lấy dị vật, mô viêm, điều trị nội khoa ổn định, các bác sĩ sẽ phẫu thuật lần 2 để chỉnh hình chuỗi xương con, vá lại màng nhĩ nhằm tăng sức nghe cho bệnh nhân.

Phẫu thuật lấy dị vật hy hữu dài 7cm trong gan của bệnh nhânPhẫu thuật lấy dị vật hy hữu dài 7cm trong gan của bệnh nhân

Ngày 13-8, BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp tiếp nhận bệnh nhân bị dị vật xuyên từ ruột vào gan. Các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật lấy dị vật thành công ra khỏi gan là một que tăm đã nằm lâu trong gan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên