09/07/2023 10:57 GMT+7

Lê Phước Thọ: Dấu ấn lớn từ một nhân cách bình dị

Đến tận những ngày cuối, khi nằm trên giường bệnh, chú Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) vẫn khắc khoải những ước mơ cho người nghèo.

Ông Lê Phước Thọ (thứ ba từ trái sang, hàng trước) về thăm căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Sóc Trăng - Ảnh: V.N.N.

Ông Lê Phước Thọ (thứ ba từ trái sang, hàng trước) về thăm căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Sóc Trăng - Ảnh: V.N.N.

Chú Sáu Hậu đã đi rồi. Nhưng nhìn vào cuộc đời chú, thấy rằng để thanh thản ra đi thì mình phải sống ngay thẳng, sống có ích cho đến tận ngày cuối cùng, không hổ thẹn với lương tâm của cha mẹ, dòng tộc, quê hương, đồng bào, đồng chí. Hôm nay chú Sáu Hậu trở về nhà theo đúng ước nguyện của mình.

Dấu ấn chú Sáu Hậu

Ngay từ khi còn làm lãnh đạo tỉnh Hậu Giang (1976-1986), chú đã "xắn quần lội ruộng" khắp những cánh đồng ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang (ngày nay). Chú kể ngay khi vừa giải phóng, liên tiếp trong hai năm (1977-1978), ngành nông nghiệp Hậu Giang lãnh "thiệt hại kép".

Vụ mùa năm 1977, tỉnh Hậu Giang (và cả vùng) phát sinh đợt dịch rầy nâu trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử, trong bối cảnh cả nước đang thiếu lương thực, Trung ương chỉ dựa vào "vựa lúa lớn nhất" ĐBSCL. 

Không ngồi yên chịu trận, chú Sáu và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy mời hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Phạm Sơn Khai (Bảy Khai), một số nhà khoa học như GS.TS Võ Tòng Xuân, GS.TS Trần Phước Đường... đến trao đổi tìm cách trị rầy. Trường ĐH Cần Thơ tạm ngừng các lớp học của khoa nông nghiệp, kết hợp cùng cán bộ khoa học của tỉnh và các tỉnh khác trong khu vực tìm phương pháp dập dịch.

Bước sang năm 1978, Hậu Giang và miền Tây Nam Bộ lại hứng chịu tiếp trận lũ quá lớn, quá bất thường. "Tôi đi công tác ở huyện Phụng Hiệp, đứng trên cầu nhìn ra sông Hậu từ vàm sông Cái Côn đến cầu Phụng Hiệp chứng kiến nhiều ghe, xuồng từ vùng trên đổ xuống. Đó là đoàn người từ những vùng bị lũ lụt, đói kém đi tha phương cầu thực. Hình ảnh đó khiến tôi rất đau lòng, day dứt hoài" - chú Lê Phước Thọ từng kể. 

Với quyết tâm "trong túi người nông dân phải rủng rẻng chứ không được khô ran" từ chú Sáu, chỉ mấy năm sau, Hậu Giang đáp ứng được kỳ vọng "cùng cả nước, vì cả nước", nông nghiệp chuyển biến rõ nét trên cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng.

Ở Hậu Giang thời đó có nhiều kỳ tích, trong đó nhớ mãi "khai hoang, phục hóa cánh đồng Năn - Long Phú" với gần 3.000ha đất nhiễm mặn, phèn chua. Nhưng ít ai biết rằng việc chú Sáu đã "bảo lưu" ý kiến giữ tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất số 9 Lung Đen (Kế Sách), xây dựng sân vận động Cần Thơ hay việc Trường ĐH Cần Thơ lần đầu tiên có hiệu trưởng là người ngoài Đảng... cũng "đụng chạm" dữ lắm, có vụ chú Sáu phải ra Hà Nội "giải trình".

Mười năm (1986-1996) ra Trung ương nhận trọng trách, chú Sáu đã có những cống hiến lớn, in đậm dấu son trên hai mặt trận "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và xây dựng Đảng. Đó cũng là hai nhiệm vụ nặng nề, hai bài toán hết sức khó khăn, hai thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt của đất nước, của Đảng. 

Giai đoạn làm trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương (1986-1990), chú Sáu cũng là một trong số những cán bộ tham mưu cho ra đời nghị quyết 10 (thường gọi tắt là "khoán 10"), thực sự "cởi trói" cho người nông dân như nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng khẳng định.

Giai đoạn tiếp theo (1991-1996) chú Sáu Hậu là ủy viên Bộ Chính trị - trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đúng thời điểm này chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (1991), chú Sáu đã coi trọng và chủ động đề xuất tổ chức tổng kết kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng - 20 năm sau ngày giải phóng (1975-1995) để phù hợp với bước chuyển của giai đoạn mới. 

Đặc biệt, ngay sau Đại hội VII của Đảng, chú được phân công làm trưởng tiểu ban đề án về "Đổi mới và chỉnh đốn Đảng" để sau đó Hội nghị Trung ương 3, khóa VII họp tại Hà Nội đã ra nghị quyết "Về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng" tạo sinh lực mới, động lực mới trong đời sống chính trị cả nước.

Phải nhắc lại rằng, trước đó trong lịch sử Đảng ta chưa bao giờ đặt vấn đề "Đổi mới và chỉnh đốn Đảng" có tầm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của Đảng và chế độ ta như nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) đề ra.

Đúng 6h sáng nay 9-7, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về nơi an nghỉ cuối cùng theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

Ở đâu cũng sống nặng tình

Có lần được phân công ra Hà Nội gặp những người từng công tác với chú Sáu Hậu, tôi được nghe ông Lê Huy Ngọ - nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - chia sẻ làm cán bộ tổ chức đòi hỏi cái tâm cái tầm dữ lắm. 

"Trong công việc anh Sáu Hậu là người có tầm nhìn xa, có những ý tưởng rất chủ động, sáng tạo. Và đặc biệt luôn tôn trọng nguyên tắc, đặt quyền lợi tập thể lên trên hết. Anh Sáu sống rất tình cảm, ứng xử vẹn tròn. Nghỉ hưu rồi mỗi lần có dịp ra Bắc anh đều hỏi thăm gia đình những người từng công tác với mình, có đặc sản phương Nam (mắm tép, cá, tôm...) là anh kêu anh em đến ăn chung" - ông Ngọ kể với tôi. 

Ông Ngọ cũng nói rằng khi biết ý định của "anh Sáu" là được về nghỉ ngơi nơi quê nhà, ý định đó đã phản ánh thật đúng với cách sống bình dị mà "nặng tình" của anh Sáu Hậu.

Ngay khi vừa được nghỉ hưu (1996), chú Sáu Hậu là người có ý tưởng và cũng là người đầu tiên vận động thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Hậu Giang (cũ) rồi giữ vai trò chủ tịch danh dự của hội này suốt nhiều năm liền. 

Dù tuổi cao chú vẫn đến tận vùng sâu vùng xa tặng quà, lập quỹ, vận động xây trạm xá, trường học, cứu giúp trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh... và cùng đoàn bác sĩ Việt Nam sang Campuchia mổ mắt, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Đến tận những ngày cuối, khi nằm trên giường bệnh, chú Sáu vẫn khắc khoải những ước mơ cho người nghèo.

Năm 2018 theo chú Sáu về quê (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Chuyến đi này đặc biệt: xác định nơi cho hai vợ chồng khi nằm xuống trong vườn nhà. Mảnh đất chú chọn nằm xéo bên khu mộ gia tộc, kế bên con rạch có hàng dừa nước xanh ngát, thoáng đãng trong lành. Hôm đó, chú Sáu bần thần lắm khi đứng trước căn nhà xưa (đã được sửa). 

Chú chỉ nơi đặt chiếc giường cây sát cửa sổ của song thân, chỗ cha thường ngồi chơi đờn cùng lối xóm, con rạch nối với cánh rừng sau nhà, ngôi đền vua "linh thiêng dữ lắm" kế bên. Hôm đó chú được "mày, tao" với ông bạn từ thuở rong trâu trên những cánh đồng khô cạn nước, ngọng nghịu "a, bờ, cờ" trong ngôi trường làng nắng xiên qua lá dừa nước. Lại được xé con mắm sống, thơm thơm con cá rô đồng một nắng chiên sơ...

Chú Sáu Hậu từng được nhiều lãnh đạo TP.HCM mời về TP sống khi tuổi già vì khi đau bệnh có đủ điều kiện điều trị và cho các cháu học hành nhưng chú Sáu khéo từ chối: "Tôi muốn về quê, nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị em tôi đã an nghỉ. Như vậy thì thanh thản, an tâm".

Cây đại thụ của cách mạng miền Tây

Tôi đã từng hỏi chuyện này, chú Sáu vì sao có tên "Sáu Hậu", chú cười, đáp ngắn gọn: "Khi rút vào hoạt động bí mật (giai đoạn 1954-1960) ai cũng phải có một bí danh, họp chi bộ anh Tư Hoảnh, phó bí thư chi bộ xã Phong Thạnh Tây (Giá Rai, Bạc Liêu) đã đặt cho như vậy, chắc cũng dựa vào cách sinh hoạt, ứng xử của mình thôi".

Ông Bùi Quang Huy, nguyên bí thư tỉnh ủy hai tỉnh Trà Vinh - Cà Mau, chủ biên cuốn hồi ký Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước, chia sẻ lời tâm huyết ngay trong lễ viếng: "Chú Sáu Hậu là một trong những cây đại thụ của cách mạng miền Tây và cả nước; một nhân cách lớn bởi cách sống bình dị, trong sáng, trọn tình trọn nghĩa với đồng bào đồng chí đồng đội".

Người luôn trăn trở lo toan vì sự phát triển của đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương viếng lễ tang ông Lê Phước Thọ - Ảnh: PHONG CAO

Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương viếng lễ tang ông Lê Phước Thọ - Ảnh: PHONG CAO

Ngày 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn cán bộ Chính phủ đã đến viếng lễ tang nguyên trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trang trọng ghi vào sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Phước Thọ! Người đảng viên cộng sản kiên trung, tận tụy, gần dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao cả, vinh quang của Đảng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân; luôn luôn trăn trở lo toan vì sự phát triển của đất nước và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cho ĐBSCL.

Là người ông, người cha, người chồng, người đồng chí hết lòng yêu thương quý mến của gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia quyến đồng chí Lê Phước Thọ và người thân về nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp này". (LÊ DÂN)

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ từ trầnNguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ từ trần

Ông Lê Phước Thọ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tổ chức Trung ương - từ trần vào sáng 6-7, hưởng thọ 96 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên