29/04/2021 08:04 GMT+7

Liên kết làm thương hiệu nông sản: Không thiếu vốn, chỉ lo thiếu hợp tác

CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Một số sản phẩm, đặc sản địa phương đã được các bộ ngành liên quan chọn để xây dựng thương hiệu, đăng ký trong nước và quốc tế, phát triển thương hiệu, xử lý và đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp.

Liên kết làm thương hiệu nông sản: Không thiếu vốn, chỉ lo thiếu hợp tác - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao được trưng bày tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản do Bộ NN&PTNT cùng Bộ KH&CN phối hợp tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 28-4. Thông tin tại hội nghị cũng cho biết Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương về bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25.

Hợp tác mới có đường sống

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - đề nghị cộng đồng doanh nghiệp (DN) hình thành hệ sinh thái để làm điểm tựa cho nhau, "đừng cạnh tranh để kéo nhau tất cả cùng xuống đáy. Cạnh tranh cùng thắng, lấy giá trị bên đây làm tăng giá trị bên kia". 

Theo ông Hoan, điểm yếu công nghệ có thể giải quyết được, ngay cả thiếu vốn cũng có thể giải quyết được, nhưng câu chuyện hợp tác sẽ không ai giúp DN giải quyết được mà phải do chính các DN tự nguyện hợp tác với nhau vì quyền lợi của các DN cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 7.500 DN chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng nông sản VN còn nhiều hạn chế như tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 10 - 25%, phương pháp bảo quản còn đơn giản và lạc hậu, sản phẩm sơ chế giá trị gia tăng thấp chiếm 70 - 80%, logistics còn yếu...

Do đó, ông Nguyễn Thành Công - phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN cần hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối thị trường, nắm yêu cầu của thị trường các nước nhập khẩu đối với nông sản để các địa phương hướng tới việc "thị trường cần gì, sản xuất cái đó, không sản xuất cái thị trường không cần". Bộ NN&PTNT cũng cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể các vùng trồng như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nam Bộ để phát triển đồng bộ, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Trong khi đó, ông Võ Thành Thống, thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng nên cân bằng, hài hòa giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, thay vì xem nặng xuất khẩu đối với nông sản như trước đây.

"VN có khoảng 100 triệu dân, một thị trường khá lớn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất nhiều. Do đó, cần có sự cân bằng và hài hòa trong mối quan hệ giữa xuất khẩu và thị trường nội địa để có sự tương tác, hiệu quả cao hơn", ông Thống đề nghị.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Như Quỳnh, phó chánh Thanh tra Bộ KH&CN, cho biết số DN Việt quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ không nhiều, chỉ đến khi "gặp vấn đề" mới đi tìm người làm công tác sở hữu trí tuệ. Các DN đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng rất ít, số lượng "đếm trên đầu ngón tay". Nông sản của VN ra nước ngoài chủ yếu là nguyên liệu, còn thành phẩm cũng dán nhãn của chủ thể nước ngoài.

Ngay cả sản phẩm đã có thương hiệu cũng khó cạnh tranh do làm thương hiệu chưa tốt, ít người biết đến. Chi phí cao cho vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ là điều mà các DN phải suy nghĩ, thậm chí "tặc lưỡi" bỏ qua, với tư duy cứ cho sản phẩm vào thị trường trước đã rồi mọi chuyện tính sau. Cũng theo bà Quỳnh, một số bộ ngành đang có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ cho các nông sản chủ lực VN giai đoạn 2021 - 2022.

Đến nay, các bộ ngành cơ bản đã thống nhất lựa chọn một số sản phẩm, một số địa phương để thúc đẩy về mặt thương hiệu, từ đăng ký trong nước và quốc tế cho tới xây dựng, phát triển thương hiệu cũng như xử lý, đào tạo tập huấn các DN. 

"Đây là cơ hội rất tốt cho các DN, hiệp hội cùng tham gia chương trình với mong muốn làm sao sở hữu trí tuệ gắn với nông sản của VN, để được đảm bảo khi mang ra thị trường nước ngoài", bà Quỳnh nói.

Ông Huỳnh Thành Đạt, bộ trưởng Bộ KH&CN, cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với nông sản của VN. Tuy nhiên, theo ông Đạt, các DN cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ vì đây thật sự là giải pháp quan trọng nhất giúp các DN tiếp cận và chinh phục được thị trường trên thế giới.

"Đơn cử trường hợp các nông sản chủ lực của VN như cà phê, vải thiều, thanh long... sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đã tiếp cận và mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU...", ông Đạt dẫn chứng.

Theo Bộ KH&CN, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bảo hộ 81 sáng chế, giải pháp hữu ích, 101 chỉ dẫn địa lý, 464 nhãn hiệu chứng nhận và 1.407 nhãn hiệu tập thể cho nông sản VN.

Nhanh chóng đăng ký thương hiệu gạo ST25

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Bộ Công thương đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Hồ Quang Cua và DNTN Hồ Quang Trí về vụ việc thông tin nhiều DN đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp này, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Cua đã báo cáo các thông tin ban đầu, đồng thời cho biết đã có thuê hãng luật Hoa Kỳ hỗ trợ vấn đề trên.

Dù khẳng định việc đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo này là việc của nhóm đồng tác giả lúa ST25 và DNTN Hồ Quang Trí, nhưng lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng cho biết rất quan tâm vì đây là lợi ích của phía VN và cộng đồng người tiêu dùng.

Theo các cơ quan chức năng, DNTN Hồ Quang Trí cần phải nhờ hãng luật tư vấn làm văn bản phản đối đăng ký gửi Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) để đảm bảo không xảy ra việc cấp văn bằng bảo hộ có cụm từ ST25 cho gạo của bất kỳ tổ chức nào, bởi đây là tên của một giống lúa nổi tiếng của VN, đồng thời DN cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ trong nước và một số thị trường lớn khác.

Chi phí logistics cao, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh Chi phí logistics cao, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh

TTO - Chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5% và thế giới 14%.

CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên